Ký ức thành phố

.

Bạn hỏi, có biết cái biển hiệu nào từ trước 75 giờ còn? Cũng bạn trả lời “Hợp Mỹ” trước chợ Hàn, đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú). Rất nhiều lần đến chợ nổi tiếng từ xưa, nhưng tôi chỉ để ý tới tấm bảng hiệu khiêm tốn này từ sau khi bạn nói. Là lớp người có mặt ở thành phố này sau 75, tôi không có ký ức về cái thị xã nổi tiếng này ngày trước.

Nghe kể chung quanh khu vực chợ Hàn ngày trước là vô số cửa hàng, mỗi nhà là một tiệm và nói chung cả một thị xã là những cửa hàng. Ở đâu mà chẳng thế, thị dân là mua và bán, mỗi phường có một chợ, có chợ tự phát nhưng cũng có những chợ được quy hoạch và xây dựng khá lâu. Trong dòng chảy thời gian, mỗi thời kỳ để lại cho lớp sau những công trình, những con đường, góc phố, hàng cây và qua đó để lại ký ức. Mỗi công trình còn chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử cần gìn giữ. Một thành phố giàu có biểu hiện ra bên ngoài là sự sầm uất và thuận tiện, nhưng hồn cốt là chiều sâu văn hóa, là ký ức.

Quy hoạch bao giờ cũng xuất phát từ sự hợp lý công năng, thẩm mỹ giữa hiện tại và tương lai, nhưng bao giờ cũng phải lưu ý đến quá khứ. Quá khứ làm nên hồn cốt quê hương, mọi quy hoạch đều tôn trọng cái đã có, dĩ nhiên không phải máy móc. Trong rất nhiều trường hợp người ta buộc phải hy sinh một “quá khứ” nào đó, song đó là bất khả kháng, chứ còn bình thường, sự thông minh là phải biết giữ gìn bảo tồn các công trình quá khứ. Đặc biệt, cần có cách nhìn nhận đúng giá trị văn hóa, lịch sử thông qua các công trình, từ đó đưa ra hướng bảo tồn để phát huy giá trị. Những công trình tồn tại hàng trăm năm là nơi neo đậu ký ức để làm ra kỷ niệm, càng cổ kính càng dễ tạo ra giá trị, bởi đó là chứng nhân của thời gian.

Thành phố hôm nay còn lưu lại những gì từ trong quá khứ? Còn bao nhiêu ngôi nhà và cổ thụ hơn trăm năm? Trong quá trình phát triển việc bỏ cái cũ nhiều khi là điều không tránh được. Hiện Đà Nẵng còn khoảng 20 công trình trên dưới 100 năm, lâu đời nhất có lẽ là trường Phù Đổng (1890), nơi nhà thơ Tố Hữu học hồi nhỏ, Tòa thị chính (trụ sở UBND và sau đó là HĐND 42 Bạch Đằng, nay làm bảo tàng) khánh thành năm 1906 cùng năm với Tòa án (giờ là khách sạn Novotel), Bảo tàng điêu khắc Chăm (1919), trụ sở Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố (1920), Nhà thờ chính tòa (1923)…

Còn biển hiệu trước 75, ngoài Hợp Mỹ không biết còn tấm nào nữa không? Nghe kể, thành phố Thẩm Quyến - đặc khu phát triển điển hình của Trung Quốc thời mở cửa, giữa mênh mông phố sá sầm uất, người ta chợt sững sờ khi thấy tượng một ngư dân bên chiếc thuyền chài bằng đồng. Rồi khi đến Hàn Quốc, những cặp uyên ương thường thích đến khu vườn “của quý” hoặc vườn tượng em bé ngồi ị bên những chú heo ngộ nghĩnh.

Rồi ở Busan nơi từng tổ chức hội nghị APEC (năm 2005), tại đây, với một khoảng sân làm bằng gỗ vươn ra biển, được thiết kế để chụp ảnh các nguyên thủ APEC với trang phục hanbok truyền thống xứ kim chi. Để rồi, địa điểm này đã trở thành điểm nhấn du lịch, để bất cứ du khách nào đến Busan cũng phải dừng chân ghi lại vài kiểu ảnh, với chút niềm vui được đứng ở vị trí mà các nguyên thủ của 21 nền kinh tế ven bờ Thái Bình Dương từng chụp ảnh… Chợt nghĩ thấy tiếc vì cả hai lần Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC (năm 2006 và 2017) nhưng địa điểm các nguyên thủ chụp hình chung không trở thành nơi du khách đến thăm, check-in.

Các nước thường lưu lại ký ức bằng những công trình nghệ thuật, qua đó kể về lịch sử cũng như sự phát triển thành phố, họ lưu lại dấu ấn làm nên ký ức đẹp cho những lần đến và đi. Ngày 8-3-1965 Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, mở đầu một trong những cuộc chiến tranh kinh hoàng và kéo dài nhất thế giới, cũng thời điểm đó Việt Nam bắt đầu khẩu hiệu nổi tiếng “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, có người đề xuất dựng một tấm biển ghi “Nơi đây ngày 8-3-1965 quân Mỹ đổ bộ…” sẽ là điểm lưu lại ký ức về một sự kiện lịch sử của chiến tranh Việt Nam. Việc cải tạo nâng cấp trụ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng là một quyết định đúng, bởi bản thân trụ sở này cũng là một hiện vật cần bảo quản, giữ gìn, dĩ nhiên còn cách trưng bày, hiệu ứng ánh sáng… là cả một câu chuyện dài, để nơi đây là nơi nuôi dưỡng ký ức của một “thành phố đáng đến và đáng sống”. 

Ta đang làm ra ký ức cho mai sau.

NHÃ ĐAN

;
;
.
.
.
.
.