Câu chuyện người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để mua bán, đậu đỗ xe tại chợ hay những con đường trên địa bàn không phải mới cũng chưa hẳn đã cũ. Điều này tạo khung cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị và cản trở giao thông. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này thì sự nỗ lực của chính quyền là chưa đủ mà còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người bán lẫn người mua.
Khung cảnh lộn xộn từ người bán lẫn người mua trên đường Mỹ Đa Đông 1, chợ Bắc Mỹ An (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: H.T.V |
Chợ nhỏ cạnh chợ lớn
Chợ Bắc Mỹ An (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) nằm trên 4 con đường Nguyễn Bá Lân, Mỹ Đa Đông 1, 2, 3. Người đăng ký gian hàng kinh doanh bên trong chợ thì không bàn nhưng người kinh doanh ở khu vực bên ngoài ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường để cơi nới hàng hóa. Người mua thì vô tư dựng xe máy hàng hai, hàng ba để thuận tiện mua hàng. Thậm chí, khu vực ngã ba đường Mỹ Đa Đông 1 và 3 là nơi “béo bở” với diện tích rộng từ chiều ngang cho đến chiều dài cũng bị chiếm giữ vô thời hạn. Rảo một vòng những con đường xung quanh chợ sẽ thấy đầy đủ các loại thực phẩm từ thịt, cá, gà, trứng, tôm, trái cây, rau củ, quần áo và đồ gia dụng… không khác gì chợ lớn bên cạnh.
Chị Phan Tú Trâm (48 tuổi), người dân gần chợ Bắc Mỹ An cho hay, khi thành lập chợ vào năm 2004, tiểu thương chủ yếu buôn bán bên trong chợ, không có tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Khoảng mươi năm trở lại, sức mua tăng lên thì vỉa hè, lòng đường biến mất, thay vào đó là hàng hóa, tủ bàn, gánh hàng rong đua nhau mọc lên. Vì tiện và có đầy đủ mặt hàng nên người dân không cần vào chợ mà tạt đến quầy nào đó trên những con đường để mua sắm. Nếu đến chợ vào khung từ 9 giờ đến 11 giờ trưa và 16 giờ đến 18 giờ sẽ chứng kiến cảnh vô cùng lộn xộn.
“Có nhiều trường hợp va chạm dẫn đến mâu thuẫn trong quá trình mua hàng. Song song, tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng bởi nước thải rửa các loại thực phẩm đổ tràn xuống lòng, lề đường tạo thành những vũng nước bốc mùi hôi. Việc này tồn tại từ lâu và mọi người mặc định sống gần chợ thì đành chấp nhận. Chợ có đông thì mới ra một ngôi chợ truyền thống. Vấn đề cốt lõi thường đánh đồng do ý thức của người dân nhưng nếu một, hai người dân ý thức cũng không thể giải quyết được gì”, chị Trâm bộc bạch.
Cùng tâm trạng, chị Võ Thị Thanh Thúy (30 tuổi, quận Liên Chiểu), trú đường Vũ Ngọc Phan, sát chợ Hòa Khánh bày tỏ: “Nhà gần chợ nên mỗi sáng đưa con đi học và đến chiều trở về là như đi đánh trận. Nếu nhìn xa thì người và xe, hàng hóa như trộn lẫn vào nhau không phân biệt được đâu là đường, đâu là nhà. Tôi nhận thấy đội quy tắc đô thị của phường, quận tích cực ra quân ngày lẫn đêm nhằm lấy lại vỉa hè, lòng lề đường nhưng được vài hôm đâu lại vào đó. Tôi nghĩ đó là vấn đề mưu sinh nên dù có cấm hay áp dụng mọi biện pháp xử lý cũng sẽ khó nếu chạm đến lợi ích một số cá nhân. Ngay cả người dân sinh sống những tuyến đường xung quanh chợ cũng thu lợi nhuận từ việc cho thuê buôn bán thì làm sao có thể giải quyết triệt để”.
Chị Nguyễn Thị Xê, bán cá trên đường Mỹ Đa Đông 1, chợ Bắc Mỹ An chia sẻ, mỗi sáng chị cùng chồng đèo nhau từ xã Điện Dương (tỉnh Quảng Nam) ra Đà Nẵng để bán. Chị thuê vỉa hè ngôi nhà đối diện chợ nhưng diện tích khá chật, chị phải kê thêm rổ, rá dưới lòng đường. Bởi chị không đủ điều kiện đầu tư gian hàng bên trong chợ, cứ bán khi nào đội quy tắc xuất hiện thì lại dọn vào. Chị cũng ý thức việc làm này là không đúng quy định nhưng không còn cách nào khác vì gánh cá nuôi 4 miệng ăn trong gia đình.
Giống chợ Bắc Mỹ An và chợ Hòa Khánh, chợ Tân Lập (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) cũng rơi vào tình trạng tương tự, chị Nguyễn Thị Lan (40 tuổi, giáo viên) người mua hàng tại chợ Tân Lập nói: “Việc người dân lấn chiếm vỉa hè hay lòng lề đường hầu như ở thành phố nào cũng xảy ra chứ không riêng ở Đà Nẵng. Tôi nghĩ đằng sau những quang gánh thúng nia vỉa hè hay lòng đường là nguồn sống của một gia đình. Đối với tôi, việc buôn bán trên vỉa hè, lòng đường là sai nhưng nếu xét ở góc độ nhân văn thì đó là nơi những lao động phổ thông và người nghèo kiếm kế sinh nhai nhưng đừng vì lý do đó mà để câu chuyện lập lại trật tự đô thị rơi vào bế tắc”.
Theo quan sát tại các tuyến đường xung quanh khu vực chợ Hòa Khánh (Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Đình Trọng); chợ Đầu mối Hòa Cường (Lê Sát, Lê Nổ, Hồ Nguyên Trừng) hay chợ Đống Đa (Lương Ngọc Quyến, Hải Hồ); chợ Cồn (Hùng Vương, Ông Ích Khiêm)… bất kể khung giờ nào đều trong tình trạng tấp nập, hỗn loạn người mua bán trên vỉa hè và dưới lòng lề đường. Không chỉ ở chợ mà nhiều tuyến đường trong thành phố cũng được người bán hàng rong tận dụng buôn bán hàng hóa trên những chiếc xe máy hay xe đẩy như Phan Thanh, Nguyễn Hoàng, Huỳnh Ngọc Huệ, Hải Phòng, Âu Cơ, Phạm Như Xương, Ông Ích Khiêm, Tôn Đản, Võ Văn Tần, Lê Độ, Nguyễn Hữu Thọ, Hùng Vương…
Hình thành ý thức mua bán đúng nơi, đúng chỗ
Trưởng ban Quản lý chợ Cồn Phan Thành Thoại cho biết, chợ Cồn là chợ du lịch nên người bán hàng rong và trên vỉa hè bao phủ khắp nơi. Tuy nhiên, điểm chung ở các chợ là quản lý tiểu thương bên trong chợ, họ đóng thuế và có gian hàng riêng. Nếu nói tiểu thương ở các chợ lấn chiếm vỉa hè hay lòng lề đường là không đúng. Việc lấn chiếm đến từ một bộ phận người dân tự phát kinh doanh và người bán hàng rong đến từ khắp nơi trên các xe máy hay xe tải nhỏ nên ban quản lý không có quyền xử lý. Nhưng ban quản lý chợ và đội kiểm tra quy tắc đô thị phường, quận ra quân dọn vỉa hè, lòng lề đường từ 3 đến 4 lần/tuần.
Điều quan trọng, chợ Cồn nằm trong khu vực 2 phường là Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) và Hải Châu 2 (quận Hải Châu), nếu xử lý ở phường này thì họ sẽ di chuyển qua địa bàn phường còn lại. “Hồi tháng 5, chúng tôi cùng đội đô thị phường, quận xử phạt hành chính nhiều trường hợp nhưng được vài ngày lại như cũ bởi địa bàn rộng nhưng lực lượng mỏng. Câu chuyện không hồi kết là có mặt ban quản lý chợ hay đội quy tắc thì hoạt động vãn ra, nhưng mọi việc trở lại như cũ khi lực lượng đi khỏi”, ông Thoại nói và cho rằng đó chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian nhất định, vấn đề là người dân cần tạo ý thức mua bán đúng nơi quy định.
Nhắc đến vấn đề người bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán, ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng nêu rõ: “Tại chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đầu mối Hòa Cường hay Đống Đa, ban quản lý chợ thường xuyên phối hợp đội quy tắc đô thị phường, quận để lấy lại vỉa hè, lòng lề đường cho người đi bộ. Thiết nghĩ, việc hình thành thói quen mua bán đúng nơi, đúng chỗ rất quan trọng là yếu tố thay đổi bộ mặt đô thị được sạch, đẹp hơn trong mắt người dân cũng như du khách.
Còn ông Lê Anh Dũng, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu cho rằng, đội quy tắc đô thị cùng UBND phường Hòa Khánh Bắc luôn nỗ lực tuyên truyền cho người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và tích cực kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong và ngoài giờ hành chính trên địa bàn, chủ yếu tập trung các tuyến đường xung quanh chợ Hòa Khánh.
Bên cạnh ý thức của người dân thì chính quyền cần có giải pháp và phương án tổ chức, kết hợp không gian vỉa hè sao cho hợp lý để người dân đều hưởng lợi chung thì hiệu quả kinh tế từ vỉa hè sẽ đạt hiệu quả, kiến trúc sư Trương Công Lượng, Giám đốc Công ty Cổ phần Không gian đẹp cho hay: “Tôi từng có thời gian nghiên cứu kiến trúc về quy hoạch vỉa hè và nhận ra đó là vấn đề lâu dài, phải từng bước chứ không thể giải quyết ngày một, ngày hai.
Tôi cũng đi du lịch ở Thái Lan, Hàn Quốc và thấy họ cho phép kinh doanh buôn bán trên vỉa hè nhưng được quy hoạch từng khu vực, chia từng ô nhỏ, không cứng nhắc theo một quy tắc bởi vỉa hè là không gian chung, không chỉ dành cho người đi bộ mà còn là đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm…”.
HUỲNH TƯỜNG VY