Hương chùm rượu theo về…

.

Một ngày cuối hè, lang thang trên vùng rừng Tiên Phước, Quảng Nam, tôi bất ngờ bắt gặp những trái chùm rượu chín hồng thấp thoáng sau vòm lá. Một trời ký ức tuổi thơ ùa về theo…

Ảnh: A.Q
Ảnh: A.Q

Nhớ những ngày thơ, khi tia nắng gắt của mùa hạ dịu dần để chuyển sang mùa thu, lũ trẻ chúng tôi “vét” những ngày nghỉ hè, tung vào cuộc rong chơi cùng thiên nhiên hoang dã. Những ngọn đồi lúp xúp, những ngọn núi thấp hay những bãi nà, thổ ven sông, suối đầy sim, mua, chà là, dủ dẻ, cò ke, trâm móc, vú bò, cốc, thị, bứa…, tầng tầng lớp lớp loại cây ăn trái mà thiên nhiên hào phóng ban tặng. Sau mùa xuân hoa đua nở rộn ràng khoe sắc, đến đầu hè kết trái và cuối hè chớm thu là trái chín, đủ sắc màu. Đám trẻ từng nhóm chia nhau đi “săn” trái. Có những thứ chín cây ăn ngay như sim, dủ dẻ với mùi hương thơm ngát của nắng gió và vị ngọt đậm từ đầu lưỡi. Có thứ ủ cho chín để dậy mùi hương như chà là, trâm móc, thị. Có thứ như chùm rượu, cần phải qua “chế biến” để ngon hơn.

Cách biến những trái chùm rượu ửng hồng thành món ăn cũng thật diệu kỳ, được lớp trước bày cho lớp sau. Chùm rượu được bóc cùi, bỏ hạt, rồi lấy cật tre vót mỏng làm dao, xắt bằm thật nhuyễn; sau đó chọn lá cò ke lớn nhất, lành nhất gói lại, tước vỏ cây cò ke làm sợi, cột thành những cục vuông như nem. Để chừng nửa buổi, chất men nồng trong nước chùm rượu tiết ra, làm chín thành “cơm”. Cả lũ xúm lại, lấy dao cắt những miếng “cơm nguội” có màu hồng đậm, chia từng lát  cùng nhau thưởng thức. Cơm đùm cơm nắm trong mo cau, bẹ chuối, trong cà mèn hay giỏ tre… để ăn qua trưa trong những buổi chăn bò, bỗng trở nên thừa thãi bởi món nem chùm rượu đậm đà hương vị tuổi thơ ấy.

Ký ức của hầu hết chúng tôi, trải qua những vùng trung du, bán sơn địa… đều được đắm mình trong mùi hương cây trái núi rừng. Bởi ngày tháng đó, những món quà thiên nhiên ban tặng không chỉ đem lại hương sắc mà còn nuôi sống mỗi người; từ đó con người gần gũi, gắn bó mật thiết, son sắt, mặn nồng với thiên nhiên. Đó là từ những chùm dủ dẻ vàng ươm lấp ló trong bụi rậm, những trái sim mọng đỏ sẫm ngợp ngang tầm mắt, những chùm chà là an nhiên chín dưới sự bảo bọc của đám lá gai nhọn… đến những trái vú bò, thị, bứa, trâm… lấy đi nhiều công sức của mấy bạn nhỏ giỏi leo trèo.

Những cây trái cứ lớn theo mùa, ra hoa kết quả và chín mọng, đem lại niềm háo hức chờ đợi cho con người. Và thiên nhiên ấy, cũng được con người bảo bọc, trân trọng bằng những câu chuyện kể, những lời dặn dò truyền từ đời nay sang đời khác. Những câu chuyện bí ẩn, ma mị truyền tụng chung quanh bóng cây cao, có cành giòn dễ gãy như thị, vú bò, cốc, bứa… không chỉ làm cho lũ trẻ mà cả người lớn cũng kiêng dè, không dám đốn hoặc leo trèo phá phách khi đến mùa cho trái chín. Nên cây cứ thế mặc nhiên mà xanh mà lớn mà cho hoa trái quanh năm, trong vòng tay của con người.

Rồi lớp trẻ lớn lên, lại truyền cho đàn em đi sau những kinh nghiệm về cây trái. Như “ăn cốc cộc tay, ăn bứa nằm ngay cổ cò”. Để chạm đến cái nhân bên trong trắng tinh, giòn giòn, bùi bùi, phải lấy hòn đá hoặc cái búa đập trái cốc ra, làm không khéo coi chừng đập vào tay tứa máu. Trái bứa - giống trái măng cụt, nhưng chín thì vỏ màu vàng, hơi chua; bóc múi ra ăn không cẩn thận thì hột bứa tụt vào trong, mắc cổ nằm thẳng đơ, không thở nổi… Vậy đó, những câu chuyện về cây trái thiên nhiên, đi suốt tuổi thơ gian khó nhưng ngọt ngào kỷ niệm của chúng tôi.

Bây giờ, trở về vùng kỷ niệm ấy, một nỗi nuối tiếc dâng lên ngập tràn. Cũng đồi núi ấy, cũng bãi nà thổ ven sông ven suối ấy, nhưng giờ trơ trọi đất đỏ hay ngập bóng keo lá tràm - một thứ cây hủy hoại đất mẹ thiên nhiên nhanh nhất, tàn khốc nhất. Không còn kiêng dè những câu chuyện ma mị, bí ẩn chung quanh “cây thần”, “cây ma”; không còn thương tiếc những đồi sim hoa tím đầy thơ mộng; không còn vương hương chùm rượu ngây ngất men nồng…, con người vung tay phá tan đồi núi rừng cây, vì cuộc mưu sinh ngày càng khốc liệt. Đất ngày càng cằn cỗi, nắng ngày càng nóng bỏng, nên những thứ cây trái hoang dại may mắn còn sót lại trong cuộc tàn phá của con người và sự cạnh tranh gay gắt của cây ngoại lai, thoi thóp thở và còi cọc đơm bông kết trái trong sự nuối tiếc tìm về của lớp nhỏ ngày xưa…

Đó không phải là sự tiếc nuối về kỷ niệm êm đẹp không còn nữa, mà tiếc nuối cho một lớp trẻ lớn lên thiếu bóng dáng của cây trái thiên nhiên ban tặng ngọt lành.

Rồi ra sao, một lớp người lớn lên thiếu vắng ký ức về Mẹ thiên nhiên?

ANH QUÂN

;
;
.
.
.
.
.