Bệ phóng cho tài năng văn học

.

Khi thanh - thiếu nhi trở thành chủ thể sáng tạo văn học nghệ thuật, các em sẽ có sự đồng cảm trong suy nghĩ, cách nhìn nhận cuộc sống và lối sử dụng ngôn ngữ dễ tiếp cận bạn đọc cùng lứa tuổi. Do đó, việc phát hiện, nuôi dưỡng tài năng văn học thiếu nhi không chỉ góp phần bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ, mà còn tạo bệ phóng cho các em đóng góp vào nền văn học, nghệ thuật tương lai.

Trại sáng tác văn học nghệ thuật là sân chơi bổ ích cho các em giao lưu, học hỏi nâng cao kỹ năng sáng tác văn học. Ảnh: Đ.H.L
Trại sáng tác văn học nghệ thuật là sân chơi bổ ích cho các em giao lưu, học hỏi nâng cao kỹ năng sáng tác văn học. Ảnh: Đ.H.L

Một trong những yếu tố quan trọng giúp các em sáng tác tác phẩm hay chính là cảm nhận cuộc sống xung quanh, qua đó bày tỏ suy nghĩ của mình thông qua hình tượng nhân vật. Vì thế, hoạt động trại sáng tác của nhà trường và Hội Nhà văn thành phố rất quan trọng, tạo sân chơi trải nghiệm, giúp các em trau dồi kỹ năng, khơi dậy cảm hứng sáng tác và chuyển những ý tưởng, cảm xúc của mình thành tác phẩm hấp dẫn.

Khơi nguồn sáng tác từ cuộc sống xung quanh

Chia sẻ về cảm hứng sáng tác tác phẩm “Đáy biển” khi tham gia Trại sáng tác Văn học - Mỹ thuật thiếu nhi hè năm 2022 do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Trần Thị Huyền Trang (lớp 11/4, Trường THPT Hòa Vang) cho biết: “Em lấy ý tưởng câu chuyện sau khi nghe một bản nhạc cùng tên tiếng Hoa. Bài hát này viết về một nhân vật ở lứa tuổi cấp 3 vừa mới trải qua một số chuyện không vui trong cuộc sống. Theo em, ý tưởng rất quan trọng, đã giúp em viết nên câu chuyện “Đáy biển” và may mắn đoạt giải B. Để có ý tưởng hay buộc em phải quan sát, cảm nhận cuộc sống xung quanh, sau đó nhào nặn đưa vào văn học”.

Huyền Trang cho biết, em rất yêu thích văn chương nên việc đọc sách và tham gia trại sáng tác, hội thảo về văn học… giúp em củng cố niềm đam mê học văn. Bên cạnh đó, em thường xuyên tìm đọc những cuốn sách dành cho lứa tuổi của mình để bồi đắp tâm hồn văn chương. “Hiện nay, việc lựa chọn sách rất khó vì có nhiều cuốn tựa đề rất hay nhưng nội dung kém chất lượng do việc marketing đẩy lên quá cao. Tuy nhiên cũng có những cuốn sách nội dung rất hay nhưng ít được tiếp cận bạn đọc do khâu tiếp thị yếu. Do đó, trước khi chọn sách cần tìm hiểu kỹ. Việc chọn sách hay sẽ giúp chúng ta chiêm nghiệm lời văn, câu thơ tác giả viết”, Huyền Trang bộc bạch.

Đoạt giải Nhì quốc gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU năm 2022, Nguyễn Thái Ân Tâm (lớp 9/8, Trường THCS Nguyễn Huệ) cho biết: “Ý tưởng về đề tài tham gia cuộc thi đến rất bất ngờ khi con đang chăm sóc em bị sốt. Từ việc em ốm, con nghĩ đến trái đất cũng cần người chăm sóc. Từ đó, con triển khai ý để hình thành nên một bài văn hoàn chỉnh dưới sự hướng dẫn, góp ý của bố mẹ và thầy cô giáo”.

Theo Ân Tâm, để nuôi dưỡng niềm đam mê văn học, bên cạnh tham gia trại sáng tác, mỗi học sinh cần tạo cho mình thói quen đọc sách. Ân Tâm thường đọc sách vào sáng sớm hoặc đi Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố dịp cuối tuần. “Con thường chọn những cuốn sách dành cho lứa tuổi thanh-thiếu nhi như tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thần thoại Hy Lạp và tác phẩm của Hans Christian Andersen… Khi đọc sách, con được thả hồn với văn chương, giúp con thư giãn đồng thời góp phần cải thiện lời văn tốt hơn. Sách giống như chìa khóa khai mở tâm hồn, giúp con có thêm nhiều ý tưởng để viết”, Ân Tâm chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Đô, Tổ trưởng Tổ ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Huệ nhìn nhận, thực tế hiện nay, học sinh đọc tiểu thuyết ngôn tình rất nhiều. Các em không có nhiều sách của tác giả cùng thời để lựa chọn. Do đó, thầy cô và phụ huynh cần phải “bắt trend” mới có thể đồng cảm và đồng hành cùng các em. Ngoài ra, các em cũng cần có những trải nghiệm thông qua việc tham gia câu lạc bộ văn học, trại sáng tác.

Thời gian qua, nhà trường đã có các chương trình ngoại khóa như “Đố vui để học” nhưng vẫn chưa có ngoại khóa riêng về bộ môn văn học, tổ chuyên môn sẽ đề xuất nhà trường thành lập câu lạc bộ văn học nhằm tạo sân chơi cho các em sáng tác. Đối với học sinh có năng khiếu, thầy cô thường xuyên giới thiệu tài liệu hay để đọc, từ đó ngấm dần và nâng cao kỹ năng diễn đạt ý tốt hơn.

Nhà văn đồng hành thanh - thiếu niên

Bên cạnh mở trại sáng tác văn học, việc quan tâm sáng tác các tác phẩm chất lượng cao dành cho đối tượng thiếu nhi cũng rất quan trọng. Thời gian qua, nhiều nhà văn, nhà thơ ở Đà Nẵng tích cực tham gia các hoạt động sáng tác dành cho lứa tuổi này, được nhiều bạn đọc nhỏ tuổi đón nhận như: Thanh Quế, Ngân Vịnh, Lưu Trùng Dương, Trần Khắc Tám và gần đây có thêm Quế Hương, Bùi Tự Lực (đã mất), Trương Văn Ngọc, Nguyễn Kim Huy, Trần Trung Sáng, Nguyễn Thị Phú...

Em Nguyễn Thái Ân Tâm (bên phải) thường tranh thủ những lúc rảnh rỗi lên thư viện Trường THCS Nguyễn Huệ đọc sách văn học để nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương của mình. Ảnh: Đ.H.L
Em Nguyễn Thái Ân Tâm (bên phải) thường tranh thủ những lúc rảnh rỗi lên thư viện Trường THCS Nguyễn Huệ đọc sách văn học để nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương của mình. Ảnh: Đ.H.L

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ hiện đại khiến nhiều em chìm đắm trong thế giới ảo, cùng những trò game giải trí. Chính sự phát triển đa chiều của xã hội, văn học với đặc trưng riêng, còn lúng túng, chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả nhỏ tuổi. Vì vậy, các nhà văn, nhà thơ cần sáng tác nhiều cuốn sách hay, sống động, giàu trí tưởng tượng để chinh phục, nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn các em thiếu nhi.

Bàn về giải pháp thúc đẩy sáng tác văn học dành cho thiếu nhi tại Hội thảo Phát triển Văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi trong thời kỳ mới do Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố tổ chức cuối năm 2022, nhà văn Trần Trung Sáng, Hội Nhà văn thành phố cho rằng: “Văn học viết về thiếu nhi là đề tài khó. Khó viết. Khó hay.

Khó có độc giả. Bởi điều dễ hiểu, khi bước vào lĩnh vực này, người sáng tác phải huy động tối đa trí tưởng tượng và viết bằng những hồi ức tuổi thơ sống động của chính mình; đồng thời phải bắt kịp những tính cách, tâm tư, tình cảm, sự dí dỏm… của đời sống trẻ thơ hôm nay. Một thực tế có tính căn cơ là văn học thiếu nhi ở Việt Nam đang khó khăn về đội ngũ sáng tác. Đa số tác giả viết cho thiếu nhi thường hoạt động bằng nghề tay trái, manh mún, chưa có tác giả hoạch định một chiến lược dài hơi viết cho thiếu nhi”.

Nhà văn Nguyễn Thị Phú, Hội Nhà văn thành phố cũng chia sẻ: Độc giả thiếu nhi ngày nay, nhiều em thích kiếm tìm những điều khác lạ trong tác phẩm văn học hơn là bắt gặp hình ảnh lặp lại của cuộc sống hằng ngày. Do đó, việc chọn đề tài đôi khi cần có yếu tố giả tưởng và cách viết bay bổng.

Tất nhiên phải lồng vào đó những kiến thức, kỹ năng sống và những vấn đề trẻ em cần biết trong đời sống như kỹ năng ứng phó thiên tai, dịch bệnh, bạo lực gia đình, bạo lực xã hội. Cả những vấn đề xa hơn như đấu tranh sinh tồn, phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp, vấn đề giới tính, chuyện tình đồng giới, hoặc vấn đề mang yếu tố tâm linh, huyền bí, phép thuật.

Một số chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, để có các tác phẩm văn học được độc giả lứa tuổi thiếu nhi đón nhận, các nhà văn, nhà thơ nên đi sâu tìm hiểu tâm sinh lý, tình cảm, nhất là tình cảm, quan hệ bạn bè của lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, đặt mình vào ngôn ngữ ứng xử của từng lứa tuổi để viết trúng tâm lý của trẻ...

Cụ thể, để có tác phẩm hay, nhà văn cần đến sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố cơ bản như tính hồn nhiên, ngây thơ; tính giàu hình ảnh, vần điệu và nhạc điệu. Các tác phẩm cần ngắn gọn, rõ ràng; yếu tố truyện trong thơ, yếu tố thơ trong truyện và những bài học nhân văn nhẹ nhàng và sâu sắc được rút ra từ tác phẩm.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa cần chú trọng chế độ khuyến khích, bảo trợ cho những người viết, đặc biệt là ưu đãi về chế độ nhuận bút, chủ động chào hàng sách với những gói hỗ trợ, ưu đãi nhất định. Có như thế, các nhà văn, nhà thơ mới yên tâm dành thời gian và công sức đầu tư đề tài để có những tác phẩm hay cho độc giả lứa tuổi thiếu nhi.

“Nhà văn cần thay đổi quan niệm viết “cho” thiếu nhi, từ đó, dành nhiều hơn sự chuyên tâm, chăm chút cho những trang viết. Người sáng tác phải thật sự am tường về tâm lý và sinh lý trẻ em, hòa nhập với vai diễn, dõi theo những chuyển động tinh tế của các em thời nay, trong sự tác động đa chiều, trong hệ quy chiếu mới của đời sống đương đại. Tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi không chỉ mang những giá trị truyền thống mà còn mang cả hơi thở thời đại, phù hợp với nhịp sống và tâm thế hôm nay, tạo nền tảng bền vững để các em phát triển sau này”.

Nhà thơ Huỳnh Viết Tư, hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.