Một tuần sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) giải phóng Khu 5 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Phó trưởng Ban liên lạc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Kim Thanh (SN 1943) nói rằng, bây giờ bà đã có thể mỉm cười cùng đồng đội.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Khu 5 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 6-3-2023. Ảnh: T.Y |
Bởi 4 năm qua, kể từ lúc bà cùng đồng đội chắp bút làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho hội, lòng bà luôn sống lại những ký ức bi hùng của phụ nữ Khu 5. Nơi đó, biết bao đồng đội tóc dài đã ngã xuống, biết bao nỗi niềm con gái được gửi trao. Và hơn hết, bà cảm nhận được trách nhiệm của những - người - còn - sống, và đang sống.
1. Hai người phụ nữ nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng Khu 5 (giai đoạn 1966-1975) Nguyễn Thị Vân, Hồ Thị Kim Thanh ôm nhau mừng rỡ trong không gian lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Hội LHPN giải phóng Khu 5 diễn ra sáng 6-3. Suốt buổi sáng hôm ấy, họ cầm tay nhau, kể cả lúc bước lên bục đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước phong tặng cho hội.
Ở tuổi 92, cố gắng lắm, bà Nguyễn Thị Vân mới có thể đi từ tỉnh Quảng Ngãi ra Đà Nẵng dịp này. Ngồi cạnh đồng đội, người phụ nữ có mái đầu bạc trắng thỉnh thoảng đưa tay lau nước mắt khi nghe ai đó gợi lại ký ức chiến trường xưa. Bà nói, Ban Chấp hành Hội LHPN giải phóng Khu 5 sau năm 1975 còn 39 chị em, sống ở nhiều tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ 5 người còn sống. Ngay cả bà Nguyễn Thị Miễn (trú phường 9, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) - người trực tiếp ký vào bản báo cáo thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước của phụ nữ Khu 5, đề nghị Trung ương khen thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2020, cũng vừa mất cách đây không lâu.
Nữ anh hùng Hồ Thị Kim Thanh lần giở những ký ức chiến đấu tại chiến trường Khu 5. Ảnh: T.Y |
Giữa không gian trang trọng, thiêng liêng của buổi lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng, bà Nguyễn Thị Vân như gặp lại mình thuở cầm súng đánh giặc. Bà khẳng định, sự ra đời của Hội LHPN giải phóng Khu 5 tháng 3-1961 đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần, vật chất cho phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ Khu 5. Tại các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, phong trào phụ nữ phát triển nhanh chóng.
Hàng ngàn chị em vừa tham gia sản xuất, móc nối cơ sở mua nhu yếu phẩm cho lực lượng cách mạng, vừa tham gia du kích địa phương, đánh địch bằng chông, mìn, bẫy cũng như bảo vệ, nuôi giấu cán bộ… Cũng thời gian này, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Khu 5 và Hội LHPN giải phóng, hàng trăm ngàn phụ nữ được tổ chức thành đội ngũ đấu tranh trực diện, bẻ gãy nhiều cuộc tấn công, càn quét của địch, lập nhiều chiến công.
"Cơ quan Hội LHPN giải phóng Khu 5 có hơn 200 cán bộ, nhân viên hoạt động từ giai đoạn 1961-1975, nay chỉ còn 50 chị em sinh sống khắp các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chị nhiều nhất gần 100 tuổi, chị ít nhất cũng 70 tuổi. Nhiều chị em tuổi cao, sức yếu, mất sức lao động hoặc không có lương hưu, không chồng con, không nơi nương tựa và thường xuyên ốm đau, bệnh tật do di chứng chiến tranh” Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Kim Thanh |
2. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Kim Thanh trở thành giao liên năm 12 tuổi. Nhiều đêm muộn, một mình bà mang theo tài liệu vượt đồn, bót, truyền tin cho các cơ sở cách mạng ở Huyện ủy Tam Kỳ và các xã Tam Hiệp, Tam Giang, Tam Hải hay nhà lao Tam Kỳ, Hội An. Bước chân bà thoăn thoắt băng qua các địa danh Hố Cối, Núi Đình, Nỗng cháy, Thổ cỏ may, Giếng Méo, Núi Bà Thâu, Đồng Sim…
Năm 1961, bà Thanh thoát ly lên xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước làm công tác liên lạc kiêm y tá chăm sóc sức khỏe cho cán bộ Huyện ủy Tiên Phước. “Sau chiến dịch “vượt sông Tranh” ngày 27-10-1961, tôi cùng các cấp hội vận động chị em vót chông, rào làng chiến đấu, đi dân công gùi đạn, tải lương, đảm đương việc nhà, động viên chồng con đi bộ đội. Đồng thời, chỉ đạo chị em làm tốt công tác dân vận, động viên bà con nhân dân không bỏ hoang ruộng vườn, nhà cửa chạy giặc…”, bà Thanh nhớ lại.
Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, bà Kim Thanh thường dừng lại một lúc lâu khi nhắc đến những mất mát, hy sinh của phụ nữ giải phóng Khu 5 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Theo bà, thời điểm ấy, trên khắp chiến trường Khu 5, phụ nữ giải phóng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong các cuộc chiến tranh chính trị, binh vận, kết hợp lực lượng vũ trang theo phương châm “hai chân, ba mũi giáp công”. Bao người mẹ, người chị đã lăn xả dưới mưa bom, bão đạn ở vị trí giao liên, móc nối nhiều cơ sở cách mạng tại chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum…
Bà Thanh bộc bạch, trong cuộc chiến này, bà nợ bà con 2 xã Kỳ Khương, Kỳ Sanh một mạng sống. Hồi đó, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bà Thanh (lúc này là Bí thư Chi bộ phụ nữ tỉnh Quảng Nam) cải trang thành phụ nữ có con nhỏ, lấy tên Hồ Thị Liên, con dâu bà Ngại ở xã Kỳ Sanh để ở lại Lý Tín (nay là huyện Núi Thành) đấu tranh hợp pháp với mục đích duy trì phong trào đấu tranh quần chúng và gài các cơ sở bí mật.
Trong cuộc vây ráp của địch, bà Thanh bị bắt cùng 200 người khác. “Chúng tôi thống nhất khai mình là nông dân, cách mạng bảo đi khởi nghĩa thì đi để đòi Mỹ rút quân về nước; ngày Tết lo thờ cúng ông bà nên chỉ đi một ngày, một buổi rồi về lo cho các con. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, nên dù bị địch dụ dỗ, mua chuộc, đánh đập dã man nhưng tất cả không khai một lời, dù nhiều chị biết tôi là cán bộ cách mạng từ căn cứ trở về”, bà Thanh bồi hồi kể.
3. Có lẽ, những ai từng trải qua cuộc chiến mới thấu rõ những mất mát, hy sinh và sự quả cảm của người phụ nữ trước lằn ranh sinh tử. Và, trong hành trình giành lại sự tự do đó, đã có hàng trăm ngàn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, trên 100 nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân sống, chiến đấu trên địa bàn Khu 5 được Nhà nước vinh danh.
Hàng chục tấm ảnh đen trắng ghi lại chân dung những người có công đóng góp trong phong trào cách mạng Khu 5 được bà Hồ Thị Kim Thanh gìn giữ cẩn thận. Ảnh: T.Y |
Tham gia cách mạng từ thời niên thiếu, bà Nguyễn Thị Như Mai, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN giải phóng Khu 5 không nhớ hết số lần mình cùng đồng đội nếm mật, nằm gai, bám trụ địa bàn. Những năm ấy, du kích, giao liên sống cực khổ vô cùng. Nhiều bữa cơm ăn vội với muối mè, muối đậu hoặc dưa cải xin nhà dân. Thậm chí, trong những lần bị địch vây ráp, chị em phải đào củ mài, củ chuối ăn tạm giữa rừng.
Bà Mai khẳng định, cuộc chiến thành công có một phần đóng góp không nhỏ của lực lượng nữ giao liên ở chiến trường Khu 5. Bởi chính họ, chứ không ai khác, đã làm tốt công tác móc nối cơ sở cách mạng cũng như dẫn đường, đưa các đội công tác từ miền núi xuống đồng bằng, từ vùng ven vào thành thị trực tiếp chiến đấu.
“Không ít nữ giao liên phải giả điên, giả người đi chợ, đi làm ruộng, thậm chí nuốt vội tài liệu vào bụng để lọt qua đồn bót giặc. Cực vậy nhưng nhiều chị em khi bị bắt, tra tấn dã man vẫn nhất quyết không khai báo dù nắm rõ đường đi, nước bước vùng chiến thuật”, bà Mai chia sẻ.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người phụ nữ quả cảm ngày ấy nay tóc đã bạc, mắt đã mờ, nhớ nhớ, quên quên những kỷ niệm thời xuân sắc. Dẫu vậy, họ không bao giờ quên mình đã được cách mạng giác ngộ, trui rèn, hun đúc ý chí đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc ra sao trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Giữa thời điểm khắc nghiệt ấy, chính lòng yêu nước đã thôi thúc bản thân họ lăn xả vào cuộc chiến với niềm tin ngày hòa bình, đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Trên hết, chúng tôi cảm nhận rõ niềm hân hoan của những người phụ nữ có mặt trong buổi sáng đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Hội LHPN giải phóng Khu 5 và hiểu rằng ngay thời điểm đó, một trang sử hào hùng của phụ nữ Khu 5 đã được dân tộc ghi lại và vinh danh.
Bà Hồ Thị Kim Thanh hy vọng, sự kiện này sẽ góp phần giáo dục giới trẻ lòng yêu nước, tu dưỡng ý chí cách mạng, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
TIỂU YẾN