Ánh mắt, nụ cười và sự chân thành

.

Cách đây không lâu, tôi chứng kiến một chuyện để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Đó là hình ảnh vào giờ cao điểm tại một ngã tư đường phố rất đông đúc người, xe xuôi ngược, song các cụm đèn tín hiệu tắt lịm. Ngay lúc đó có một cháu nhỏ chừng 10 tuổi bước theo vạch kẻ đi bộ sang ngang đường.

Thấy cháu nhỏ thả từng bước chân chậm rãi, một số xe máy dừng ngay lại để nhường cho cháu qua đường được an toàn, đây là hành vi ứng xử không chỉ đúng pháp luật về trật tự an toàn giao thông mà còn chứa đựng nét văn hóa trong đời sống xã hội.

Hình ảnh càng đẹp hơn khi cháu bé vẫn chưa bước qua tới lề đường phía bên kia, song cháu đã xoay người, khoanh tay cúi đầu trước những người dừng xe máy. Cháu hành động lặng lẽ bằng cử chỉ, song ai cũng hiểu đó là sự cảm ơn đối với những người đã nhường đường cho mình. Sự ghi ơn rất chân thành, không màu mè, khách sáo của cháu chắc có lẽ đã chạm đến trái tim của nhiều người sáng hôm ấy.

Cũng tại một ngã tư khác có hai người - một nam, một nữ - chở nhau trên xe máy. Khi xe họ rẽ trái thì chiếc ô-tô tải trườn tới và phát hiện ra, tài xế liền dừng lại để cho xe máy chạy qua và cô gái ngồi phía sau nhanh nhảu quay về phía ca bin tài xế xe tải để kịp cúi đầu thay cho lời cảm ơn.

Đáp lại các hành vi ứng xử của cháu bé sang ngang cũng như cô gái ngồi phía sau xe máy ấy chỉ là những ánh mắt dịu dàng, lặng thinh của mọi người nhưng tôi không quá chủ quan cho rằng từ anh tài xế đến những người nhường đường cho cậu bé đều thấy ấm lòng hơn dẫu trước đó mấy chục giây thôi, họ không bao giờ nghĩ mình dừng lại để được đón nhận sự “trả ơn” đó.  

Tuần trước, tôi chạy xe trên đường Phan Châu Trinh, quận Hải Châu lại thấy một cách hành xử với nhau khá đẹp. Hai chiếc ô-tô 4 chỗ ngồi lưu hành cùng chiều va quẹt, hai xe liền tấp vào lề. Họ mở cửa bước ra và ai cũng quan sát kỹ chiếc xe của mình rồi tiến tới… bắt tay nhau. Một người chỉ vào đầu xe của mình buông câu gì đó rồi lại… bắt tay vui vẻ để tạm biệt người kia.

Tất nhiên pha va chạm giữa hai xe chỉ trầy xước nhỏ, song cái bắt tay của họ đọng lại một cử chỉ lớn về đối nhân, xử thế với nhau trong cuộc sống. Bên cạnh bao cử chỉ, ánh mắt, nụ cười rất tình cờ của những người chưa hề thân quen lại gặp nhau trong hoàn cảnh bất đắc dĩ tương tự thì thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy một vài cảnh tượng buồn.

Cái tốt có ở khắp nơi, luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi biến động xã hội. Ai cũng có tấm lòng bao dung, tuy nhiên nó nằm rất gần với ranh giới mong manh giữa vị tha và ích kỷ. Nếu sự đồng cảm, sẻ chia lấn át bớt cái tôi trong lúc xử lý việc xảy ra ngoài ý muốn thì chắc chắn nó sẽ nhẹ nhàng, đơn giản rất nhiều.

Nhường nhịn cho người khác đôi chút dù vật chất hoặc tinh thần là nét đẹp tương thân, tương ái. Tuy người cho đi không bao giờ nghĩ mình được nhận lại nhưng điều hiển nhiên sẽ có, chí ít đó là ánh mắt, nụ cười, lời cảm ơn chân thành.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.