Trước nhà có một cây mai

.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
- Ông già, mười lăm triệu nhé. Gã đàn ông mặt rỗ, đứng chống nạnh vừa ngó ngược lên cây mai vừa nói vọng vào nhà.

Năm Tàn không thèm ra sân, uống cái rột ly nước chè xanh rồi nói to: Không bán. Gã đàn ông ngồi lên chiếc dream cũ, tra chìa khóa rồi nổ máy rời đi. Gã cố tình cho chiếc xe chạy chậm chứ không phóng cái ào như hồi tới, ý chừng đợi Năm Tàn kêu ngược lại. Gã phóng xe ra tới đầu ngõ, vẫn không thấy chủ nhà đổi ý nên gã vòng xe lại.

- Hai chục triệu. Hết giá rồi nha ông già. Bỏ túi ngon ơ hai chục chai rủng rỉnh, bằng cả năm bán rau của ông đó. Gật đầu cái tui bứng liền chiều nay nè.

- Tao nói rồi. Hổng có bán. Cây kỷ niệm mà buôn bán gì?

Gã đàn ông ngước nhìn cây mai ra chiều tiếc rẻ. Cội mai to như vầy, lại là giống mai 5 cánh thuần ngày trước xứ này bây giờ chắc chỉ còn cây này thôi. Thế mai đẹp, cành lá xòe rộng, gốc to khỏe. Bây giờ mai kiểng, mai ghép tràn lan, giống mai ngày xưa lại được người chơi chuộng. Ông già mà gật đầu, gã sang tay cũng lời chục triệu chứ ít gì.

- Vậy thêm 2 triệu. Nói thiệt, tui không thêm được nữa đâu.

- Mai kỷ niệm tao không bán. Mày trả năm chục triệu cũng vậy hà. Nói hoài mệt quá!

- Kỷ niệm là cái chi ông già? Có mài ra ăn được không vậy? Đã nghèo mà cứ đòi ôm kỷ với chả niệm…

Nói xong, gã bực bội phóng xe đi. Ra đến ngõ, gã còn quay lại nhìn cây mai lần cuối ý chừng tiếc rẻ lắm. Năm Tàn ngó ra tàn cây mai xanh um. Nắng xiên qua tán cây, để lại những chùm hoa nắng dưới đất. Kỷ niệm là cái chi, kẻ ít học như Năm Tàn không cắt nghĩa được. Nhưng mà giữ cây mai, để lỡ mai mốt vợ con ông quay về. Không còn cây mai, y như thể kỷ niệm mất dấu vết, biết nơi nào mà neo lại…

...

Năm Tàn hồi trẻ tính cộc, đụng chuyện là gân cổ đỏ mặt nhưng được cái ngay thẳng, bụng dạ chẳng giấu giếm gì. Nhà Năm Tàn nghèo, lượm cục đá quăng nhẹ hều là hết miếng ruộng nhỏ xíu ba má để lại. Ba má mất sớm, Năm Tàn nhìn ngược nhìn xuôi gì cũng thấy khoảng trống mênh mông của cô đơn. Học hết lớp 6 trường làng thì nghỉ, lăn lóc với ruộng đồng mà kiếm miếng ăn.

Nhiều khi ngẫm lại, Năm Tàn thấy mình vừa xấu vừa nghèo vậy mà lại được cô gái xinh đẹp, hiền lành như Mai thương. Mai tóc dài, da trắng, trai làng cứ đứng ngồi không yên mỗi bận Mai đi ngang. Gã trai cục mịch, sớm mồ côi cha mẹ lại lọt vào mắt xanh của Mai. Mai ngả đầu vào vai áo nồng sì mùi mồ hôi mùi đất của Năm Tàn thỏ thẻ rằng quan trọng chi chuyện giàu nghèo, miễn là hai đứa thiệt bụng thiệt dạ.

Sau đám cưới một ngày, Năm Tàn xin được một cây mai về trồng trước sân. Tính Năm Tàn xưa giờ đâu có bày vẽ chuyện hoa cỏ. Ngay trước khi cây mai được trồng xuống, chỗ ấy cỏ mần trầu xen với cỏ chỉ mọc um, bò lên cả cái sân đất mà Năm Tàn cũng mặc kệ. Nhưng nay có Mai rồi phải khác. Mai bảo mình thích bông mai vì giống tên với mình. Ba má sinh Mai đúng vào mùa mai nở nên lấy tên hoa đặt cho tên con gái. Mỗi độ Tết về, Mai cũng sang hàng xóm xin một nhánh mai về chưng trong độc bình. Mai nói nhìn mấy cái bông vàng lơ thơ là tự nhiên thấy lòng mình nhẹ bẫng…

Ngoảnh đi ngoảnh lại mấy năm, cây mai ngày mới trồng chỉ độ hai gang tay mà nay đã cao quá đầu người. Chẳng hiểu sao, đợi hoài đợi mãi mà cây chẳng có bông. Hàng xóm nói do người trồng cộc tính cộc nết nên cây chẳng trổ hoa. Năm Tàn nghĩ ngợi, chuyện mai ra hoa thì liên quan gì đến tính nết người trồng? Có người lại bảo, cây mai ấy giống Mai. Đàn bà có chồng đến 7 năm mà chẳng sinh cho chồng lấy một mụn con. Chẳng phải người đời hay nói “cây độc không trái, gái độc không con” hay sao. Mai buồn! Đôi mắt đỏ hoe mỗi chiều vo gạo nấu cơm nhìn qua khoảng sân hàng xóm có mấy đứa con nít loi choi chơi đùa. Mai thèm lắm chứ! Thèm những đêm mất ngủ chăm con, thèm cưng nựng, ẵm bồng. Thèm được vùi mình trong mùi mồ hôi nồng nồng rịn trên trán con...

Rồi một mùa tháng Chạp gió hiu hiu, Mai rối rít vui mừng khi phát hiện đầu cành mai có vài cái nụ nhỏ xíu, xinh xinh. Khi cây mai nở cái bông đầu tiên cũng là lúc Mai thấy người mình khang khác. Đang kho cá, chợt mùi tanh xộc lên khiến cô không thể nào nấu tiếp. Niềm hy vọng nhen lên nhưng Mai không dám nói với chồng bởi 7 năm mỏi mòn đợi con, biết đâu nhầm lẫn lại khiến Năm Tàn thêm một lần thất vọng. Mai và chồng đã miệt mài đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, nhắm mắt nuốt những chén thuốc đắng nghét được đi cắt từ một bản làng rất xa xôi được người ta chỉ rằng ông thầy mát tay vô cùng. Mai phập phồng hy vọng, khi cái ngày đàn bà trễ đến mấy tuần mới dám nói cho chồng biết. Niềm vui ập đến quá bất ngờ khiến gã đàn ông đứng như trời trồng rất lâu, khi hiểu vợ nói gì gã vừa cười vừa khóc.

Tết năm đó, Mai xoa bụng nhìn mấy bông mai nở vàng mà bảo rằng mai mốt đặt tên con là Xuân. Năm Tàn can, lỡ con trai thì sao? Con trai mà lấy tên Xuân nghe yếu đuối lắm nhưng Mai bảo đó là cái tên đẹp, trai gái gì đặt cũng hợp, nghe là thấy vui, thấy Tết. Lứa sau, cây mai bật mình nở bông chi chít y chang như một ngọn nến màu vàng. Mai bồng cu Xuân ngước lên nhìn cây mai không thôi xuýt xoa. Năm Tàn nhìn cảnh đó mà mắt rưng rưng.

Gã đàn ông ở tuổi trung niên, lần đầu được làm cha, được chạm tay vào thứ hạnh phúc rất đỗi đời thường mà phải đi một đoạn đường rất dài mới tới được. Mai hỏi anh khóc hả? Năm Tàn hít hít mũi nói nãy thắp nhang bàn thờ, mùi nhang đậm quá khiến anh cay mũi. Mai cười, nói hồi chưa có cây mai thì nhà mình y chang những ngôi nhà khác. Nhưng bây giờ thì khác rồi, trước nhà mình có một cây mai. Chỉ cần đi đến đầu làng, kiễng chân cao một xíu là biết nhà mình ở đó, ngay chỗ cái chấm vàng…

Vậy mà Năm Tàn lỡ phá nát cái hạnh phúc khiến mình từng rơi nước mắt đó. Mười năm vợ chồng, bao nhiêu chuyện vui buồn đủ viết thành sách. Nước mắt Mai tưởng rơi thành sông những tháng ngày mòn mỏi trông con. Có cu Xuân rồi, tưởng còn hạnh phúc nào hơn thế! Vậy mà một bữa trời mưa gió, có người đàn bà bán gánh rụt rè xin ở lại nhà vì đường xa, trời tối mà nước lớn. Mai thương phận đàn bà yếu đuối lại gánh gồng dưới trời mưa lạnh căm nên cho tá túc nhà mình… Mai nấu cơm cho ăn, gắp vào chén người đàn bà khúc cá kho bảo đừng lo chuyện mưa gió. Năm Tàn đặt con vào lòng, giẻ cho miếng cá đút vào miệng con. Năm Tàn cười to khi nhìn miệng thằng bé phụng phịu.

Người đàn bà nói thấy gia đình Mai hạnh phúc, ấm êm mà ham chứ đâu như phận mình. Nhà cô ở xã bên, cảnh nhà thiếu trước hụt sau nên mỗi ngày trời chưa sáng đã phải gánh gồng mắm cái, cá khô, nước mắm đi bán quanh vùng. Ai có tiền trả tiền, không có tiền thì trả bằng gạo, bằng lúa. Thùng mắm vơi thì lúa trong gánh lại đầy. Phải chi có chồng phụ giúp thì cũng đủ đắp đổi qua ngày.

Vậy mà bán được đồng nào, chưa về đến ngõ đã bị chồng lục túi lấy hết tiền đi đánh bạc hay uống rượu. Nhiều khi trong túi chỉ vài đồng tiền lẻ, chồng lột chiếc gióng mây vứt chỏng chơ, bê thúng lúa đi đổi lấy tiền đánh bạc. Nước mắt, khổ cực cho biết bao nhiêu mà kể. Nhưng không đi bán, không gồng gánh thì biết lấy chi mà sống! Nhiều khi trời tối, chưa về đến nhà, một mình với quang gánh nặng trĩu trên vai đi ngang nhà người ta thấy vợ chồng con cái xúm xít bên mâm cơm mà nghĩ thương phận mình. Mai ngồi ngẩn ngơ nghe rồi sụt sùi lau nước mắt.

Sáng hôm sau, nước không rút mà băng ngang hết đường lớn đường nhỏ. Người đàn bà đành ở lại nhà Năm Tàn hai ngày. Mai vui vẻ thủ thủ những chuyện vui buồn nhưng Mai đâu ngờ chỉ hai ngày thôi mà mười năm chồng vợ như bát nước hất đi. Đêm đó Năm Tàn có giở hũ rượu chuối hột ra nhắm với mớ cá đồng nướng. Mình Năm Tàn uống đến khuya, trong cơn say chếnh choáng anh lần mò vào buồng vợ. Quên mất giường ấy đã nhường cho người đàn bà kia. Năm Tàn say nhưng cái người đàn bà tỉnh kia hình như cũng chực chờ giây phút yếu lòng của gã say mà im lặng đồng lõa. Hình như giây phút ấy, cô ta đã lóe lên hy vọng muốn đời mình khác đi. Biết đâu cô ta sẽ có một gia đình ấm, những bữa cơm ngon, có một người đàn ông thương mình như cái cách Năm Tàn thương Mai…

...

Năm Tàn không nhớ, không hề biết chuyện gì đã xảy ra vào cái đêm ấy nhưng sáng hôm sau khi tỉnh dậy thì Mai đã ôm cu Xuân bỏ đi rồi. Năm Tàn kinh hoàng nhìn người đàn bà ngồi bần thần ở mép giường. Như người sực tỉnh cơn mê, Năm Tàn không kịp xỏ dép đã chạy đi tìm vợ. Người ta nói tinh mơ đã thấy Mai bồng con qua nhà chú Bảy xe ôm. Chú Bảy nói Mai nhờ chú chở ra bến xe tỉnh. Năm Tàn hoảng hốt ra bến xe tỉnh. Hỏi người này người kia, ai cũng lắc đầu. Xe cộ đông đúc, cả trăm chuyến xe, biết Mai đã ngồi lên chuyến xe nào…

Người đàn bà bán gánh kia xấu hổ rồi cũng đi mất biệt. Chỉ một giây phút yếu lòng, cô ta đã phá nát mái ấm mà chính cô cũng hằng khao khát. Năm Tàn bao nhiêu bận leo đại lên những chuyến xe tìm vợ con. Năm Tàn hỏi người này người kia, lần theo những manh mối mơ hồ như vô tình nghe ai đó nói “có thấy một người đàn bà giống Mai ở chợ Đàng”, “Hình như Mai đã bỏ về miền núi cất nhà ở”. Năm Tàn tìm mỏi mòn nhưng người đã muốn đi như cánh chim biết ở phương nào mà kiếm?

Hạnh phúc đôi khi như cánh mai mỏng manh. Một phút giây không trân trọng đã khiến nó vụt khỏi tay như những cánh hoa bay theo gió. Năm Tàn giờ tóc đã bạc, mỗi bận run run lặt lá mai lại nhớ vợ con quay quắt. Cây mai qua mỗi năm bông lại đượm, cái ngọn lửa màu vàng càng thêm nhức nhối. Gió thổi mấy cánh bông rụng xao xác dưới cội. Năm Tàn nghĩ, biết đâu, trong khoảnh khắc nào đó Mai về. Đứng từ đầu làng, nhìn thấy đốm lửa vàng mà tìm dấu về nhà.

Nhà mình luôn ở đó, trước nhà có một cây mai…

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN

;
;
.
.
.
.
.