Thống kê mới nhất cho thấy, tính đến đầu năm 2023, dân số Đà Nẵng đã bước qua mốc 1,2 triệu người. Trung bình mỗi năm ở thành phố đáng sống này dân số tăng thêm gần 25.000 người - tương đương một phường có dân số thuộc loại đông nhất, nhì của thành phố.
Trong số này, dân số tăng cơ học - tức người từ các địa phương khác di cư đến - chiếm hơn một nửa với khoảng 10.000 đến 15.000 người mỗi năm. Ngoại trừ Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai thành phố lớn nhất cả nước, nếu so với các địa phương khác, đặc biệt so với các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung - nơi vốn có điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội khá tương đồng - thì việc Đà Nẵng thu hút số dân từ nhiều nơi đến sinh sống đông như vậy có thể xem là một hiện tượng đáng suy ngẫm.
Đà Nẵng thu hút đông người dân từ nhiều nơi đến sinh sống không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn mà còn ở lòng hiếu khách, sự thân thiện của con người. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ |
Giải thích hiện tượng này, nhiều người cho rằng, chính nội hàm của danh xưng “thành phố đáng sống” đã nói lên tất cả! Điều này là hoàn có cơ sở khi từ thế núi hình sông, vị trí địa lý cho đến tầm nhìn, kế hoạch xây dựng, chính sách của thành phố đều hướng đến việc không chỉ xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường mà còn chú trọng đến việc nâng cao đời sống cho mọi tầng lớp nhân dân. Thành phố hướng đến một cộng đồng năng nổ, tích cực trong lao động, đột phá trong nghiên cứu, sáng tạo, đồng thời luôn quan tâm các chính sách an sinh xã hội.
Câu chuyện này không chỉ diễn ra những năm gần đây, khi thành phố ngày càng trở nên văn minh, hiện đại như hiện nay mà ngay từ những năm tháng chiến tranh, những năm đầu sau giải phóng, dù trong gian khó Đà Nẵng đã là mảnh đất có sức hút và níu giữ chân người. Còn nhớ những năm đầu sau giải phóng, cũng như nhiều nơi trên cả nước, Đà Nẵng cũng có khu kinh tế mới ở Hòa Sơn, Hòa Vang với nhiều người từ các địa phương trên cả nước chọn đến lập nghiệp.
Trong bối cảnh nhiều khu kinh tế mới không phát triển như mong đợi, người dân chọn cách trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, thì ở Hòa Sơn gần như ngược lại. Cuộc sống lúc đó vẫn vô vàn khó khăn nhưng người dân từ khắp nơi, khi đến mảnh đất này đều muốn gắn bó cuộc sống lâu dài. Tất cả chỉ bởi một điều giản đơn: chân chất tình làng nghĩa xóm, tình cảm giữa người di cư và người bản địa luôn gắn kết, ấm áp. Và cho đến hôm nay, nhiều thế hệ đã sinh ra, lớn lên, gắn bó với thành phố như quê hương của mình.
Với những ai lần đầu tiếp xúc, nghe người Đà Nẵng nói chuyện “ăn cục, nói hòn”, có thể sẽ có chút không vừa lòng. Ấy vậy mà khi tiếp xúc đủ lâu và đặc biệt là khi trở thành hàng xóm của nhau thì mới thấy ẩn đằng sau cái “ăn cục, nói hòn” kia là nhiều điều thật thà thú vị. Đó là những con người khảng khái, cương trực nhưng lại cực kỳ tình cảm, nhất là trong hoạn nạn, khó khăn thì luôn chìa tay ra san sẻ hết mình.
Điều thú vị là dù người dân vùng miền nào, khi ở Đà Nẵng đủ lâu thì đều bị “đồng hóa”, để rồi có cách sống, ứng xử luôn ấm áp lòng người như người Đà Nẵng gốc vậy. Để rồi hình thành nên một cộng đồng dân cư có chung cách sống, ứng xử chân thành và nghĩa tình. Chính điều này mà rất nhiều du khách khi đến tham quan, du lịch, học tập ở Đà Nẵng đã thốt lên: “Đà Nẵng là nơi người buôn bán “không biết” chặt chém”; du khách cần hỏi đường, nếu giọng “ăn cục, nói hòn” khiến người nơi khác không hiểu, thì người dân sẵn sàng dắt đi đến tận nơi. Thậm chí cả việc cho người lạ sử dụng nhà vệ sinh nhà mình thì ở Đà Nẵng người dân sẽ cười thoải mái “cứ tự nhiên như ở nhà”...
Tính cách đồng cảm chia sẻ đó đã ươm mầm cho Đà Nẵng có những cách làm “không giống ai” như phủ sóng wifi ở trung tâm, nơi đông người tụ tập, khu nhà trọ công nhân; xây dựng cả bệnh viện chữa bệnh ung thư miễn phí cho người nghèo; hay những mô hình đầy tính nhân văn như CLB chăm sóc những mẹ hoang thai, xây dựng trung tâm nuôi dưỡng người vô gia cư...
Bên cạnh những phẩm chất mộc mạc, chân thành và cởi mở đó, Đà Nẵng cũng là mảnh đất nặng nghĩa tình với những người từ mọi miền Tổ quốc đã sống, chiến đấu và ngã xuống trên quê hương mình... Có lẽ vì thế mà có những câu chuyện cảm động về thân nhân gia đình liệt sĩ từ các địa phương khác, khi tìm đến mộ anh hùng, liệt sĩ được an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố họ đã quyết định không di dời hài cốt người thân về quê nữa. Vì họ đã nhìn thấy tấm lòng của chính quyền và nhân dân thành phố dành cho người thân thật nặng ân tình. Nơi thành phố đáng sống này người thân của họ đang yên nghỉ trên nghĩa trang liệt sĩ trang nghiêm, được chăm sóc cẩn thận và chu đáo bởi chính quyền và nhân dân thành phố.
Những nhà đầu tư nước ngoài đang làm việc tại Đà Nẵng cũng bật mí lý do vì sao chọn Đà Nẵng. Đó là, bên cạnh hạ tầng giao thông thuận lợi, thành phố có nhiều chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực dồi dào... nhà đầu tư còn ấn tượng đặc biệt về con người nơi đây. Họ là những người ham học hỏi, thông minh, cần cù chịu khó và đặc biệt trọng nghĩa tình. Đây là những điều mà nhiều nơi khác, nhà đầu tư không dễ tìm kiếm được.
Theo quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013, sẽ “... Xây dựng phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững...”, rõ ràng trong thời gian đến thành phố cần nỗ lực nhiều hơn nữa để biến những mục tiêu quy hoạch trở thành hiện thực. Song song đó, Đà Nẵng cũng cần có chính sách nuôi dưỡng những đức tính tốt đẹp của người dân thành phố, để biến Đà Nẵng không chỉ là mảnh đất lành chim đậu, mà còn hơn nữa là làm sao có nhiều người có năng lực trình độ cao, khát khao cống hiến chọn mảnh đất này để “làm tổ” chứ không chỉ là nơi dừng chân để bay đi.