Dự án “Chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm - Probiotics” của nhóm sinh viên đến từ ngành Khoa học vi sinh, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) mở ra hy vọng giúp người nuôi tôm hạn chế bệnh trên tôm và có giải pháp nuôi tôm an toàn, hiệu quả…
Nhóm sinh viên đoạt giải Ba tại vòng chung kết cuộc thi SV.Starrtup 2023. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Dự án xuất sắc đoạt giải Ba tại ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh - sinh viên lần thứ 4 (SV.Startup 2023) do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Theo thành viên Đinh Thị Ngọc Ánh, khi bắt đầu tìm hiểu đề tài tham gia cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên Việt Nam vào đầu năm 2023, nhóm nhận thấy bệnh đường ruột tôm là một trong những nguyên nhân gây tổn thất kinh tế đáng kể cho người nuôi. Để giúp người nuôi tôm có giải pháp tối ưu, nhóm bàn bạc, đưa ra ý tưởng và tiến hành nghiên cứu thực tế.
“Nhóm đọc nhiều tài liệu và nghiên cứu sử dụng chế phẩm sinh học để phòng tránh và điều trị bệnh trên tôm. Càng nghiên cứu, chúng em càng tin rằng việc sử dụng chế phẩm sinh học là một trong những giải pháp hiệu quả giúp giảm thiểu tổn thất kinh tế và tăng hiệu quả sản xuất trong ngành nuôi trồng thủy sản. Qua đó, nhóm hướng đến việc phát triển sản phẩm chế phẩm sinh học dành cho tôm thẻ tại Việt Nam, bởi tôm thẻ chiếm sản lượng lớn trong ngành nuôi trồng thủy hải sản cũng như có nhiều thị trường để phát triển mạnh mẽ”, Ngọc Ánh chia sẻ.
Do quỹ thời gian hạn hẹp, nhóm phải nỗ lực, phân chia nhiệm vụ rõ ràng. Trong đó, Trần Nhân Kiệt phụ trách phần thông tin thị trường, marketing, tìm hiểu các thông tin về pháp lý, còn 3 bạn Lan Anh, Ngọc Ánh và Ngô Huỳnh Thiên Ý phụ trách phần phân lập vi khuẩn.
Nhóm đã phân lập chủng Bacillus pumilus từ đất sau đó phối trộn với hai chủng khác để làm cơ sở tạo ra chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm. Công việc thử nghiệm trên tôm để lấy kết quả được tiến hành thông qua các thí nghiệm so sánh tại phòng thí nghiệm và cho kết quả khả quan. Nhóm cũng đang tiến hành thử nghiệm trên diện tích nuôi tôm thực địa ở huyện Hòa Vang.
Tại vòng chung kết SV.Startup 2023, dự án “Chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm - Probiotics” được đánh giá có tính sáng tạo và có ý nghĩa thực tiễn cao, tạo ra những sản phẩm góp phần giảm lượng vi sinh vật gây bệnh, vừa làm sạch ao nuôi hiệu quả và giá thành rẻ, hứa hẹn trở thành một trợ thủ đắc lực cho những người nuôi tôm Việt Nam.
“Với việc phát triển sản phẩm này, chúng em hy vọng có thể giải quyết một phần vấn đề bệnh tôm, cũng như cung cấp giải pháp an toàn, hiệu quả và bền vững cho ngành nuôi trồng tôm tại Việt Nam”, Ngọc Ánh cho biết.
Trưởng nhóm Nguyễn Trần Lan Anh chia sẻ thêm, khi nhận thông tin dự án của đội vào vòng chung kết, đặc biệt là khi Ban tổ chức công bố đoạt giải Ba tại một sân chơi khởi nghiệp lớn, có quy mô toàn quốc như SV.Startup 2023, nhóm rất vui. Đó là cơ hội để mỗi thành viên trong nhóm học hỏi, tiếp thêm động lực, cảm hứng từ phong trào đổi mới sáng tạo trẻ của các trường đại học trong cả nước.
Hiện tại, nhóm đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án một cách tối ưu nhất. Đồng thời, lên kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức trong ngành nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển sản phẩm trên quy mô lớn hơn, nhằm đạt hiệu quả tối đa, đóng góp tích cực cho ngành nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
SV.Startup 2023 là cuộc thi quy tụ nhiều dự án, ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu, được tuyển chọn trong học sinh, sinh viên từ các đại học, trường đại học, cao đẳng, viện/học viện, các trường phổ thông trên toàn quốc với 5 lĩnh vực: công nghiệp, chế tạo sản phẩm; nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; kinh doanh tạo tác động xã hội. Năm nay, SV.Startup 2023 do Đại học Huế đăng cai tổ chức và dự án “Chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm - Probiotics” là 1 trong 50 dự án khối sinh viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn tham dự vòng chung kết. |
Thiên Lam