Mở rộng kiệt, hẻm

.

Năm 1975, Đà Nẵng có khoảng 70 con đường có tên, đến nay, đã có hơn 2.000 con đường đẹp và sầm uất, tạo nên diện mạo đô thị khang trang. Ngày trước, không có đường nào rộng hơn 15m, nay “đường ta rộng thênh thang ta bước" 30-60m là bình thường.

Tòa nhà cao nhất thành phố năm 1975 là hai khách sạn Thái Bình Dương và Đông Phương (trên đường Phan Châu Trinh), còn lại hầu hết là nhà hai, ba tầng, giờ những tòa nhà 30 thậm chí 50 tầng không phải là hiếm. Đường và cầu làm nên bộ mặt mới thành phố.

Ấn tượng không chỉ là số lượng đường phố nhiều hơn gần 30 lần, hay những tòa nhà nguy nga, mà chính là ở sự thay đổi theo hướng văn minh do quá trình đô thị hóa tạo ra. Hồi năm 1975, trong các khu phố nhà cửa vẫn tạm bợ, có phường chỉ ½ số hộ là có nhà tắm, vệ sinh. Bãi tắm Thanh Bình lúc bấy giờ chẳng thanh bình chút nào, tình trạng phóng uế diễn ra thường xuyên.

Có lẽ sự thay đổi nhìn rõ nhất là qua những con đường, tiện nghi cuộc sống, nhưng có một hiện thực khác là đằng sau những con đường to đẹp đó, là hàng ngàn kiệt, hẻm mà nhiều nơi gần như không đổi sau mấy chục năm. Vẫn những kiệt, hẻm rộng không tới sãi tay, trên đó là hàng ngàn ngôi nhà, với hàng vạn người sinh sống. Sau khi phân cấp, mấy năm gần đây những kiệt, hẻm được duy tu khá nhiều, hầu hết thảm nhựa hoặc bê-tông hóa, không còn cảnh tối tăm, mưa ngập, nắng bụi. Người dân rất vui về sự thay đổi.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên không ít kiệt, hẻm vẫn còn quá nhỏ, việc đi lại nhất là những lúc hữu sự, hỏa hoạn, thiên tai, xe chữa cháy, cấp cứu khó vào tới, trong khi đó là một khía cạnh không nhỏ của phúc lợi xã hội mà người dân được quyền hưởng.

Trước thực tế này, vừa qua lãnh đạo thành phố trực tiếp kiểm tra, mục sở thị về công tác mở rộng các tuyến đường 3-3,5m lên 5-5,5m trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà; có ý kiến chỉ đạo về việc rút kinh nghiệm từ những đường đã được mở rộng, nghiên cứu hạ tầng đường dây điện, cáp viễn thông… được người dân hoan nghênh và ủng hộ chủ trương tưởng rằng đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng này.

Những con hẻm nhỏ nằm sâu trong phố nhiều khi lại là nơi làm nên chiều sâu nội tâm của đô thị, nơi đó là dân cư, là chỗ ở đời này qua đời nọ của nhiều gia đình, nơi diễn ra biết bao vui buồn, hạnh phúc và lo âu của đại đa số người dân. Chất thị dân nhiều khi thể hiện đậm nét từ những khu phố nhỏ như vậy. Có phải vì vậy mà những  “phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà tôi ở đó”, “Nỗi buồn gác trọ””… dễ đi vào lòng người? Người dân từ trong những khu phố nghèo thường là những lao động phổ thông, nên khi nghe tin kiệt được mở và thảm nhựa họ mừng như chính họ được nâng cấp.

Đà Nẵng diện tích không lớn, trừ Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm mất 350km2, rồi sân bay, rồi núi, sông, rồi những công trình phúc lợi trường học, bệnh viện… nên phần còn để tổ chức cuộc sống không nhiều, khoảng trên dưới 750km2. Dân số mỗi ngày một tăng, phố cũ và mới từ lâu định dạng bộ mặt riêng thành phố. Các đường Hùng Vương, Điện Biên Phủ buôn bán đủ mặt hàng; Hoàng Diệu phần nhiều là điện thoại; Nguyễn Du ăn uống, cà phê; Bạch Đằng dành cho du khách…, và cũng vì mức “thịnh” tấp nập hay không mà giá cả nhà, đất cũng khác nhau.

Dù vậy, đó là những trục đường chính, còn phía sau là hàng ngàn khu dân cư, nơi những kiệt, hẻm chằng chịt. Thiết nghĩ, chính quyền lo cho dân bắt đầu từ chuyện lớn nhưng không quên chuyện nhỏ. Chỉnh trang hàng ngàn đường lớn không quên bên trong kiệt, hẻm nhỏ là chuyện không hề nhỏ, bởi góp phần làm nên thương hiệu thành phố đáng sống có đóng góp quan trọng của hàng vạn dân “bên trong” này. Chất lượng sống của một đô thị không chỉ ở mặt tiền, mà còn ở những khu phố nghèo. Thước đo sự hài lòng của người dân được thể hiện ở mức độ tiện nghi mà họ hưởng hằng ngày.

Dĩ nhiên để cải tạo, mở rộng và nâng cấp những con hẻm nhỏ đòi hỏi ngân sách không nhỏ, do vậy không thể đồng loạt cùng một lúc dàn hàng ngang làm cho tất cả. Ở đây việc khảo sát, lựa chọn việc làm trước, làm sau có ý nghĩa quyết định, bởi công việc này không thể hoàn thành ngày một ngày hai. Thành phố Đà Nẵng vốn có kinh nghiệm giải tỏa, đền bù nhiều năm nên tin rằng sẽ có cách triển khai hợp lý.

Năm 2017, thành phố đón lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên đến Đà Nẵng dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Đây là niềm tự hào của người dân thành phố. Những con đường và những hàng cây làm nên hồn cốt của phố. Hãy làm cho mỗi khu phố, mỗi xóm làng đâu đâu cũng rộn rã tiếng ca, bởi đấy là biểu hiện sự ủng hộ, tin tưởng của lòng dân.

NHÃ ĐAN

;
;
.
.
.
.