* Nói về các thiết chế văn hóa của làng quê xưa, các cụ thường thường hay nhắc tới “đình, chùa, miếu, võ”. Xin cho biết, “võ” ở đây nghĩa là gì? (Trần Mộc, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
- Võ (người miền Nam phát âm thành dỏ), theo nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, nghĩa là cái nhà vuông, chữ Hán gọi là “kỳ hậu”. Nhà võ là một số thứ công sở của ấp, là điếm canh của đội dân phòng, nơi thờ Tiên Sư. Nhà võ còn là nơi hội họp bà con xóm ấp, thường được bố trí tại đây một cái mõ điểm mục và một cái trống thu không. Ngoài ra, nếu trong xóm ấp có một đội trợ tang thì nơi đây là nơi để dụng cụ âm khí (đồ phục vụ tang lễ). Đây cũng là nơi tạm trú cho những khách vãng lai không có người thân quen phải chọn cảnh “ăn quán ngủ đình”.
Chợ Vỏ Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: S.T |
Sách Minh Điều hương ước (năm Tự Đức thứ năm - 1852) cho biết rõ thêm rằng, mỗi xã hoặc thôn phải có một ngôi đình và một kỳ hậu (ở Nam Bộ gọi là nhà vuông, nhà võ tức quán canh) còn lân ấp, trang trại… thì chỉ cần có kỳ hậu không bắt buộc phải có đình. Thực tế trước đó hơn nửa thế kỷ, tức khi thành hình hệ thống thôn xã, thì ở xứ Đồng Nai - Gia Định đã mặc nhiên hình thành quy ước là khi thành lập một đơn vị hành chính thì phải đầy đủ bốn thiết chế văn hóa tín ngưỡng: đình, chùa, miếu, võ mang tính dung hòa trong khi Nhà Nguyễn chủ trương xây dựng chế độ phong kiến dựa vào Nho giáo.
Sách Địa chí Đồng Nai (Tập 5: Văn hóa - Xã hội, Chương 4: Kiến trúc và mỹ thuật truyền thống) cũng ghi: “Kiến trúc miễu ở thôn làng của người Việt ở Đồng Nai nói chung là không có kiểu thức định hình mẫu mực thống nhất. Ngược lại, theo một vài ngôi nhà võ (thường gọi là “dỏ”) còn tồn tại, thấy rằng đó là một ngôi nhà vuông theo kiểu nhà tứ trụ... Có điều võ khác với đình chùa là nó chỉ có một ngôi nhà tứ trụ duy nhất mà không có kiến trúc phụ nào khác”.
Sách này nhắc đến ngôi nhà võ ở chợ Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là di tích tiêu biểu của kiến trúc nhà võ truyền thống. Đây là một cơ sở công ích (trụ sở của xóm ấp, điếm canh của đinh tráng) vừa là nơi thờ Tiên Sư (hiểu là tổ nghề/ bậc thầy đời trước). Do đó, ở đây luôn có trang khám thờ trên “rầm cao” và bên dưới có “rầm hạ” (sạp) để đinh tráng canh gác làm chỗ ngủ nghỉ, hay tụ hội tiệc tùng theo lệ cúng Tiên Sư hằng năm.
Ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, có ngôi chợ mang tên Vỏ (dấu hỏi) ở làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh. Các vị cao niên cho biết ngày trước nơi đây cũng có một cái võ, sau này nơi đây họp thành cái chợ, người dân gọi là chợ Dỏ, hoặc chợ Vỏ. Đài Truyền thanh - Truyền hình Duy Xuyên (duyxuyenrt.vn) có một cách gọi khác, chợ Giỏ.
Về tên gọi chợ Giỏ, wikimapia.org (một ứng dụng bản đồ trực tuyến được kết hợp bởi Google Maps với hệ thống wiki cho phép người sử dụng có thể tự do thêm thông tin dưới định dạng tin nhắn vào mọi vùng trên thế giới) giải thích: “Cách đây hơn 100 năm,dưới thời phong kiến, nơi đây có một trạm gác của lính lệ phủ Duy Xuyên canh gác giữ an ninh cho khách bộ hành. Lúc bấy giờ nơi đây là rừng hoang cỏ rậm thú dữ, rắn rít muôn trùng, do đó trạm gác làm dưới dạng một cái chòi cao chân, bên trên có sạp tre để lính ngồi gác, chung quanh bện bằng nan tre bao bọc để an toàn cho người ngồi trong. Người ngồi trong trạm gác giống như ngồi trong giỏ. Nơi đây là ngã ba đường cho nên ban ngày nhân dân quanh vùng họp chợ dưới chân trạm gác để trao đổi mua bán chút ít, từ đó có tên là chợ Giỏ”.
ĐNCT