Đấu giá bộ sưu tập sách quý thời Phục hưng

.

Bắt đầu sưu tập sách tại Paris vào năm 1959, tới nay học giả, nhà sưu tầm người Mỹ T. Kimball Brooker đã tích lũy được hơn 1.300 cuốn sách cổ có từ thế kỷ XVI. Mùa thu năm nay, bộ sách này sẽ được bán đấu giá trực tiếp tại nhà Sotheby’s, dự kiến có thể thu về 25 triệu USD.

Một trang trong bản thảo cuốn sách Treatise on Painting của danh họa thời Phục hưng Leonardo da Vinci. Ảnh: Sotheby’s / Artnet
Một trang trong bản thảo cuốn sách Treatise on Painting của danh họa thời Phục hưng Leonardo da Vinci. Ảnh: Sotheby’s / Artnet

Trong hơn 60 năm qua, nhà sưu tập sách T. Kimball Brooker đã say sưa với thú sưu tầm sách hiếm, sách xưa. Bộ sưu tập của ông gồm hơn 1.300 cuốn viết bằng tiếng Pháp và tiếng Ý có từ thế kỷ XVI. Nhưng tới lúc này ông quyết định sẽ chia tay với kho báu đó.

Quay ngược thời gian

Thông báo trên trang web của nhà đấu giá Sotheby’s New York cho biết, vào ngày 11 và 12 tháng 10 năm nay, họ sẽ mở loạt sự kiện chưa từng có tiền lệ với 8 cuộc đấu giá để chào mừng việc một trong những thư viện sách hiếm quan trọng và toàn diện nhất lần đầu tiên tham gia đấu giá. Giá bán ước tính từng cuốn sẽ dao động trong khoảng từ 200 USD đến 600.000 USD.

Các cuốn sách vẫn còn giữ nguyên bìa ban đầu và điều này sẽ giúp các học giả cũng như những người sưu tầm có được cảm giác rõ ràng hơn về việc “cuốn sách đó đã được xem vào thời ấy như thế nào, cách nó được dùng và ai đang đọc nó”, như phân tích của bà Charlotte Miller, chuyên gia về sách và bản thảo gốc của nhà đấu giá Sotheby’s trong video do đơn vị này cung cấp trên trang web. Những chi tiết này rất quan trọng và đáng chú ý “bởi các cuốn sách không phải là những vật chỉ nằm yên đó. Chúng ở đó để được sử dụng, chúng ở đó là để được đọc”, bà Charlotte Miller nói.

Theo thông tin từ Sotheby’s, năm 1959 ông Brooker tới Paris để theo học tại Đại học Sorbonne. Trong thời gian học, ông vớ được một cuốn sách in những bài diễn văn của Marcus Tullius Cicero (NS 106 trước Công nguyên và mất năm 43 trước Công nguyên, là một triết gia, nhà hùng biện, chính khách, nhà lý luận chính trị La Mã rất nổi tiếng) có bìa sách bằng da bê. Ông Brooker bỏ ra 10 USD để mua sách vì tin rồi nó sẽ trở nên có giá trị.

Sau đó ông Brooker biết thêm, vì sách không có những thông tin đi kèm như lịch sử sở hữu hay địa danh xuất xứ ban đầu nên về cơ bản, quyển sách vô giá trị. Nhưng ông không nản lòng, kể từ sau khi sở hữu được cuốn sách đó, tình yêu với việc sưu tập sách có từ thời Phục hưng lớn dần trong ông.

Trong khi đó trên trang Artnet, tác giả Lee Carter lại cho rằng bộ sưu tập của ông Brooker “nằm ở điểm mấu chốt về nghệ thuật, kiến trúc và tri thức ở thời Phục hưng, và được coi là bộ sưu tập tốt nhất ở dạng này còn tồn tại bên ngoài châu Âu”.

Những gì sẽ được đấu giá?

Một trong những cuốn sách sẽ đấu giá rất được dư luận quan tâm là một bản thảo sớm của cuốn Treatise on Painting (Luận thuyết về hội họa) của Leonardo da Vinci với 56 hình minh họa bằng mực viết rải rác trong 375 chương sách. Giới trong ngành nhận định bản thảo này có thể thu được 120.000-180.000 USD.

Sau khi Leonardo da Vinci tạ thế năm 1519, người bạn thân thiết trong rất nhiều năm của ông là Francesco Melzi đã tập hợp các bản thảo viết tay của da Vinci, đánh dấu những đoạn viết có liên quan tới bức vẽ rồi sao chép một cách cẩn trọng lại thành một cuốn sách chép tay hiện đang thuộc sở hữu của Thư viện Vatican. Bản thảo cuốn sách sẽ được đấu giá tới đây tại nhà Sotheby’s là bản đã được lược gọn hơn so với cuốn ở Thư viện Vatican và được làm ra trong giai đoạn 1638-1641 tại nơi làm việc của học giả người Ý Cassiano dal Pozzo.

Ngoài ra thư viện của ông Brooker còn có khoảng 1.000 cuốn sách do Aldine Press, một nhà xuất bản nổi tiếng bắt đầu hoạt động từ năm 1494 in. Số sách này cho thấy một diện mạo đồ sộ của văn chương Hy Lạp và Latin cũng như các tác phẩm lịch sử, triết học và khoa học. Những cuốn sách được xuất bản trong giai đoạn từ những năm 1490 đến những năm 1590 này dự kiến sẽ thu về khoảng 10 triệu USD.
Được ông Aldus Manutius, một thợ in lập ra, Aldine Press là một trong những nhà xuất bản quan trọng nhất của thời Phục hưng. Người ta tin rằng, chính Aldine đã làm nên cuộc cách mạng trong công nghệ in sách. Ông Manutius là người đã thiết kế ra kiểu chữ in nghiêng được cho là dễ đọc hơn so với các kiểu chữ in thẳng. Ông cũng là người đã đưa ra kích thước khổ sách nhỏ hơn, dễ mang theo hơn và trở thành tiền đề cho khổ sách như chúng ta thấy hiện nay.

Thú vui sưu tầm sách
Trong chia sẻ với mọi người ở thông cáo về sự kiện đấu giá, nhà sưu tập sách Brooker cho rằng, với ông việc sưu tập sách đã là “một nguồn vui thích và sung sướng lâu dài”. Khi báo Times hỏi ông thích cuốn nào nhất trong bộ sưu tập của mình, ông bảo mình không thể chọn. “Câu hỏi này cũng giống như hỏi tôi là trong số ba đứa con mình, tôi yêu đứa nào nhất vậy. Tôi thực sự không thể trả lời”, ông nói.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Smithsonian Magazine)

;
;
.
.
.
.
.