Không phải ngẫu nhiên mà chỉ 4 tháng sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng vào ngày 20-5, như một động thái triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW - nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về phát triển đô thị, bởi đúng như Tổng Lãnh sự Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh Daniel Coenraad Stork phát biểu tại diễn đàn hội thảo, thành phố thông minh là một phần của chương trình nghị sự và phát triển đô thị bền vững.
Đường Phạm Văn Đồng khang trang, hiện đại cùng với cầu Sông Hàn tạo thành trục đường kết nối khu vực trung tâm thành phố với biển và bán đảo Sơn Trà. Ảnh: XUÂN SƠN |
Thành phố thông minh cũng là một trong năm định hướng của Thành ủy Đà Nẵng trong chương trình triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW trên địa bàn thành phố với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, hiện đại, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng. Thực ra các định hướng này cũng hoàn toàn phù hợp với quan điểm phát triển Đà Nẵng nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Phát triển thành phố theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng”.
Có thể thấy trong 5 định hướng sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng, khó nhất là làm thế nào để đô thị Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa mang tầm quốc tế lại vừa có bản sắc riêng. Và muốn vươn tầm quốc tế thì trước hết phải vươn tầm quốc nội - phải phấn đấu đến năm 2030 trở thành “một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á”, trở thành “đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên”; đến năm 2045 trở thành “thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á” như đòi hỏi của Nghị quyết số 43-NQ/TW.
Cho nên việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW trên địa bàn thành phố không tách rời việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nói cách khác muốn đi đường dài vươn tầm quốc tế, Đà Nẵng không thể đơn thương độc mã mà phải “phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị (…) bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị trực thuộc Trung ương, đô thị trung tâm cấp quốc gia với đô thị vùng và khu vực nông thôn…” như quan điểm của Nghị quyết số 06-NQ/TW; cụ thể là phải “nghiên cứu quy hoạch phát triển các khu vực liên tỉnh bắc Quảng Nam - nam thành phố Đà Nẵng (…) tiếp tục đầu tư phát triển các hành lang kinh tế như Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng (…) xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng (…) kêu gọi và thúc đẩy đầu tư đường cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y (…) đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế thành Đại học quốc gia (…) phát triển thành phố Đà Nẵng, thành phố Vinh và thành phố Huế thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu…” như nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Đương nhiên đấy là những mục tiêu quốc gia đòi hỏi Đà Nẵng phải cùng với các tỉnh trong tiểu vùng duyên hải Trung Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định), rộng hơn là phải cùng với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cũng như các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và nhất là với các ngành dọc ở Trung ương, chung tay thực hiện. Riêng đối với mục tiêu “có bản sắc riêng”, Đà Nẵng cần đầu tư nhiều công sức thì mới có thể đạt được.
Các nghị quyết nêu trên có thể đề ra những chỉ tiêu rất cụ thể về xây dựng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế, chẳng hạn Nghị quyết số 43-NQ/TW đã xác định từ nay đến năm 2030, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính của Đà Nẵng phải phấn đấu để được xếp hạng trong top 3 của cả nước; hay xác định đến năm 2030 Đà Nẵng phải hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; thế nhưng chưa có nghị quyết nào có thể nêu cụ thể rằng muốn “có bản sắc riêng”, Đà Nẵng cần phải làm gì và làm như thế nào.
Đơn cử Nghị quyết số 06-NQ/TW chỉ yêu cầu phải “bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”, phải “phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”, nhưng các yếu tố văn hóa nào được xem là đặc trưng cho từng đô thị và cho Đà Nẵng thì chưa có gợi ý gì cụ thể hơn và như vậy rõ ràng đấy là điều mà người Đà Nẵng phải tự mình tìm lời giải. Ngay Nghị quyết số 43-NQ/TW dành riêng cho Đà Nẵng cũng chỉ nhấn mạnh phải “hình thành các giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng”; còn chính người Đà Nẵng phải tự mình xác định truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng nằm ở tọa độ nào trên bản đồ truyền thống, văn hóa người Quảng, người miền Trung và người Việt Nam.
Ngay cả việc trồng cây xanh cho một đô thị sinh thái, người Đà Nẵng có thể nghĩ gì khi thành phố kết nghĩa Hải Phòng đã nổi tiếng với thương hiệu “Thành phố hoa phượng đỏ” và mới đây thành phố Tam Kỳ tỉnh lỵ của Quảng Nam cũng đang hướng tới thương hiệu “Thành phố hoa sưa vàng”? Rồi thương hiệu “Thành phố hoa đào” của thành phố Lạng Sơn, tỉnh lỵ của Lạng Sơn hay thậm chí thương hiệu “Thành phố hoa hồng” của thành phố Đồng Hới, tỉnh lỵ của Quảng Bình…
Trên đường đến với một đô thị thông minh, sinh thái, hiện đại, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng, người Đà Nẵng còn phải làm nhiều việc, nhưng có lẽ khó nhất là tạo nên được khác biệt, là làm thế nào để vừa mang tầm quốc tế - hiện đại như thiên hạ, thông minh như thiên hạ - lại vừa có bản sắc riêng. Trong tám văn nghệ sĩ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2022, Đà Nẵng có một người: Cố Giáo sư, nhà nghiên cứu nghệ thuật tuồng, tác giả kịch bản tuồng Hoàng Châu Ký.
Từ năm 2015 đến nay, khi Nghệ thuật tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật này qua các chương trình biểu diễn Đưa tuồng xuống phố, Hồn Việt… Việc truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần này đối với Cố Giáo sư Hoàng Châu Ký có thể tạo điều kiện để Đà Nẵng tiếp tục vươn lên trở thành trung tâm nghiên cứu, biểu diễn nghệ thuật tuồng cả nước, và qua các sinh hoạt học thuật và nghệ thuật hằng năm chuyên về di sản văn hóa độc đáo này - diễn ra hằng năm hoặc hai năm một lần - giới nghệ sĩ sân khấu Đà Nẵng sẽ góp phần gầy dựng “giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng” theo yêu cầu của Nghị quyết số 43-NQ/TW.
BÙI VĂN TIẾNG