* Trên đường từ xã Tiên Cảnh lên xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, có một ngọn đèo nhỏ mang tên đèo Liêu. Đèo này có phải là địa danh được cụ Trần Quý Cáp nói đến trong câu thơ “Gập ghềnh chân bước Răm, Ri, Liêu”? Răm và Ri ở đây là cũng là tên những ngọn đèo? (Nguyễn Ngọc Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Đoạn đường dốc quanh co dài 1,5km trên đèo Liêu. Ảnh: V.T.L |
- Câu thơ đầy đủ là “Lúc lắc đò qua Tý, Sé, Kẽm/ Gập ghềnh chân bước Răm, Ri, Liêu”.
Theo Wikipedia, đèo Liêu là đèo trên đường tỉnh 616 ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Đèo Liêu ở vùng giáp ranh giữa xã Tiên Cảnh và Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước. Đỉnh đèo cách trụ sở xã Tiên Hiệp khoảng 2,5km hướng đông bắc, và cách thôn 1 xã Tiên Cảnh khoảng 1km. Tại chân đèo phía đông bắc có suối Đèo Liêu. Suối này hợp lưu với suối Đá Vách đổ vào sông Tiên trong hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.
“Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng” (Thạch Phương, Nguyễn Đình An, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010) cho biết đèo Liêu dài hơn 3km, làm ranh giới tự nhiên giữa xã Tiên Cảnh (phía đông) và xã Tiên Hiệp (phía tây), thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Đèo nằm trên tỉnh lộ 616 (Tiên Phước - Trà My).
PGS.TS Bùi Trọng Ngoãn (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) trong bài viết “Tý, Sé, Kẽm và một số địa danh ở huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam” đăng trên tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống số 6b (327)-2022, cho biết có khá nhiều ý kiến xác nhận Liêu cùng với Râm/Răm, Ri, Tý, Sé, Kẽm, Liêu là địa danh tiếng Chăm.
Theo sự tìm kiếm của tác giả, từ nguyên của đèo Liêu là từ tiếng Chăm: “Lir: tối, tối tăm” [Bùi Khánh Thế, 1995, Từ điển Chăm - Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội tr.669]. Âm tiết này gần như là /liê/ vì vậy đọc thuận theo âm Việt sẽ là: /lieu/ liêu.
Trong câu đối đã nêu ở trên, thì ở vế thứ hai, có bản chép “Râm”, có bản chép “Răm”. Theo tác giả bài đã dẫn, cả hai đối tượng được từ “râm” và từ “răm” biểu thị đều là địa bàn núi non hiểm trở, cây cối rậm rạp. Vì thế, tác giả tin rằng Râm/ Răm đều là từ tiếng Chăm, có nghĩa là rừng rậm.
Về địa danh “Ri”, theo tác giả, chỉ tồn tại trong câu thơ nói trên. Bên cạnh điều tra điền dã, tác giả đã kỳ công tham vấn các bậc thức giả người Quảng, nhưng chưa thể xác định địa danh Ri biểu thị vùng đất nào. Tuy nhiên từ tính chất đối xứng của hai câu thơ mà có thể xác định Ri gắn liền với lộ trình đường bộ. (Hai vế đối nhau qua hai hoàn cảnh, hai cách thức đi lại: “Lúc lắc đò qua” hàm nghĩa người nói đi lại bằng thuyền, môi trường sông nước và “gập ghênh chân bước” là tình cảnh đi lại bằng đường bộ). Vì thế, theo tác giả, âm tiết “Ri” có thể là từ tiếng Chăm “ru”: thác, thác nước. Trong cả hai từ điển Chàm-Việt-Pháp, Chăm-Việt, âm vị “u” đều có dấu ngắn, nên đọc gần như là “ri”.
Không xác định được đối tượng cụ thể của từ “Ri” nên có thể nó là một danh từ chung. Nhưng khi xuất hiện trong câu thơ nói trên, vì tính đối xứng và vì xuất hiện bên cạnh Râm/Răm, Liêu mà nó tồn tại như một danh từ riêng.
Nói thêm, một số tác giả cho rằng câu thơ “Lúc lắc đò qua Tý, Sé, Kẽm/ Gập ghềnh chân bước Răm, Ri, Liêu” là của chí sĩ Trần Quý Cáp. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác cho đó là của Hoàng Trung, một nhân sĩ người Phú Yên, chẳng hạn như tác giả Lâm Quang Thự trong cuốn “Quảng Nam - Địa lý, Lịch sử, Nhân vật” (Ban liên lạc đồng hương tỉnh Quảng Nam và Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa xuất bản, 1974, tr.19).
ĐNCT