Khúc tráng ca sông Lam

.

Với xứ Nghệ, sông Lam, núi Hồng là biểu tượng về linh khí trong đời sống tinh thần của người dân. Dọc theo vùng đất ấy, có bao bờ bãi, bao huyền sử, bao trầm tích, bao anh hùng hào kiệt, bao vầng trăng vằng vặc thi ca, chảy dọc đôi bờ sông Lam.

Sông Lam của tác giả Trần Mạnh Hảo, chan chứa bao ý tình sâu lắng, nằm trong số những bài thơ hay viết về một vùng đất đậm cá tính này. Hình tượng con sông trở thành một trường dụ. Bài thơ có 6 khổ, toàn văn như sau:

Sông Lam đoạn chảy qua huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và Đức Thọ (Hà Tĩnh).  Ảnh: nhandan.vn
Sông Lam đoạn chảy qua huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ảnh: nhandan.vn

Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh

Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du

Sông đứng thành Hồng Lĩnh

Sông đi thành ví dặm trời xanh

Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát

Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi

Sông ẩn hồn trong vại cà, vại nhút

Một củ khoai cũng lấp ló mây trời

Con cò mặc áo tơi đi học

Cá sông Lam còi cọc toát mồ hôi

Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh

Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài

Trời hào phóng mây trắng

Đất tằn tiện ngô khoai

Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa

Đồ Nghệ Sông Lam dạy biển cả học bài

Gió Lào thổi mây giòn bánh đa nướng

Sông Lam nuôi nứt nẻ mỗi hạt vàng

Gió lập ngôn đầu hồi luồng lĩnh xướng

Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang

Sông thao thức sóng tràn bờ bắc

Sông nằm mơ tĩnh lặng khói bờ nam

Thúy Kiều đến Tiên Điền tìm họ mạc

Hai trăm năm Tiền Đường mê mẩn nước Lam Giang

Để rú Quyết lặng thầm đi cứu nước

Sông veo veo trời đất thoắt sen vàng

Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát

Trăng cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn

Người giàu có nên đất nghèo khô khát

Kìa gió Lào thổi cong sông Lam…

Bài thơ độc đáo ở chỗ, tại đó, có sự hòa trộn cái hào khí của vùng Ngàn Hống, Hồng Lĩnh, Giang Đình, thêm cái tài hoa của Thanh Hiên, Tiên Điền, cả cái cơ hàn của Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang, và cả cái rú Quyết lặng thầm đi cứu nước. Khổ thơ đầu rất đặc biệt, có 4 câu thơ bắt đầu từ "sông":

Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh

Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du

Sông đứng thành Hồng Lĩnh

Sông đi thành ví dặm trời xanh

Từ con sông địa lý "bổ đôi Nghệ Tĩnh", đến con sông thơ ca "sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du", đến sông đứng sừng sững thành Hồng Lĩnh (có tên Nôm là Ngàn Hống): "Ngàn Hống thở hồng trần bay lục bát" (Trần Mạnh Hảo - Gió Ngàn Hống), cuối cùng, sông hóa thành những khúc hát dân ca, ví dặm, bay vút lên trời xanh. Con sông ở nhiều tư thế: bổ đôi / nằm / đứng / đi. Đâu phải kiểu chơi chữ! Bốn câu thơ gói trọn về đất, người, văn hóa vùng Nghệ Tĩnh.

Sáu câu tiếp theo là những dòng thơ đầy ấn tượng, da diết như cứa vào lòng, viết về cái nghèo của vùng Nghệ Tĩnh:

Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát

Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi

Sông ẩn hồn trong vại cà, vại nhút

Một củ khoai cũng lấp ló mây trời

Con cò mặc áo tơi đi học

Cá sông Lam còi cọc toát mồ hôi

Thêm một lần, sông vắt kiệt lòng mình để nuôi đất cát, hình ảnh dòng sông cháy hết mình, mong đem lại ấm êm và niềm vui cho con người. Ai từng sống ở vùng cát, hẳn biết, nước đổ nuôi đất cát, là thứ nước của lòng kiên nhẫn, nhẫn nại, bền chí, tin ở ngày mai, tin vào cuối vụ, nói như nhà thơ Ý Nhi trong trường ca Cát: "đó là lời của bài ca dịu dàng, quyết liệt".

Trần Mạnh Hảo "thương đất nghèo, sông xanh rớt mồng tơi". Ở đây, mồng tơi, có thể hiểu theo nghĩa: nghèo rớt mồng tơi. Tơi là thứ áo, làm bằng nhiều lớp lá, ngắn, chỉ hơn nửa thân người, nông dân thường dùng để che mưa nắng trong đi lại, nông tang. Áo tơi mà rớt mồng tơi là thứ áo rách nát, chỉ hoàn cảnh nghèo nàn, khó khăn, vô cùng cực khổ.  Hình ảnh con sông "ẩn mình trong vại cà, vại nhút" vừa nói lên cái nghèo, cái khó của những làng quê, vừa gợi lên bao nỗi nhớ thương về một hương vị đặc trưng đối với người đi xa, nhớ quê quán, xóm làng, quê hương, cha mẹ qua món cà, món nhút. Đến củ khoai, con cò, con cá cũng lấp ló mây trời, còi cọc mồ hôi...

Khổ thơ thứ ba vừa mang tính ẩn dụ vừa sử dụng phép so sánh: Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh/ Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài/ Trời hào phóng mây trắng/ Đất tằn tiện ngô khoai.

Lạ thay, những hình ảnh so sánh đối lập giữa “gió thổi xơ", "con cá gỗ", "mây trắng", "đất tằn tiện", lại thổi lên hào khí về Nghệ Tĩnh, với "những thiên tài", với "hào phóng mây trắng". Những ẩn dụ đó bắt người đọc suy nghĩ về những điều ngược lại. Câu hỏi đặt ra, có nơi đâu như ở đất này, cái nghèo khó vẫn không đánh bại ý chí và nghị lực con người.

Khổ thơ thứ tư chỉ là sự nối dài theo mạch cảm xúc của khổ ba:

Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa

Đồ Nghệ Sông Lam dạy biển cả học bài

Gió Lào thổi mây giòn bánh đa nướng

Sông Lam nuôi nứt nẻ mỗi hạt vàng

Gió lập ngôn đầu hồi luồng lĩnh xướng

Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang

Cả khổ thơ nói đến đặc trưng con người Nghệ Tĩnh. Đó là con người của ý chí, nghị lực trong mọi lĩnh vực, quyết vươn lên trong chữ nghĩa, dù đói nghèo, gian khó. Cả dải đất miền trung nổi tiếng với đồ Nghệ, dạy dỗ, rèn luyện nên bao nhân tài cho đất nước. Ngọn gió Lào khắc nghiệt, có thể thổi giòn bánh đa nướng, song, cũng từ đó, nuôi lớn bao anh hùng, bao thi sĩ. Gió kiên cường trong lập ngôn, lập chí, một cách nói về tính cách thẳng thắn, trung thực, khẳng khái, hào phóng, ngoan cường, ngông, gàn nhưng tài năng và nhân ái, không tính toán riêng tư của người Nghệ Tĩnh.

Khổ tiếp: Sông thao thức sóng tràn bờ bắc/ Sông nằm mơ tĩnh lặng khói bờ nam/ Thúy Kiều đến Tiên Điền tìm họ mạc/ Hai trăm năm Tiền Đường mê mẩn nước Lam Giang/ Để rú Quyết lặng thầm đi cứu nước/ Sông veo veo trời đất thoắt sen vàng

Cả khổ thơ, đọc kỹ, sẽ thấy ba cặp sóng đôi, mang nhiều ý nghĩa. Cặp đôi thứ nhất về sông, sông thao thức, sông nằm mơ tĩnh lặng giữa hai bờ bắc và bờ nam. Cặp đôi thứ hai, sau hai trăm năm, đưa Thúy Kiều, Tiền Đường về với nước Lam Giang, một cặp đôi nói lên những trang văn trác tuyệt của Nguyễn Du. Cặp đôi thứ ba nói về rú Quyết lặng thầm đi cứu nước và "sông veo veo trời đất thoắt sen vàng". Thêm một lần, nhà thơ nhấn mạnh đến đặc trưng của sông Lam, của vùng đất Nghệ Tĩnh, vừa nghèo khó, dũng cảm, vượt qua thác ghềnh, vừa cháy hết lòng vừa quyết giữ lấy trời xanh, dẫu có cơ hàn. Một thông điệp mạnh mẽ và nhân văn:

Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát

Trăng cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn

Người giàu có nên đất nghèo khô khát

Kìa gió Lào thổi cong sông Lam…

Có thể nói, sông Lam của Trần Mạnh Hảo là bài thơ hay, gửi bao nỗi niềm trân quý của người Việt về một vùng đất chẳng thể nguôi quên, dẫu gió Lào hào kiệt thổi cong sông Lam, thổi xơ Nghệ Tĩnh...         

Huỳnh Văn Hoa

;
;
.
.
.
.
.