CHUYỂN ĐỘNG VĂN HÓA CƠ SỞ

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa

.

Cùng với mục tiêu xây dựng thành phố an bình, đáng sống, Đà Nẵng đã quan tâm và dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - xã hội. Trong đó, đội ngũ cán bộ văn hóa có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng, ban hành chính sách phát triển văn hóa, bảo đảm đúng định hướng, mục tiêu của Đảng, Nhà nước.

Khách tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: K.H
Khách tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: K.H

Bà Huỳnh Thị Kim Lập, Trưởng bộ phận nghiệp vụ, Nhà trưng bày Hoàng Sa (quận Sơn Trà) cho biết, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, văn hóa, lịch sử, công việc tại bảo tàng yêu cầu những cán bộ như bà không ngừng trau dồi, rèn luyện từ chuyên môn, nghiệp vụ đến cung cách giao tiếp. Nhiều năm gắn bó với nghề, dù am hiểu kiến thức lịch sử nhưng chưa lúc nào bà ngừng việc học tập nâng cao trình độ.

Bà Lập là một trong gần 500 cán bộ, công chức, viên chức đang hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao trên địa bàn thành phố. Trong đó, số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ trên đại học là 58 người (11,5%), trình độ đại học 296 người (58,6%), trình độ cao đẳng 25 người (4,9%)…, đa phần thuộc các chuyên ngành văn hóa, thể thao.

Đánh giá chung về nguồn nhân lực từ Sở Văn hóa và Thể thao cho thấy, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành văn hóa và thể thao được đào tạo bài bản, phù hợp với vị trí việc làm, qua đó phát huy năng lực chuyên môn và sở trường công tác. Bộ máy quản lý văn hóa từ thành phố đến cơ sở được kiện toàn, tạo mạng lưới cán bộ văn hóa rộng khắp, giúp cho lĩnh vực văn hóa, nhất là đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú, đa dạng. Đội ngũ cán bộ văn hóa có tâm, có tầm, có trách nhiệm đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển ngành văn hóa.

Bà Hồ Thị Thiên Trang, Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, trong báo cáo gửi các cấp, sở nhìn nhận, trên bình diện chung, nhân lực ngành văn hóa vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như đời sống công chức, viên chức, người lao động, văn nghệ sĩ và vận động viên còn gặp nhiều khó khăn; ở địa bàn cơ sở, có thiết chế văn hóa - thể thao cấp xã nhưng không có nhân lực thường xuyên/chuyên trách trong khi yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng cao; lực lượng sáng tác kế thừa văn học, nghệ thuật trẻ ngày càng ít… Đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở quận, huyện, phường, xã, do thực hiện tinh giản biên chế, số lượng cán bộ, công chức của các phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện bị cắt giảm; nhân lực văn hóa ở các phường, xã đa số kiêm nhiệm, ít cán bộ, công chức phụ trách văn hóa, thể thao ở phường được đào tạo đúng chuyên môn và thường xuyên thay đổi nên còn nhiều hạn chế, lúng túng trong việc tổ chức các hoạt động. Ngoài ra, ngành còn thiếu chuyên gia, nhà nghiên cứu, lý luận có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn giúp dự báo và định hướng chiến lược phát triển ngành, đề ra giải pháp mang tính đột phá; thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về đạo diễn, nghệ sĩ tài năng đảm nhận tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy mô lớn.

Trong bối cảnh đó, những năm qua, việc đầu tư, thu hút, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa - xã hội được thành phố và các ngành, địa phương rất quan tâm. Với định hướng xác định văn hóa là một trong 4 trụ cột phát triển của thành phố - phát triển ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị gắn với phát triển du lịch, UBND thành phố ban hành Đề án “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, làm nền tảng xây dựng thành phố an bình, đáng sống, hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2030”. Đề án tập trung 2 nội dung trọng tâm là xây dựng, phát triển văn hóa và con người Đà Nẵng trong thời kỳ mới.

Để khuyến khích, thu hút tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng như trọng dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ văn hóa tâm huyết, gắn bó với nghề, có nhiều cống hiến vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, địa phương, ngành văn hóa thành phố coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa.

Phát huy và hoàn thiện chính sách thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, thu hút chuyên gia đầu ngành, nhà nghiên cứu, nhà quản lý có trình độ chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, các nghệ sĩ, huấn luyện viên tài năng đến làm việc tại thành phố để tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức của ngành. Đồng thời, có chính sách thu hút tài năng, bồi dưỡng, đào tạo tài năng trẻ về văn học nghệ thuật, hình thành lực lượng văn nghệ sĩ kế cận có chất lượng và điều chỉnh chế độ tiền lương, trợ cấp đối với những người hoạt động trong các bộ môn đặc thù.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.