ẨM THỰC DU LỊCH

Hấp dẫn ẩm thực đường phố

.

Đà Nẵng có nền ẩm thực đường phố phong phú, đậm đà hương vị. Trong đó, những món ăn như bánh bèo, bánh ướt, bánh căn, ốc hút, bánh mì, bò bía, gỏi bò khô, bắp xào, sữa chua muối, ram cuốn cải, đậu hủ, mít trộn, da trộn… trở thành món ăn chơi hấp dẫn người dân lẫn khách du lịch.

Giới trẻ xem món ốc hút là món ăn đường phố hấp dẫn. Ảnh: T.Y
Giới trẻ xem món ốc hút là món ăn đường phố hấp dẫn. Ảnh: T.Y

Thực đơn phong phú

Rảo một vòng quanh thành phố, không khó bắt gặp quán ăn vặt nằm khắp các tuyến đường. Những chiếc tủ, bàn, ghế nhỏ nằm nép gọn dưới hiên nhà, trên vỉa hè, sau khi cố gắng chừa lại một khoảng nhỏ cho người đi bộ ngang qua. Không gian bình dị, đơn sơ nhưng gần gũi, thân tình đã nuôi sống bao gia đình nghèo khó giữa lòng phố thị.

Nhờ gánh ram cuốn cải, bà Trịnh Thị Hòa (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) nuôi 2 người con ăn học nên người. Hằng ngày, tầm 3 giờ chiều bà quẩy gánh rời phòng trọ trong hẻm đường Ông Ích Khiêm, chen lẫn vào những tuyến kiệt nhỏ. Mái hiên nào rộng, không cản trở giao thông, bà Hòa tranh thủ đặt gánh, soạn đồ ngồi bán. Mỗi ngày, bà làm chừng 300 chiếc ram, bán theo đĩa 10 chiếc kèm rau cải, nước mắm chua ngọt giá 25.000 đồng.

Thói quen ăn xế, ăn lót dạ của người dân giúp gánh ram cuốn cải của bà Hòa luôn đông khách. Để giữ chân khách quen, mỗi ngày bà đi chợ mua thịt, nấm mèo, miến, khuôn đậu, khoai tím về sơ chế, cuộn tròn với bánh tráng gạo. Từng chiếc ram giòn rụm được ủ trong thùng giữ nhiệt, ăn kèm rau cải xanh mướt cùng chén nước mắm chua ngọt, cay thơm. Không quá coi trọng khâu trình bày, món ram của bà nghiêng về chất lượng, đủ dậy lên một hương vị rất riêng.

Đà Nẵng cũng là xứ của món ốc hút, mít trộn, bánh tráng nướng chấm tương ớt... Như quán mít trộn Bà Già chế biến theo công thức người Quảng nằm cuối kiệt 47 Lý Thái Tổ không bao giờ vắng khách. Gần 40 năm trước, bà Nguyễn Thị Mông kê chiếc bàn nhỏ ngoài vỉa hè bán thau mít trộn kiếm tiền trang trải cuộc sống. Quán nhỏ, không bảng hiệu nhưng giới trẻ Đà Nẵng vẫn tìm tới, giúp nó “sống” đến bây giờ. Vị giòn ngọt của mít, dai của da heo, thơm cay của tương ớt, béo của đậu phộng rang hòa quyện cùng gia vị thấm tháp, chua cay khiến món mít trộn trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ.

Mỗi đĩa mít trộn hay da heo trộn có giá từ 15.000 - 20.000 đồng, ăn kèm bánh tráng 3.000 đồng. Ở tuổi 82, bà Mông vẫn duy trì quán mít trộn nhưng có thêm 2 phụ tá đắc lực là con cháu trong gia đình. Để thức ăn luôn tươi mới, khách đến gọi món bà mới bắt đầu nêm nếm gia vị. Đôi tay điệu nghệ nhón từng phần nguyên liệu cho vào thau trước khi trộn đều giống như đầu bếp 5 sao thứ thiệt. Đến đây vào giờ cao điểm, đặc biệt cuối giờ chiều, nhiều khi thực khách chịu cảnh ngồi chờ vì không đủ bàn, đủ ghế.

Không cầu kỳ, hoa mỹ, những món ăn đường phố neo vào lòng thực khách bởi sự giản đơn, ngon miệng và trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Con đường Nguyễn Thiếp, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà dài hơn 100m nhưng có hơn 30 hàng quán vỉa hè nằm liền kề, bán đủ loại thức ăn đường phố như ốc hút, bánh tráng trộn, gỏi đu đủ, ram cuốn cải, xúc xích, cá viên chiên, bắp rang bơ và đặc biệt là món sữa chua muối trứ danh. Có lẽ không đâu ở Việt Nam có sữa chua ăn kèm chén muối tinh theo cách hòa lẫn giữa vị ngọt, mát của sữa chua với vị mặn, thanh của muối.

Thực đơn các quán này khá giống nhau nên quán nào chế biến ngon thì khách đông và ngược lại. Được biết, món sữa chua muối bắt nguồn từ bà Phạm Thị Lợi, chủ quán Bốn Mùa. Theo như bà kể, năm 1998, bà được người bạn bày công thức làm sữa chua đề phòng cảm mạo. Người cảm, miệng lạt, bà thử ăn sữa chua kèm muối, thấy ngon nên bàn với chồng mở quán nhỏ bán sữa chua muối và món mít lạnh.

Từ nghề tay trái, bán sữa chua muối trở thành nghề tay phải của bà Lợi khi hàng quán ngày càng đông khách. Trung bình mỗi lon sữa đặc Cô gái Hà Lan, bà pha chế được 80 hủ sữa chua muối. Mùa hè, có ngày bà bỏ sỉ hơn 2.000 hũ. Thấy Bốn Mùa bán buôn ổn định, phụ nữ sinh sống trên cùng tuyến đường tìm tới nhà bà Lợi xin truyền công thức, sau đó mở liên tiếp các quán Cây Bàng, Bằng Lăng, Hoa Mai bán sữa chua muối và các món ăn đường phố…

Cần quy hoạch để nâng tầm món ngon

Nếu là người yêu thích các món ăn đường phố, bạn không nên bỏ lỡ những địa chỉ mang tính tập trung như khu chợ đêm Helio, chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Hòa Khánh hay dọc theo các tuyến đường Phạm Hồng Thái, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tứ, Ông Ích Khiêm, Ngô Văn Sở, Đống Đa, Như Nguyệt, Nguyễn Thiếp… Trong đó, khu chợ đêm Helio được giới trẻ ví von là “thiên đường ẩm thực” khi tập trung hàng chục món ăn đường phố hấp dẫn, bắt mắt như bún trộn, gỏi cuốn, bánh tráng kẹp, sushi, cao lầu, bánh xèo, mì Quảng, xiên nướng, bạch tuộc nướng, trứng vịt lộn nướng mắm ớt, kem, trái cây nhiệt đớt… Màu sắc hấp dẫn, mùi thơm khó cưỡng, không gian nhộn nhịp, hàng quán tập trung khiến địa chỉ này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. 

Anh Nguyễn Hiệp, bán bánh tráng kẹp ở khu chợ đêm Helio cho biết, việc quy hoạch tập trung các hàng quán ăn vặt khiến việc buôn bán của anh ổn định hơn. Mỗi đêm, anh bán 50-100 chiếc bánh bên trên phủ đầy trứng, chả, hành phi, patê, sốt béo ngậy với mức giá 25.000 đồng. Trừ các khoản phí, có thể bỏ túi 300.000 - 500.000 đồng. Theo anh Hiệp, người ta thường mặc định món ăn vặt đường phố chỉ dành cho giới trẻ, nhưng sau thời gian buôn bán tại đây, anh nhận thấy khoảng 30% khách đến khu chợ đêm Helio là người lớn tuổi. Họ đi chung với con, cháu và gọi chung món ăn cùng thưởng thức. “Tôi khá hào hứng khi được phục vụ thực khách lớn tuổi bởi đều này đồng nghĩa thức ăn đường phố có thể chinh phục mọi lứa tuổi”, anh Hiệp nói.

Đầu bếp Võ Quốc, người sáng lập ấn phẩm Món ngon Việt Nam, Vietnamese Delicious - giới thiệu món ăn Việt khẳng định ẩm thực đường phố Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tuy nhiên chúng chưa được đánh giá nghiêm túc, chưa quy hoạch bài bản và chưa có sự đầu tư để thu lợi tương xứng tiềm năng. Điều này một phần do văn hóa cộng đồng chỉ xem món ăn đường phố là thức ăn vặt, ăn lót dạ giữa buổi. Ở khía cạnh khác, thức ăn đường phố đang được bày bán tạm bợ, nhỏ lẻ trong các hàng, quán vỉa hè, không đủ tiềm lực quảng bá, khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm nên khách hàng có điều kiện kinh tế ít chọn mua.

Trong khi đó, bằng sự quan sát thực trạng đời sống kinh tế vỉa hè, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng cho rằng, thách thức của thức ăn đường phố, ngoài quảng bá, vệ sinh an toàn thực phẩm, còn là mục tiêu xây dựng cảnh quan đô thị hiện đại, văn minh. Không ít hàng quán vỉa hè bị ảnh hưởng bởi quy hoạch đô thị theo tiêu chí hè thông, đường thoáng. Trong khi nhược điểm cố hữu của thức ăn đường phố là chen chúc chật chội, là nhếch nhác ngổn ngang. Theo ông, để làm nên bộ mặt đô thị sôi động, nhiều màu sắc tươi vui, trong công tác quy hoạch vẫn cần dành lại không gian, khu vực, địa bàn cho thức ăn đường phố và xem đó là một bộ phận gắn kết không thể tách rời của cảnh quan đô thị hiện đại văn minh.

Giống các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hội tụ món ngon 3 miền để đáp ứng đa dạng nhu cầu thưởng thức ẩm thực của người dân. Trong xu hướng phát triển đó, nhiều món ăn đường phố đã nghiễm nhiên có mặt trong các nhà hàng sang trọng. Như món bánh xèo miền Trung đã được biến tấu, nâng tầm món ngon ở nhà hàng Ẩm thực Xèo, khi lớp nhân bánh không còn gói gọn ở tôm, thịt heo, giá đỗ truyền thống, mà có thêm mực, cá giò, thịt bò, nấm, thịt rim, thậm chí là tôm hùm… Nói như thế để thấy rằng, thức ăn đường phố, dù ở vỉa hè hay có mặt trong các nhà hàng sang trọng, vẫn giữ được sắc màu lôi cuốn, thấm tháp đậm đà và góp phần tạo nên bức tranh ẩm thực nhiều màu sắc.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.
nhà hàng gành dầu Giá Singleton 18 chính hãngđịa chỉ đặt gà bó xôi hcmNhà hàng Chillhouse Hai Bà Trưng Khám phá Phở Quang Huy sản xuất thiết bị bếp công nghiệp giá rẻ