Cuộc chiến nào cũng vậy. Bên cạnh những trang sử hào hùng, oanh liệt, thì cũng có những trang bi kịch, quặn lòng. Đây cũng là điều dễ hiểu, nhất là đối với dân tộc ta, một dân tộc đi qua bao cuộc chiến đấu, để lại bao nhiêu là núi vọng phu, là những số phận đớn đau, khôn nguôi dằn vặt.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân |
Nguyễn Đức Mậu, một người lính làm thơ, từng trực tiếp cầm súng trong những năm chiến tranh, nhà thơ hiểu rõ sự hào hùng và bi tráng của chiến tranh, hiểu cái giá của sự hy sinh, của hòa bình. Nguyễn Đức Mậu có tác phẩm Màu hoa đỏ, Thuận Yến phổ nhạc, gây nên bao xúc động về một thế hệ lên đường cứu nước.
Lần này, Nguyễn Đức Mậu dựng lên hình tượng khó quên, hình ảnh người phế binh, sau bốn mươi năm ốm đau, lưu lạc, cô độc, trở về. Đó là bài thơ Người ngồi trước mộ mình.
Sau bốn mươi năm báo tử. Ông về
Thấy ảnh mình trên bàn thờ
Thấy ảnh mình trên bia mộ
Có phải ông một thời trai trẻ
Phải ông người trong ảnh ngày xưa?
Bốn mươi năm
Mẹ cha ông lúc xuôi tay nhắm mắt
Mong nằm cạnh con mình
Mộ ông, chiếc tiểu sành không hài cốt
Ông trở về trước mộ cha, cúi mặt
Trước mộ mẹ khấn thầm
Hình hài xiêu vẹo
Tuổi chiều nắng tắt ...
Nấm mộ ông đắp bằng nước mắt
Hương khói tỏ mờ mỗi đận Thanh minh
Trước bia đá cỏ xanh
Người phế binh dại ngây khuôn mặt
Ông nhẩm nhớ những người đã mất
Một con thuyền trong đêm chiến tranh
Bom rơi đặc trời, máu loang mặt nước
Bao người chết. Chết không tìm được xác...
Bao người chết. Chỉ mình ông sống sót
Hơn bốn mươi năm ốm đau, lưu lạc
Người phế binh ngồi trước mộ mình
Bài thơ có 6 khổ, kể về một phế binh, sau hơn bốn mươi năm sống sót, lưu lạc xứ người, nay trở về và ngồi trước mộ mình. Một nỗi buồn lặng thầm về một số phận sau chiến tranh lan tỏa trên từng dòng thơ. Bài thơ không chỉ viết về một số phận, một bi kịch cá nhân trong chiến tranh. Đằng sau nó, đó là, những thân phận của nhân dân mình, một nhân dân qua lửa đạn, sau bốn mươi năm hòa bình, sau bao người ngã xuống, không về và có người trở về.
Chuyện kể: Sau bốn mươi năm báo tử. Ông về. Nghĩa là, trong ký ức mọi người, ông đã chết. Ông đã chết thật rồi trong hơn bốn mươi năm đó! Ông có giấy báo tử, có ảnh trên bàn thờ, có ảnh trên bia mộ. Rõ ràng là như vậy mà người trở về vẫn không tin, vẫn cứ hỏi "Có phải", "Phải": Có phải ông một thời trai trẻ/ Phải ông người trong ảnh ngày xưa? Những câu hỏi như xoáy vào tâm can, dằng dặc của thời gian bốn mươi năm dâu bể, của bốn mươi năm thay đổi của xóm làng họ mạc. Câu hỏi về sự thay hình đổi dạng một con người của ngày xưa và hôm nay, con người trên bia mộ, trên ảnh thờ và con người sống sót, xiêu lạc đất khách quê người, trở về không nguyên vẹn như ngày ra đi. Bi kịch nằm ở đó.
Những ngày tháng cuối đời, trước khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ cha ông chỉ mong ước duy nhất: nằm cạnh con mình. Có điều, bên ngoài chiếc tiểu sành không hài cốt đó, có một con người bằng xương thịt đang phiêu dạt xứ người. Tội nghiệp cho cha mẹ, hôm nay, ông về đây, về trước mộ cha, mộ mẹ, trong tuổi xế chiều của cuộc đời với hình hài không vẹn nguyên, xiêu vẹo.
Ông nhìn ngôi mộ của mình, ngôi mộ đắp bằng nước mắt, nước mắt nhớ thương của cha mẹ, của người thân trong hơn bốn mươi năm đằng đẵng. Khói hương mờ tỏ trong "mỗi đận Thanh minh", nhớ ông. Trước tấm bia đá, trời vẫn xanh, cỏ vẫn xanh, chỉ có riêng ông "dại ngây khuôn mặt". Phút giây ấy, ông nhớ về cuộc chiến, "bom rơi đặc trời, máu loang mặt nước/ nhẩm nhớ những người đã mất/ bao người chết. Chết không tìm được xác" và chỉ mình ông sống sót, thành phế binh, bao nhiêu năm nơi quê người, nhớ nhớ quên quên, về ngồi trước ngôi mộ của mình.
Trong bài thơ, hai lần nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nói đến: Người phế binh dại ngây khuôn mặt/ Người phế binh ngồi trước mộ mình, nhiều câu thơ nói đến bom rơi, máu loang, chết không tìm được xác... khiến người đọc cảm thấy không yên lòng khi trả lời, rằng là, số phận những người đã chết và số phận người sống sót, lưu lạc, ốm đau, dại ngây khuôn mặt khi trở về, nỗi dau và bi kịch nằm ở phía nào?
Nguyễn Đức Mậu, sau bốn mươi năm, viết về một cuộc chiến khác. Một cuộc chiến không có tiếng bom rơi đạn nổ. Một cuộc chiến đầy nước mắt, cô độc, dằng dặc nỗi buồn sau mỗi con chữ, sau nỗi trĩu nặng ưu tư về số phận người lính sống sót, trở về, lẳng lặng ngồi và nhìn mộ mình, nhớ làng quê, nhớ cha mẹ và đồng đội.
Nguyễn Đức Mậu sinh ngày 14 tháng 1 năm 1948 tại xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nhập ngũ năm 1966, chiến đấu ở chiến trường Lào. Sau hòa bình, ông làm biên tập viên, học Trường viết văn Nguyễn Du, khóa I. Sau đó, làm Trưởng ban thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam. |
HUỲNH VĂN HOA