Mèo ở thời kỳ Ai Cập cổ đại

.

Người Ai Cập tin rằng, mèo là sinh vật huyền bí, có khả năng mang lại may mắn cho người nuôi chúng. Để tôn vinh những con vật cưng quý giá này, các gia đình giàu có đã mang trang sức và cho mèo ăn những món như của hoàng gia. Khi những con mèo chết, chúng được ướp xác.

Tượng mèo ở Ai Cập cổ đại. Ảnh:  Internet
Tượng mèo ở Ai Cập cổ đại. Ảnh: Internet

Mèo có lẽ đã đến Ai Cập trên những con tàu buôn bán cổ đại vào khoảng 2.000 năm trước Công nguyên. Cuộc sống của người Ai Cập cổ đại phụ thuộc vào lũ lụt của sông Nile - nơi cung cấp đất canh tác cần thiết cho sự phát triển của nền văn minh. Mèo giữ an toàn cho các loại cây trồng quan trọng khỏi loài gặm nhấm, vì vậy trở thành loài vật được ngưỡng mộ. Mèo không chỉ hạ gục chuột, chúng còn giết rắn (nhiều loài có nọc độc) và bọ cạp, góp phần giữ an toàn cho người dân.

Người Ai Cập cổ đại còn ngưỡng mộ những phẩm chất khác của loài mèo, họ cho rằng, mèo luôn dịu dàng như sự chăm sóc của người mẹ dành cho con cái và họ yêu thích phong thái duyên dáng của chúng. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi địa vị của mèo liên tục tăng lên qua nhiều thế kỷ và trở thành sinh vật thần thánh với người Ai Cập cổ đại. Những bức tranh ở các lăng mộ xa hoa, những bức tượng cao và đồ trang sức tinh xảo đều cho thấy người Ai Cập rất yêu mèo. Ở vùng đất của các Pharaon, mèo được nuông chiều, tôn trọng và bảo vệ.

Loài mèo không được thuần hóa ở Thung lũng sông Nile. Những ghi chép sớm nhất cho thấy việc thuần hóa mèo đến từ vùng Cận Đông, khu vực được gọi là Lưỡi liềm màu mỡ. Chính tại đây, một số nền văn minh đầu tiên của loài người đã xuất hiện. Cuộc cách mạng nông nghiệp lần thứ nhất biến những người săn bắn hái lượm thành nông dân, từ bỏ lối sống du mục. Sự thay đổi này đi kèm với sự xuất hiện của các xã hội phức tạp đầu tiên, khi các khu định cư dần dần biến thành thành phố, sau đó trở thành vương quốc và đế chế. Thặng dư lương thực thúc đẩy sự phát triển của nền văn minh.

Tuy nhiên, những vựa lúa và hầm chứa lớn - nơi dự trữ lương thực quý giá, thường xuyên bị đe dọa bởi một kẻ thù nhỏ bé nhưng dai dẳng - chuột. Chính tại đây, mèo đã trở thành một phần không thể tách rời của lịch sử loài người. Bị thu hút bởi loài gặm nhấm, mèo rừng địa phương lẻn vào các làng nông nghiệp sớm. Nhận ra giá trị của mèo, con người bắt đầu đối xử tốt với những “bạn” mới đến, để lại thức ăn thừa để khuyến khích mèo ở lại.

Dần dần, mèo trở nên quen thuộc với con người. Bằng chứng sớm nhất về việc mèo và người chung sống thân thiết với nhau đến từ đảo Síp, nơi các nhà khảo cổ học khai quật được một ngôi mộ 9.500 năm tuổi của một con mèo mướp thời tiền sử, được chôn cất cùng với chủ nhân của nó. Tuy nhiên, mèo đạt đến địa vị cao nhất bên ngoài bờ biển của hòn đảo, ở vùng đất của các Pharaon Ai Cập cổ đại.

HOÀNG ĐẶNG (Theo The Collector)

;
;
.
.
.
.
.