Kiệt tác điêu khắc trong lỗ kim

.

“Tôi ám ảnh với việc tạo ra nhiều tác phẩm nhỏ bé. Có lẽ, tôi đang tìm cách bù đắp cho sự xấu hổ của mình khi gặp khó khăn trong học tập, mọi người luôn khiến tôi cảm thấy mình nhỏ bé nên tôi muốn cho họ thấy sự "nhỏ bé" quan trọng như thế nào".

Nữ vĩ cầm Johanna Martzy trên chiếc kim băng (ảnh trái) và tác phẩm điêu khắc Albert Einstein siêu nhỏ đặt trong lỗ kim. Ảnh: Internet
Nữ vĩ cầm Johanna Martzy trên chiếc kim băng (ảnh trái) và tác phẩm điêu khắc Albert Einstein siêu nhỏ đặt trong lỗ kim. Ảnh: Internet

Đây là tâm sự của nghệ sĩ điêu khắc lừng danh Willard Wigan ở Birmingham (Anh) khi ông nói về những tác phẩm nghệ thuật siêu nhỏ, chỉ có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi của mình.

20 kiệt tác nghệ thuật siêu nhỏ này sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Wollaton Hall, thành phố Nottingham, miền bắc nước Anh vào cuối tuần này. John Bowden, quản lý của nghệ sĩ Wigan trao đổi với CNN rằng: “Hy vọng triển lãm sẽ giúp người xem nhận ra thông điệp những điều nhỏ nhất trong cuộc sống có thể có tác động lớn nhất. Tác phẩm của Willard là tác phẩm nghệ thuật nhỏ nhất nhưng sẽ tác động lớn nhất lên bất kỳ ai chiêm ngưỡng nó".

Willard Wigan đã ghi tên mình vào danh sách những nghệ nhân kiệt xuất của thế giới. Ông sinh ra phải chịu sự thiệt thòi khi mắc chứng khó đọc nên việc học hành không thuận lợi như các bạn đồng trang lứa. Bù lại, ông được phú cho đôi bàn tay lành nghề và con mắt thẩm mỹ hơn người.

Ông trở thành một nhà điêu khắc có một không hai trên thế giới bởi các tác phẩm điêu khắc của ông vô cùng đặc biệt. Chúng được làm hoàn toàn bằng tay và có kích cỡ siêu nhỏ, chỉ khoảng 0,005 mm/tác phẩm. Ông thường gắn chúng trên đầu cây đinh ghim hoặc trong lỗ kim.

Để tạo ra tác phẩm nghệ thuật vi mô, trước tiên, Wigan tạo ra những công cụ cực kỳ nhỏ, theo đó, ông sử dụng lông mi mắt thay cho cọ vẽ, “đồ nghề” làm từ kim châm cứu được mài sắc và kim cương được chia thành các mảnh siêu nhỏ. Sau đó, ông vẽ các tác phẩm điêu khắc của mình bằng lông mi. Mọi thao tác của ông được thực hiện giữa các nhịp tim.

"Tôi nhận ra khoảng cách giữa 2 nhịp tim là thời điểm tạo tác tốt nhất. Tôi luyện tập làm chậm nhịp tim nhất có thể. Tim người bình thường đập khoảng 80 lần/phút. Nhưng nhịp đập của tôi chỉ vào khoảng 60 lần/phút. Sau đó, tôi chờ giữa 2 nhịp tim để gắn tác phẩm hay cầm dao đẽo gọt nhằm tránh run tay. Làm việc dưới kính hiển vi, chỉ cần lỡ tay thì mọi công sức trước đó đổ sông đổ bể".

Willard Wigan chia sẻ rằng, thực ra ông không thích quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình bởi vì "quá căng thẳng". Thế nhưng, sau khi hoàn thành tác phẩm, được người xem thưởng lãm đầy hoài nghi, không thể giải thích những gì họ đang thấy, điều đó mang lại cho ông nhiều niềm vui.

Willard sắp đảm nhận vai chính trong một bộ phim truyền hình tám phần của Channel Four. Câu chuyện về cuộc đời từ nghèo khó trở nên giàu có của Willard cũng đang được dựng thành bộ phim truyền hình sẽ đăng nhiều kỳ trên Netflix.

Hoàng Đặng (Theo CNN)

;
;
.
.
.
.
.