1. Nhận chức Bí thư Quảng Đà
Năm 1959, ông Hồ Nghinh rời Hà Nội về lại Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1962, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng chấp hành lệnh của Khu ủy 5, thành lập hai Ban Cán sự, một ở cánh Bắc, một ở cánh Nam. Tại Nà Lau, các đại biểu tỉnh Quảng Nam tiếp tục tiến hành Đại hội, bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 21 đồng chí do Phạm Tứ (Mười Khôi) làm Bí thư.
Đồng chí Hồ Nghinh (hàng đầu, thứ 5, bên trái sang) cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy gặp gỡ cán bộ hoạt động nội thành Đà Nẵng trước 1975. (Ảnh tư liệu) |
Họp chia hai tỉnh xong, ở Nà Cau, ông Hồ Nghinh dẫn Đoàn Quảng Đà gồm 15 người, leo núi, lội suối bốn ngày trời ra đến làng Bền, thuộc xã Sông Côn, huyện Bến Hiên. Ông Phạm Tứ theo Đoàn ra dự Đại hội Đảng bộ Quảng Đà với tư cách là đại biểu của Đoàn Quảng Nam.
Đoàn khởi hành lúc chạng vạng, đi 3 giờ sáng thì đến Suối Đá đổ về sông Tranh, trận lụt vừa qua, nước chảy làm lở hai bên bờ suối, đoạn đường từng lội qua giờ rộng như một con sông. Không nhớ rõ hôm đó trăng 15 hay 16, đã chếch về phía núi mà vẫn còn tròn, sáng như lúc hừng sáng của mùa hè. Mọi người dừng lại bên bờ suối, nhìn nước lai láng, mênh mông, nhiều người cảm thấy ái ngại.
Ông Mười Khôi hỏi thật to: "Ai biết lội bơi?". Ai cũng nói biết, nhưng người thì nói to, người thì nói nhỏ. Thật ra, ông Mười Khôi chỉ lo cho ông Hồ Nghinh vì ông là người lớn tuổi nhất và trông cũng ốm yếu. Ông Mười Khôi và ông Sáu Nam đều cao to, ông nào cũng biết bơi, còn nói trạng "Tau bơi như rái". Ông Nghinh là dân Duy Trinh, lấy vợ người Bàn Thạch, Duy Vinh, biết bơi qua lạch cạn. Mấy lần từ Vùng B Đại Lộc xuống, qua sông Yên, xuống Hòa Vang, không bị chết hụt vì bị phục kích thì ông Hồ Nghinh cũng bị uống nước sông Yên, nên thấy nước là cẩn trọng.
Mọi người lấy tấm nilong trải ra đất, cởi quần áo, gùi, dép, ai có súng ngắn thì bỏ vào tấm nilong đùm lại làm phao bơi. Đứng trên bờ đã thấy lạnh run, 3 giờ sáng mà lội xuống nước thì lạnh cắt da. Nhìn từ bờ bên này sang bên kia suối thấy có một khúc, nhưng lội xuống đi hoài không thấy bờ bên kia. Lội ra mới đến gần giữa suối thì nước đã ngập tới miệng. Thế là bơi. Ông Mười Khôi đeo cây Runin Canada lên cổ, một tay nắm đùm nilong áo quần chứ không cột chặt như đùm nilong của ông Hồ Nghinh. Ông Sáu Nam cũng đùm áo quần và cột chặt bao nilong, một tay cầm làm phao, một tay sẵn sàng bơi khi thấy hỏng chân. Ông Mười Khôi nói với ông Hồ Nghinh, cho cả ông Sáu Nam nghe: "Bình tĩnh nghe anh!". Ông Hồ Nghinh nói nhỏ, nghe có hơi run: "Bình tĩnh chớ sao!".
Bất ngờ nước ngập lút đầu. Ông Sáu Nam kêu to: "Hướ. Hướ. Anh Mười ơi! Uống nước". Nghe tiếng kêu che ché, ông Mười Khôi rượt tới đỡ ông Sáu Nam lên. Nhưng nước chảy khá mạnh, gặp nước xoáy, lạnh cóng nên ông Mười Khôi cũng đà đuối sức, lại chủ quan bơi một tay, tay kia cầm bao nilong không chặt, nước tọt vào nên ông Mười Khôi bị chệnh choạng. Nghe ông Mười Khôi la chí chóe, Đặng Ba đang cùng Ngô Hạnh kèm hai bên ông Hồ Nghinh, liền rượt qua đỡ ông Mười Khôi lên, không để bị uống nước, đồng thời bảo vệ Tấn cũng tới kịp cùng dìu ông Mười Khôi vào bờ.
Ông Hồ Nghinh đã ngồi trên bờ, run run nhìn hai ‘‘con rái’’ bị nước Suối Đá đùa, cười hì hì. Ông Mười Khôi ướt hết áo quần nên lạnh, run cầm cập. Thấy ông Hồ Nghinh không biết bơi, lại lên bờ trước, ngồi cười ruồi, ông Mười Khôi chọc: "Nè, nhớ vợ con sao buồn thiu rứa?". Vừa bận áo quần, ông Mười Khôi ngâm: Những bận nào Trà Linh qua Đá Dừng/ Dùi Chiêng về Phường Rạnh, ngược Khe Rinh/ Bao lần anh cùng chúng em lận đận/ Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình…
Nghĩ ông Mười Khôi nhắc lại những ngày gian khổ bên vợ con ở vùng đất kháng chiến chín năm, ông Hồ Nghinh nói: "Tưởng ông chỉ giỏi hò khoan, đối đáp. Té ra, ông còn thuộc cả thơ Bùi Giáng".
Ông Sáu Nam cũng ướt mềm nhưng trông ông không chút lạnh. Sau khi bận áo quần, đeo thắt lưng, ông Sáu Nam cho mỗi người một miếng quế Trà My bảo nhai cho ấm bụng. Ai có sữa thì lấy ra uống. Trong khi bỏ trà Mai Hạt (trà do cơ sở của Mười Chấp ở Tam Kỳ gửi lên cho) vào hai bình đông nước trà của ông Hồ Nghinh và ông Mười Khôi, bảo vệ Ngô Hạnh và Đặng Ba không quên bỏ thêm mỗi bình đông hai lát sâm Cao Ly - loại sâm của nước bạn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tặng cho Hà Nội.
Chiều Đoàn ra đến Tý - Sé, Đồng Làng, được bà con đãi mì Quảng… Cuối năm 1954, gia đình ông Hồ Nghinh ở nhờ nhà ông Cự, làng Chu Đức. Khi địch đến tiếp quản vợ con ông ra ở Đồng Làng, huyện Quế Sơn. Đoàn ở lại Đồng Làng một ngày một đêm, ông Hồ Nghinh tranh thủ thăm vợ con, dặn dò hai con gái Hoa và Lan và con trai Hồ Việt, trước khi lên đường ra miền Bắc. Hôm đoàn lên đường, vợ con ra tiễn, ông Hồ Nghinh vẫy tay, chào hai tiếng gọn lỏn: "Đi hử!". Anh em nghe vậy muốn bật cười mà chỉ mỉm cười trong miệng. Ông Mười Khôi đứng nhìn cảnh ông Hồ Nghinh chia tay vợ con bỗng rưng rưng, có lẽ ông nhớ đến vợ trẻ, con thơ đang còn ở dưới làng Châu Bái bốn bề địch tình, ngày ăn không thấy ngon, tối ngủ không yên giấc. Ông Hồ Nghinh lặng lẽ bước đi theo sau ông Mười Khôi, sợ phải ứa nước mắt nên không một lần ngoái đầu nhìn lại vợ và các con…
Vào đầu tháng 1 năm 1963, trong một láng trại bằng cây lá rừng vừa dựng lên dưới một vòm cây đầy bóng râm ở làng Đào, huyện Thống Nhất (Hiên), long trọng tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà, bầu ra Ban chấp hành gồm 15 đồng chí, ông Hồ Nghinh làm Bí thư.
2. Đột nhập vào Đà Nẵng
Chiều sắp tối 30 Tết Mậu Thân, 1968, ông Hồ Nghinh đóng vai một giáo sư, bỏ trong túi áo cái căn cước tên đẹp Hồ Hữu Phước (Ba Phước), được một cơ sở đèo Honđa vào thành phố Đà Nẵng.
Ông Phạm Hồng Quang, nguyên Trưởng ban Đấu tranh Chính trị Quảng Nam - Đà Nẵng kể: ‘‘Đến ngày thứ 20 của chiến dịch Mậu Thân thì anh Phước mới thoát khỏi vòng vây quanh thành phố Đà Nẵng, nhờ một cơ sở đèo Vespa lượn lách đoàn xe Mỹ đưa ra. Gặp, mừng, anh Phước bắt tay, nói: "Chưa bao giờ mình đi oai vệ như lúc này. Trước Mỹ, sau Mỹ, ở giữa Bí thư ngồi Vespa". Đùa như vậy, nhưng anh Phước không cười, nét mặt nghiêm nghị, tư lự. Trên đường đi từ vùng B Điện Bàn về Gò Nổi, toàn là đồng bào rất cách mạng mà ấm ức, vì không "cướp được chính quyền về tay nhân dân". Biết anh em mình là cán bộ, họ nói xóc hông: nước mình có nhiều mỏ vàng, mỏ bạc. Riêng Quảng Nam có thêm “mỏ nói láo”. Ba lần tôi quay lại giải thích cho bà con hiểu, nhưng anh Phước nắm tay tôi kéo đi, bảo: "Thôi, thôi ông ơi!" rồi anh kể chuyện mắc kẹt trong thành, nóng lòng chờ đợi chủ trương. Anh Phước kể hết chuyện nọ sang chuyện kia, tới chuyện anh ngồi đánh bài với mấy sĩ quan ở Sài Gòn về ăn Tết. Anh nói: Tôi định đánh thua để nó khỏi chú ý đến mình, mà bốc cứ trúng con xì bích hoài.
Tôi hiểu tánh anh lúc nào đang bí cái chi đó, nghĩ chưa ra, anh hay nói chuyện tếu như vậy. Tự nhiên, anh cắt ngang câu chuyện. Anh nói: Có vị anh hùng thời xưa lo việc nước một đêm bạc hết tóc, nhưng tôi thấy tóc tôi và ông còn xanh quá, ông Tân ạ (lúc đó tôi tên Tân): "Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma". Giọng anh trầm xuống, nghe cảm khái, cặp mắt đăm chiêu, buồn. Một lát, anh Phước nói: Thế nào Trung ương cũng bắt mình làm tiếp. Không làm không được. Bây giờ ông nghĩ làm sao tình thế như ri? Tôi nói: Tình hình tối thui, nhiều anh em nghĩ nát óc mà chưa ra cái gì cả. Đà Nẵng bây giờ đang vô cùng khó khăn. Dứt khoát là xây dựng lại được thôi. Tình thế đảo ngược, muốn quay phong trào lên nhanh nhất cũng phải bỏ ra hai ba năm, nhiệm vụ Hè - Thu đến nơi... Làm sao đưa súng đạn, lực lượng vào, chỗ nào rấm quân, chỗ nào giấu vũ khí. Lại còn đấu tranh chính trị hỗ trợ. Cả trăm thứ yêu cầu, thực lực lấy đâu ra, nếu không có mặt người đảng viên vững vàng ở cơ sở? Tôi nghĩ ngợi mãi mà, đầu óc vẫn mụ mị, mờ mịt.
Tôi vẫn cắm cúi đi. Đi tới bến đò Kỳ Lam, tự nhiên một ý nghĩ chợt lóe sáng như cái bật lửa. Tôi nói liền với anh Phước: Ở Điện Bàn, Hòa Vang, ta sẵn có đảng viên hợp pháp khá đông. Bây giờ mình tung số đó vào thành để tạo ra lực lượng mới. Anh nhìn tôi, mắt nháy nháy, vẫn làm thinh. Đi một đoạn, anh dừng lại giữa đám dâu bên sông Thu Bồn: Ông nói tôi nghe có sáng ra. Ông đặt cái tên Tân, cũng là Mới. Ông biết chuyện vua Thang bên Tàu cho khắc lên cái chậu tắm của mình dòng chữ: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Vua Thang muốn mỗi ngày, khi vào chậu tắm, nhìn thấy câu ấy, nghĩ ra thêm một điều mới. Ở xứ Việt ta, cụ Phan Bội Châu cũng nhắc lại “ngày ngày mới, lại ngày mới” trong bài thơ chúc Tết thanh niên. Mình không phải vua, chúa, nhưng là lãnh đạo, khi gặp khó khăn, phải suy nghĩ tìm lối thoát. Vầy thì, lãnh đạo làm sao?
Tôi đi một đoạn, dừng lại nói: Người xã nào thì xã đó lãnh đạo. Đi đến Bảo An Tây, anh Phước bảo tôi: Rồi đây, nó không để ta yên đâu. Chúng phản kích, quyết đẩy chúng ta lên núi. Thế nào rồi nó sẽ xúc dân các vùng giải phóng... Tôi nói với anh Nghinh: Nó xúc thì mình mất dân ở vùng giải phóng. Nhưng, nó lại đẩy dân cách mạng vào thành phố. Anh Nghinh nhìn tôi: Ông nói thêm về chuyện lãnh đạo làm sao?.
Tôi nói: Không làm theo địa bàn dân cư, mà theo dây, theo chuỗi của xã. Các chi bộ xã sẽ yêu cầu đảng viên đi theo để nắm dân của mình. Đến đây, quyết tâm của anh Nghinh mạnh mẽ đến mức nét phấn khởi sáng trên gương mặt sạm nắng. Anh bảo tôi: Chiều ni ông không họp Đặc khu ủy. Ông xuống gặp Tổ chức Đặc khu, hình như ở Bến Đền. Ông đến bàn công việc này cho thật sáng... Đặc khu ủy quyết định đưa đảng viên hợp pháp, hầu hết là nữ, làm như họ bỏ nông thôn vào thành phố, để địch ít chú ý, thành lập chi bộ mới, gọi là chi bộ 2, trực tiếp lãnh đạo phong trào, làm xoay chuyển tình thế sau xuân Mậu Thân... ’’.
Nghỉ hưu, ông Hồ Nghinh ở với con trai Hồ Việt. Nhớ con gái ông vào ở nhà con gái trong Sài Gòn. Một hôm, nhớ ông, tôi qua quận Ba (nay là quận Sơn Trà) đến nhà của anh Hồ Việt, thăm ông. Nhằm lúc ông đang ngồi trên chiếc ghế chỗ hiên nhà, nhìn ra biển Mỹ Khê. Thấy tôi, ông nheo đôi mắt nhìn, đưa tay bắt tay tôi, cười hiền khô: "Đến thăm mình, không sợ sao?". Tôi thưa: "Sợ chú thì chúng cháu đâu bỏ học, dám lên tận Dốc Ô Rây, leo Dốc Dựng, rúc núi Hòn Tàu... lắng nghe chú nói chuyện thâu đêm, chú bày thực thi "năm bước công tác’’ trong nội thành…". Ông Hồ Nghinh luôn là thần tượng, là thầy của lớp sinh viên, học sinh, trí thức trẻ "dám xông pha" đòi quyền sống, đòi hòa bình, dân chủ, thời chống Mỹ xâm lăng…
HỒ DUY LỆ