Bên khóm tre làng

.

Xuân về, lang thang dọc miền đất nước, đâu đâu cũng thấy bóng dáng của những lũy tre làng đang lú nhú những chồi non xanh mởn. Tre xanh ôm lấy những mái nhà liêu xiêu, nép mình bên ngõ nhỏ. Lũy tre xanh làm nên nét đằm thắm cho làng quê Việt Nam.

“Tre xanh xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh.” Chẳng biết từ bao giờ mà câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy đã trở nên thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Những con người xem tre như máu mủ ruột rà. Trong mối quan hệ khắng khít thủy chung ấy, tre với người đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ từ những ngày bom rơi lửa đạn để giành lấy sự sống bình yên cho dân tộc mình.

Trong cuộc sống mới, tre càng thân thiết với con người hơn. Tre dùng làm cột kèo, phên nứa. Tre gắn liền với mọi sinh hoạt của con người, từ chiếc rổ, chiếc rá bằng tre cho đến đôi đũa tre ta ăn mỗi ngày. Cạnh chiếc cầu ao là giàn mướp bằng tre có hoa vàng rực rỡ, mỗi mùa xuân về lại lủng lẳng quả ngon trên cành. Bên bếp lửa hồng, chiếc ống tre vẫn là vật dụng không thể thiếu trong gian bếp. Tre làm nên biết bao vật dụng thân thiết không thể chối từ.

Còn nhớ chiếc đòn gánh bằng tre bên gánh hàng rong những sớm mai trên vai mẹ nặng trĩu đã nuôi nấng bao đứa trẻ ăn học nên người. Bao giọt mồ hôi của mẹ thấm đẫm nhọc nhằn mưu sinh. Chẳng biết tự bao giờ chiếc đòn gánh bằng tre đã trở thành biểu tượng cho sự tảo tần chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam. Con gái mới lớn lên đã biết quang gánh giúp mẹ gánh nước tưới rau như một cách đỡ đần mẹ.

Tre còn gắn bó với người nông dân “một nắng hai sương” qua bao vụ mùa. Từ thanh cuốc bằng tre người người cần mẫn xới từng tấc đất gieo hạt chờ ngày cây lúa vàng bông, cho đến chiếc lạt mềm bằng tre buộc từng bó lúa gánh trên vai, tre vẫn luôn là sự lựa chọn gần gũi nhất. Tre gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ của mỗi đứa trẻ thôn quê. Đứa trẻ nào cũng lớn lên trong căn nhà bằng cột tre, kèo tre, tấm phên tre che mưa che nắng.

Trên chiếc chõng bằng tre, ta lắng nghe tiếng ru ầu ơ của bà, của mẹ. Lớn hơn một chút, ta cùng bạn bè men theo chiếc cầu tre ra con ngõ đầu làng vui chơi, con diều giấy bằng tre kết nối ta với những ước mơ tuổi thơ ngập tràn màu nắng. Nhớ những buổi trưa oi nồng, ta nằm trong vòng tay mẹ, chiếc quạt bằng tre trên tay mẹ nhịp nhàng đưa ta vào giấc ngủ bình yên. Ngoài hiên, tiếng lá tre rơi xào xạc trong gió ngân lên bao điệp khúc không lời. Ta chìm vào miền cổ tích xa lạ có câu chuyện mẹ kể và nụ cười hiền hậu xuyến xao…

Giản dị, chân tình tre trở thành người bạn kết tóc se duyên cho đôi lứa yêu nhau nên vợ nên chồng. Dưới bóng trăng thanh đầu làng, các chàng trai cô gái trao nhau những lời giao duyên, tình tứ: “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan sàng được chưa?”. Còn khi đôi lứa đã bén duyên: “Lạt này gói bánh chưng xanh/ Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng…”.

Thật chẳng thể đong đếm được bao yêu thương tre trao tặng con người. Mộc mạc, dung dị, tre cứ đến với người bằng tình nghĩa thủy chung. Những đôi quang gánh dẻo dai gánh gồng yêu thương, những mái nhà bằng tre vững chãi yên bình, những sợi lạt mềm bằng tre buộc yêu thương nhân nghĩa… Tất cả có trong muôn ngàn khóm tre làng đang nhú vạn mầm măng. Trong mỗi làng quê Việt Nam từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre cho đến khi nhắm mắt lìa đời trên chiếc giường tre, con người vẫn có tre bên cạnh, thủy chung son sắt.

TRẦN NGUYÊN HẠNH

;
;
.
.
.
.
.