Người già đi bệnh viện

.

Trong lúc ngồi chờ gọi số ở dãy ghế bệnh viện, tôi thấy một cụ ông với dáng vẻ chậm chạp. Đi cùng cụ là một phụ nữ tuổi trung niên. Một tay chị xách chiếc túi vải, bên trong thò ra các loại giấy chụp X-quang, siêu âm, sổ khám bệnh, toa thuốc, thẻ bảo hiểm… tay còn lại xách bịch thuốc và không rời khỏi cánh tay của cụ ông bên cạnh.

Người phụ nữ tìm một chỗ trống cho cụ ông ngồi, rồi cẩn thận dặn từng thứ một, chỉ tay vào toa thuốc, đọc to từng loại. Loại này uống mấy giờ, trước hay sau ăn, khi uống thuốc này cần tránh loại thực phẩm nào… Rồi để yên tâm hơn, chị còn nói ông cụ lặp lại xem có chính xác không. Vì cụ ông nghe không rõ, nên người phụ nữ phải nói to hơn mức bình thường. Cụ ông lặp lại răm rắp như một đứa trẻ biết nghe lời.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Rồi chị gọi xe cho ông cụ, dặn dò rằng, chị đã trả tiền rồi, ông cụ chỉ cần về đến nhà, gọi cửa cho con trai ra đón vào. Chị dặn thêm, nếu chờ lâu thì bấm cửa nhiều lần vào, sợ thằng con đóng kín cửa phòng không nghe tiếng chuông. Chị còn nói rằng, hôm nay cháu bận nên phải đi ngay bây giờ, chứ không thì đã đưa ông về nhà.

Lúc này, tôi mới biết người phụ nữ ấy không phải ở cùng nhà. Chỉ là người đưa ông cụ đi khám bệnh. Tôi nhói lòng khi nhìn dáng vẻ chậm chạp của ông cụ, từng bước đi lẫm chẫm, chênh chao như một đứa trẻ, chỉ khác là, “đứa trẻ” này đầy những lo lắng cho quãng đường một mình từ bệnh viện về nhà.

Có bao nhiêu ông bố, bà mẹ phải đến bệnh viện một mình? Ừ thì bệnh của người già thôi mà, đau nhức mình mẩy, xương khớp khi trở trời là chuyện bình thường. Có quan trọng gì đâu phải nhờ vả đến con cái, chúng nó mỗi đứa mỗi việc… Ở bệnh viện này, không ít hình ảnh tương tự. Nhìn họ, tôi lại nhớ đến cha mẹ quá cố của mình.

60, 70, hay 80 tuổi thì cha mẹ mình rời đi, chẳng ai có thể biết trước được. Vậy nên, nỗi ân hận dường như là một sự trừng phạt của cuộc đời mà ít nhiều gì những người con sẽ trải qua. Nỗi ân hận đó, đến ít hay nhiều phụ thuộc vào việc mình đã toàn tâm ý với cha mẹ lúc còn sống hay chưa? Phải trải qua vài lần mất mát người thân, tôi mới nhận ra khi chúng ta sống hết lòng với nhau, thì khi người thân mất đi, ta đón nhận điều đó nhẹ nhàng hơn, bởi vì mỗi người đều thấm nhuần quy luật tự nhiên của kiếp người: sinh - lão - bệnh - tử.

Mỗi lần mất đi một người thân, tự bản thân mỗi người biết cách trân trọng những tình thân, mối quan hệ chung quanh hơn nữa. Để nhận ra rằng, sẽ chẳng có điều gì quan trọng hơn việc được ở bên cạnh những người mình thân yêu lâu hơn, nhiều hơn. Mới thấy bỏ một buổi đi làm để đưa cha mẹ đến bệnh viện, có đáng gì đâu? Có khi chỉ là cuộc hẹn cà phê, mà chút lười biếng của bản thân để mình buông ra hai từ “con bận”, hoặc cũng có khi thấy điều đó chưa cần thiết, cha mẹ có thể tự đến bệnh viện một mình…

Có một nơi khám bệnh mà tôi từng đến, thật kỳ lạ khi đọc nội quy: chỉ nhận bệnh nhân khi có con, cháu theo cùng. Đó là nơi hồi phục dành cho những bệnh nhân tai biến. Nếu người đi theo chăm sóc không phải người nhà của bệnh nhân thì họ từ chối không nhận bệnh nhân. Tôi đem thắc mắc của mình đi hỏi thì được trả lời rằng, hơi ấm tình thân chính là liều thuốc vực dậy tinh thần của bệnh nhân, chứ không đơn thuần là thuốc thang… Ở hoàn cảnh đó mà con, cháu còn viện cớ bận rộn thì bao giờ mới dành thời gian để phụng dưỡng ông bà, cha mẹ mình?

Tôi nghĩ mãi về bảng nội quy ấy và tin rằng đó không chỉ giúp hồi phục tinh thần cho bệnh nhân, mà còn mang lại sự thanh thản cho những người con, người cháu suốt chặng đường còn lại của họ.

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.
PK Đa Khoa Quốc Tế Cộng Đồng Bà Triệu Bệnh viện Emcas khám ung thư miễn phíĐơn vị cung cấp Bệnh Viện Tốt - Nâng Tầm Chăm Sóc uy tín