Làng chài Tân Thái được coi là ngôi làng cổ lâu đời nhất nơi bán đảo Sơn Trà, ẩn mình dưới chân núi cùng tên. Đây là vùng đất được kết tinh, hội tụ nhiều nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống bởi tính kế thừa và bảo tồn bản sắc về một làng biển độc đáo. Nơi này còn lưu truyền những câu chuyện khá thú vị cho tới ngày nay.
Lăng Ngư Ông Tân Thái và tượng cá voi trước tam quan lăng. Ảnh: T.M |
1. Gia phả tộc Lê hiện được lưu giữ tại Tổ đình Lê tộc Tân Thái, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, cho biết năm Tân Mão (1651), cụ tổ Lê Duật cùng một số người của các tộc Nguyễn, Trần từ làng Nga Mỹ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, khăn gói băng đèo, lội suối vào đây khai phá, lập ra làng Nam An dưới chân núi Sơn Trà.
Là con của Triệu Quận công Lê Hào, cháu đời thứ 6 của vua Lê Thánh Tông, cụ Lê Duật cùng với một số người của các tộc họ khác đã đặt dấu chân đầu tiên tại vùng cát trắng này, về sau trở thành tiền hiền làng. Gia phả tộc Nguyễn, tộc Trần cho biết thêm, năm Nhâm Thìn (1752), dân làng Nam An cử bốn vị Lê Văn Thuận, Lê Văn Uyển, Trần Văn Tuấn và Nguyễn Văn Nghiêm đại diện cho các tộc họ đệ đơn, tấu trình lên triều đình xin được lập xã hiệu Tân An. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có ghi: “Làng Tân An là đất của làng Nam An bao gồm các xứ: Bà Lũy, Vĩnh Vông, Cồn Mỗi, do các vị tổ tiên của dòng họ Nguyễn, Trần, Lê khai khẩn”.
Theo thời gian, các làng phụ cận khác được hình thành như Cổ Mân, Nam Thọ, Mân Quang. Đến triều vua Thành Thái (tại vị 1889-1907), làng Tân An được đổi thành làng Tân Thái. Mãi đến năm 1973, chính quyền Sài Gòn sáp nhập các làng Nam Thọ, Mân Quang thành phường Thọ Quang; sáp nhập Tân Thái với Cổ Mân thành phường Mân Thái, quận Ba, thành phố Đà Nẵng.
2. Do hình thành từ rất sớm nên làng TânThái có nhiều câu chuyện dân gian được truyền lại khá lý thú liên quan đến việc lập làng, xã.
Chuyện kể rằng vào thời vua Minh Mạng (1820-1841), đất đai của làng Tân Thái thường xuyên bị dân làng Nam Thọ giành giật, lấn chiếm trái phép. Nhiều cuộc tranh cãi diễn ra dai dẳng, cuối cùng vẫn bất phân thắng, bại. Dân làng Tân Thái liền cử ông Ngô Quang Cư, người giỏi giang chữ nghĩa thay mặt dân làng viết đơn kiện làng Nam Thọ. Vụ kiện tụng này được đưa ra xét xử và làng Nam Thọ phải trả lại phần đất chiếm dụng của làng Tân Thái. Để chấm dứt việc tái lấn chiếm, dân làng Tân Thái liền huy động tiền bạc xây ngay miếu thờ Bà Đại Càn - Tứ vị Thánh nương, còn có tên gọi là miếu Vua, ngay ranh giới đường biên giữa hai làng. Thế là việc lấn chiếm, tranh giành lãnh địa giữa hai làng từ đó mới dứt hẳn. Do biến động của thời cuộc, ngôi miếu này bị hư hỏng, đổ nát nên dấu tích không còn nữa.
3. Một câu chuyện truyền miệng khác về tranh giành khu vực đánh bắt tôm cá trên biển giữa hai làng Tân Thái và Mỹ Khê. Hồi ấy vùng nước Vũng Úc, còn có tên gọi khác là Vũng Nờm xung quanh mũi Nghê dưới chân núi Sơn Trà có nhiều loài hải sản sinh sống. Ghe thuyền của bà con ngư dân hai làng nhỏ bé, không thể vươn khơi nên chỉ đánh bắt xung quanh vùng gần bờ này.
Thế rồi, lại diễn ra việc tranh giành ngư trường trên biển. Bà con ngư dân làng nào cũng tự cho mình cái quyền được đánh bắt trên vùng biển Vũng Úc. Vụ việc tranh chấp cứ thế kéo dài, cuối cùng cả hai làng Tân Thái, Mỹ Khê đều có đơn thưa lên huyện, tỉnh. Triều đình cử người về xem xét, xử cho làng Tân Thái thắng kiện và ban ngư bộ (vùng đánh cá – ĐNCT) cho bà con ngư dân làng Tân Thái được đánh bắt cá tại vùng nước “Con Nghê Sơn Trà” (khu vực quanh Mũi Nghê hay Hòn Nghê nằm phía đông nam bán đảo Sơn Trà). Tuy được cấp ngư bộ về chủ quyền khai thác, song bà con ngư dân làng Tân Thái cũng nghĩ lại cái tình với làng láng giềng nên họp bàn, thống nhất cho bà con ngư dân làng Mỹ Khê được đánh bắt mỗi tháng 10 ngày tại vùng biển Vũng Úc.
4. Lại thêm chuyện truyền khẩu khác ngợi ca tài năng, đức độ của người làng Tân Thái cũng như việc làm tăng thêm diện tích đất cho làng. Số là hồi ấy ở làng Tân Thái có ông thầy thuốc Trần Đăng Khoa rất giỏi trị bệnh cứu người. Một hôm vị quan thượng thư dưới triều vua Tự Đức (1847-1883) thông báo cho các quan huyện, tỉnh tìm kiếm giúp thầy thuốc giỏi đỡ đẻ cho vợ mình vì đã chuyển dạ 3 ngày nhưng vẫn không sinh được. Biết tiếng tăm của thầy thuốc Trần Đăng Khoa, quan huyện liền mời ông ra Phú Xuân gặp quan thượng thư.
Khi ông Trần Đăng Khoa về nhà quan thượng thư thì thấy 3 thầy thuốc khác đang có mặt tại đây, song vợ quan vẫn chưa khai hoa nở nhụy. Cả 3 thầy thuốc đều thú nhận đã làm hết cách nhưng vẫn không thành công nên xin cáo từ, nhờ lương y Trần Đăng Khoa giúp đỡ. Khi 3 thầy thuốc kia rời khỏi nhà thì ông bắt tay ngay vào việc và chỉ 2 giờ sau, ngôi nhà quan thượng thư có tiếng khóc chào đời của trẻ sơ sinh.
Thấy mẹ tròn, con vuông, quan thượng thư vui mừng khôn xiết, mời ông Khoa ở lại, sai người làm cơm thịnh soạn thết đãi. Trong bữa ăn, vị quan hỏi ông thầy thuốc: “Chừ ông ưng chức quan chi, tui giúp cho?”. Nhấp hớp rượu, ông Khoa thong thả trả lời: “Thưa quan lớn, tui làm quan không được mô. Nếu quan lớn có lòng thì xin quan lớn cho làng Tân Thái thêm ít đất. Làng tui dân đông, có thêm chút đất thì bà con sẽ bớt khổ”. Nghe xong, quan thượng thư gật đầu. Ít lâu sau, dân làng An Hải nhượng cho làng Tân Thái hơn 21 mẫu, 9 sào đất.
5. Gắn với biển cả mênh mông bao đời nên làng chài Tân Thái có tục thờ cúng cá ông (cá voi). Họ coi đây là vị thần hộ mệnh cho bà con ngư dân mỗi khi lênh đênh trên biển. Hằng năm vào ngày 26 tháng Giêng âm lịch, lễ tế thần Ông và cầu ngư diễn ra tại Lăng Ngư Ông Tân Thái. Đây là dịp dân làng tưởng nhớ những bậc tiền nhân có công lập làng chài từ thuở sơ khai và không quên kể cho nhau nghe những câu chuyện thú vị được lưu truyền mãi tới ngày nay...