Bảo đảm trật tự vỉa hè luôn là câu chuyện không mới nhưng không dễ xử lý rạch ròi hay cấm đoán do liên quan đến an sinh xã hội. Thực tế cho thấy, để “đường thông hè thoáng” cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, sự sâu sát khi ban hành các quy định xử lý cũng như ứng xử khéo léo, hợp tình, hợp lý. Bên cạnh đó là ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức khi sử dụng và quản lý khu vực này.
Khu vực đậu đỗ xe trên vỉa hè được ngành chức năng cho phép tại phường Phước Ninh, quận Hải Châu. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Giữ cái riêng - chung
6 giờ sáng, khu vực mặt tiền của gia đình bà Kim Anh (57 tuổi, ở số 789 đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà) đã vang lên tiếng “phập, phập” từ chiếc dao chặt mía - công việc gia đình bà duy trì suốt hơn 40 năm qua. Kinh doanh tại nhà, không mất tiền thuê mặt bằng nên nguồn thu nhập này đủ để nuôi sống cả gia đình. Bà Kim Anh cho biết, ý thức được vỉa hè là không gian công cộng nên trong thời gian sử dụng, gia đình bà chỉ lấn ra một phần diện tích nhỏ cũng như ý thức dọn dẹp, thu vén giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, nhường đường cho người đi bộ.
Cách đó quãng không xa, cũng trên tuyến đường Ngô Quyền, gia đình ông Nguyễn Văn Sáng (45 tuổi) thuê lại khu đất, phía trước bãi giữ ô-tô An Nhơn để kinh doanh nước giải khát. Để bảo đảm trật tự vỉa hè, ông Sáng cam kết với ngành chức năng quận Sơn Trà luôn giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như nhắc nhở khách đến uống nước phải đậu, đỗ xe đúng nơi quy định, không được lấn chiếm phần vỉa hè dành cho người đi bộ. “Ngày nào lực lượng quy tắc đô thị cũng đến nhắc nhở, kiểm tra nên chúng tôi không dám lơ là, luôn chấp hành nghiêm quy định để giữ trật tự mỹ quan chung”, ông Sáng cho hay.
Qua khảo sát, hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều có tình trạng người dân, cá nhân, tổ chức sử dụng vỉa hè, lòng, lề đường ở nhiều tuyến đường lớn, nhỏ. Tại chợ Hàn, để hướng dẫn người dân đậu, đỗ xe đúng nơi quy định, tránh tình trạng gây mất trật tự trước mặt tiền dẫn vào chợ, ngành chức năng kẻ vạch phân chia từng ô để hướng dẫn người dân đậu, đỗ xe đúng nơi quy định. Hằng ngày, đội quy tắc đô thị quận đi kiểm tra, nhắc nhở trường hợp vi phạm...
Việc lấn chiếm vỉa hè, thậm chí lòng đường là điều không chỉ dừng lại ở một bộ phận người dân, mà hiện nay, không ít các cơ quan, tổ chức cũng sử dụng phần diện tích này, chủ yếu để cho khách đậu đỗ xe khi đến liên hệ công việc. Bà Thái Thị Thu Hằng (30 tuổi, quận Thanh Khê) bày tỏ bức xúc vì mỗi lần đến liên hệ công việc tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng (đường Lê Lợi) đều phải loay hoay tìm điểm đậu ô-tô.
Để tăng cường và xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường, bảo đảm trật tự tại những khu vực này, đồng thời, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh, mua bán, thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã ban hành nhiều giải pháp. Đây cũng là một trong những nội dung được đề cập đến tại Chỉ thị 43-CT/TU ngày 25-12-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị. Mới đây nhất, UBND thành phố ban hành Quyết định số 8/2023/QĐ-UBND ngày 23-2-2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 55/2014/QĐ-UBND quy định về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố.
Ông Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội Quản lý quy tắc đô thị quận Hải Châu cho biết, thời gian qua, Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận phối hợp Công an quận và Công an 13 phường nhằm bảo đảm trật tự tại các khu vực thường tập trung đông người, khách tham quan... Đồng thời, xử lý nghiêm tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch, đánh giày, bán sách báo dạo tại các điểm tham quan, mua sắm gây mất mỹ quan đô thị.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người dân, cá nhân, tổ chức khi trưng dụng vỉa hè, lề đường đều phải ký cam kết với cơ quan quản lý trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cũng như trả về nguyên trạng sau thời gian sử dụng; trường hợp chây ì, cố tình vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Đối với vai trò của chủ hộ cho thuê mặt bằng, Phòng Quản lý đô thị quận Hải Châu cho biết, thực tế hiện nay, các chủ hộ cho thuê mặt bằng đa số không sinh sống tại địa chỉ cho thuê. Do đó, trách nhiệm các chủ hộ cho thuê mặt bằng trong việc cùng quản lý, bảo đảm trật tự của vỉa hè là rất hạn chế. UBND quận, UBND các phường đã triển khai nhiều biện pháp nhưng pháp luật chưa quy định nên không thể gắn trách nhiệm của các chủ hộ cho thuê mặt bằng với việc cùng quản lý, bảo đảm trật tự vỉa hè.
Tại quận Sơn Trà, ngay từ đầu năm, UBND quận tổ chức ra quân xử lý trật tự đô thị, trật tự vỉa hè, bán hàng rong, lang thang xin ăn biến tướng trên địa bàn năm 2023. Bên cạnh đó, ký cam kết với các hộ dân đang buôn bán trên vỉa hè trước nhà, thường xuyên tuyên truyền, vận động người thuê mặt bằng chấp hành bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.
Không để xảy ra điểm nóng
Từ thực tế công tác quản lý, xử lý các hành vi, vụ việc liên quan đến trật tự vỉa hè, lòng lề đường thời gian qua cho thấy, cần có thái độ ứng xử ôn hòa, khéo léo, vừa cương quyết nhưng vẫn phải bảo đảm hợp tình hợp lý. Đặc biệt, không để phát sinh điểm nóng.
Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, hiện nay, trên địa bàn vẫn còn một số điểm nóng về trật tự đô thị, đa phần là do tình trạng để xe máy, xe đạp không ngăn nắp trật tự, bảng hiệu, bảng quảng cáo lấn chiếm vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị và buôn bán nhỏ lẻ trên vỉa hè.
Xác định là địa bàn trọng tâm về du lịch nên công tác bảo đảm trật tự vỉa hè luôn được Quận ủy, UBND quận thường xuyên chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Ông Hoàng Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, UBND quận chỉ đạo lực lượng chức năng của quận và UBND các phường bố trí lực lượng duy trì xử lý trật tự vỉa hè hằng ngày. Phương châm của quận là xử lý đến đâu dứt điểm đến đó và triển khai công tác kiểm tra, quản lý không để phát sinh, tái diễn việc lấn chiếm vỉa hè. Nhìn chung công tác triển khai ra quân của các cơ quan có tính đồng bộ, quyết liệt trong xử lý đúng như nội dung trọng tâm của kế hoạch, qua đó thấy rõ vỉa hè đô thị các tuyến đường chính trên địa bàn đã thông thoáng.
Bên cạnh việc xử lý vi phạm, UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo UBND các phường thực hiện các chính sách hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người dân chuyển đổi ngành nghề, phương thức buôn bán sau khi thực hiện tốt việc không buôn bán trên vỉa hè, đồng thời tổ chức việc rà soát, thống kê các điểm nóng về trật tự vỉa hè trên địa bàn để có các giải pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế.
Trên cơ sở Quyết định số 8/2023/QĐ-UBND ngày 23-2-2023 của UBND thành phố, hiện UBND các quận, huyện chủ động tuyên truyền nội dung quyết định đến từng hộ gia đình, khu dân cư. Đồng thời, chỉ đạo UBND các phường, xã rà soát và xác định các đối tượng kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, hộ không có mặt bằng cố định tại các tuyến đường nhằm phân loại, sắp xếp bố trí kinh doanh buôn bán tại các tuyến đường không trọng điểm, không cấm để giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
Chỉ đạo các phòng chuyên môn chuyển giao, hỗ trợ, hướng dẫn UBND các phường, xã về chuyên môn, nghiệp vụ, các quy định về trình tự, thủ tục cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông thuộc thẩm quyền của UBND các phường, xã bảo đảm công tác cấp phép được thuận lợi, nhanh chóng, không ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đề nghị cấp phép. Tổ chức công khai, thông báo việc thay đổi cơ quan cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên website và tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND các phường, xã.
Chủ trì, phối hợp các phòng, đơn vị liên quan thuộc UBND các quận, huyện kiểm tra, theo dõi trong quá trình sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông của các tổ chức, cá nhân được cấp phép bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; kịp thời xử lý các trường hợp sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông không đúng giấy phép, không bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự.
Nhờ làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán trên các tuyến đường chuyển biến tích cực, bảo đảm có lối dành cho người đi bộ, du khách, bảo đảm mỹ quan đô thị, môi trường du lịch trên địa bàn quận, tạo hình ảnh đẹp trong mắt du khách trong và ngoài nước.
KHÁNH HÒA