Sa mạc Chile trở thành bãi rác của thế giới

.

Chile là quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ. Song, khó có thể hình dung vùng sa mạc Atacama ở phía bắc nước này lại là bãi rác của thế giới với những đống giày dép, lốp xe và những chiếc xe cũ, trong đó đáng chú ý là quần áo ế - hệ quả của ngành công nghiệp “thời trang nhanh”.

Luật sư, nhà hoạt động Paulin Silva (34 tuổi) đứng giữa đống quần áo, giày dép, lốp xe... ở sa mạc Atacama. Ảnh: AFP/Getty Images
Luật sư, nhà hoạt động Paulin Silva (34 tuổi) đứng giữa đống quần áo, giày dép, lốp xe... ở sa mạc Atacama. Ảnh: AFP/Getty Images

Tại ít nhất 3 khu vực ở sa mạc Atacama, nơi khô cằn nhất thế giới trong hơn 8 triệu năm qua, có vô số đồ cũ như quần áo, giày dép. Báo South China Morning Post cho rằng, trong hằng hà vô số quần áo bỏ đi ở Atacama, người ta có thể tìm thấy từ áo len đến giày trượt tuyết. Số quần áo được thải ra ngày càng nhiều, tạo nên cảnh tượng kỳ lạ ở Atacama và khiến sa mạc này ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đôi khi số quần áo này còn tự bốc cháy, phát ra khí độc hại.

Trao đổi với hãng tin AFP, ông Patricio Ferreira - Thị trưởng thị trấn Alto Hospicio trên sa mạc Atacama than phiền rằng, đất đai của Chile bị đem làm vật hy sinh bao nhiêu năm nay và không ai nhận thức cần giải quyết vấn đề này. “Chúng tôi không chỉ là “bãi rác sân sau” của địa phương, mà tệ hơn còn là “bãi rác sân sau” của thế giới”, ông Patricio Ferreira nói.

Chile từ lâu đã là nơi tập trung đồ cũ hoặc đồ không bán được ở châu Âu, châu Á và Mỹ. Những bộ quần áo sản xuất tại Trung Quốc hoặc Bangladesh được vận chuyển đến châu Âu, châu Á hoặc Mỹ trước khi đến Chile. Sau đó, những mặt hàng này được bán lại trên khắp Mỹ Latinh.

Ước tính mỗi năm có tới 39.000 tấn quần áo cũ và quần áo ế đổ về sa mạc Atacama. Riêng năm 2021, con số này lên đến hơn 46.000 tấn. Các chuyên gia môi trường cho rằng, số quần áo này chứa toàn hóa chất, mất 200 năm mới phân hủy và có tính chất độc hại tương đương lốp xe hoặc đồ nhựa bỏ đi, làm ô nhiễm đất, không khí và nước ngầm. Chẳng hạn, để sản xuất một chiếc quần jean cần 7.500 lít nước, trong khi quần áo và giày dép “đóng góp” 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu và cứ mỗi giây thì một lượng hàng dệt may tương đương với một xe chở rác bị chôn hoặc đốt bỏ.

Luật sư và nhà hoạt động Paulin Silva đã đệ đơn lên tòa án môi trường của Chile để khiếu nại về thiệt hại do núi rác gây ra. Đứng giữa đống quần áo, giày dép, lốp xe, và cả những chiếc xe cũ… bao phủ sa mạc Atacama, cô Paulin Silva nói rằng, cần tìm ra những người có trách nhiệm giải quyết bãi rác khổng lồ gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe.

Hàng chục ngàn quần áo bị vất bỏ được cho là hệ lụy do ngành “thời trang nhanh” (fast fashion) tạo ra. Đúng như tên gọi, “thời trang nhanh” mô tả những món quần áo bắt kịp xu hướng nhanh chóng, sao chép ý tưởng từ những món đồ trong các buổi trình diễn thời trang và được sản xuất rất nhanh để chuyển đến các cửa hàng. “Thời trang nhanh” cho phép người tiêu dùng mua quần áo hợp thời với giá cả phải chăng nhưng lại thải bỏ rất nhanh, để rồi tập kết ở các “bãi rác quần áo” như sa mạc Atacama.

Trong khi đó, ô-tô đã qua sử dụng tràn vào Chile thông qua khu thương mại tự do. Nhiều chiếc xuất khẩu sang Peru, Bolivia hay Paraguay; những chiếc khác cuối cùng bị vứt bỏ ở các bãi rác rộng hàng km trong sa mạc.

Lo ngại khi mỗi ngày Atacama đều đối mặt với hàng chục ngàn tấn rác thải, Thị trưởng Patricio Ferreira cho rằng, nguyên nhân do tình trạng thiếu nhận thức toàn cầu, thiếu trách nhiệm đạo đức cũng như ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không dễ gì giải quyết được bãi rác khổng lồ này khi ngành công nghiệp “thời trang nhanh” vẫn phát triển chóng mặt và hủy hoại thế giới theo cách của riêng nó.

Sa mạc Atacama rộng 100.000km2 nằm cách thành phố Iquique khoảng 30km về phía nam, có cảnh quan được cho là giống sao Hỏa nhất trên Trái đất. Atacama nổi tiếng với những cánh đồng muối trải rộng, công trường khai thác đồng và lithium.

Armen Serrano, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường Endemic Roots nói rằng, những năm gần đây, sa mạc khô hạn nhất thế giới này được xem như “đồi trọc”, nơi có thể “rút cạn tài nguyên và lấp đầy túi tiền”.

KHÁNH LINH (theo Mail Online, AFP)

;
;
.
.
.
.
.