Thời gian qua, mối quan hệ thầy trò, dưới sự hỗ trợ của khoa học công nghệ trở nên cởi mở, thân thiết hơn. Không ít thầy cô tận dụng sức mạnh của internet, mạng xã hội để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, sinh động, nhiều màu sắc. Ở chiều ngược lại, học sinh có thêm cơ hội phát triển tư duy, kiến thức, kỹ năng học tập và phát triển bản thân trong thời đại công nghệ số.
Món quà tri ân học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh dành tặng thầy cô trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: T.Y |
Làm bạn với học trò
Đầu năm học lớp 7, Nguyễn Thị Phương Linh, học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) cảm thấy khá bất ngờ lẫn thú vị khi cô giáo chủ nhiệm “add” vào nhóm zalo chung có tên “Báo thủ”. Cách cô giáo đặt tên nhóm lớp hài hước theo “hot trend” mạng xã hội “báo quá báo” khiến nhiều thành viên trong lớp tỏ ra hào hứng.
Linh kể, trong nhóm zalo, cô chủ nhiệm vui vẻ trò chuyện, chia sẻ nội dung học tập lẫn giải đáp thắc mắc cho học sinh theo ngôn ngữ tuổi teen. Không ít lần, cô còn “treo thưởng” một que kem, một gói bánh hay một ly nước ép nhằm động viên học trò cố gắng trước mỗi bài kiểm tra ở lớp, ở trường.
“Nhờ cách nói chuyện hài hước của cô, em tự tin thể hiện chính kiến và trao đổi những nội dung còn vướng mắc trong quá trình học tập. Có những điều tế nhị, không tiện trao đổi trong nhóm chung, em sẽ chủ động nhắn tin riêng cho cô”, Linh vui vẻ nói.
Tương tự, trong lá thư mang thông điệp yêu thương gửi đến cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thúy Nguyệt trước mùa hiến chương năm 2023, nhóm học sinh lớp 10/18, Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) viết: “Bước vào năm học đầu tiên tại ngôi trường mới, chúng em có quá nhiều bỡ ngỡ, quá nhiều việc cần làm và cô luôn là người hướng dẫn chúng em làm thế nào để cân bằng giữa học và chơi. Cô ủng hộ chúng em tham gia hoạt động phong trào, nhưng cũng không quên nhắc nhở phải ưu tiên việc học. Những việc lớn, bé, vui, buồn của lớp đều được cô quan tâm, chăm sóc từng li từng tí, chẳng hạn như luôn hỏi “mấy đứa uống gì cô mua cho nè”, “lịch tập tuần này sao bí thư ơi, để cô ghé qua”, “có gì thắc mắc cứ thoải mái hỏi cô nha”, “trời mưa các bạn đi đường cẩn thận nhé”…
Trước tình cảm của học trò, cô giáo Thúy Nguyệt cho biết gần 10 năm sử dụng mạng xã hội facebook, zalo kết nối học trò, phục vụ công tác giảng dạy, cái được lớn nhất là tình cảm thầy trò trở nên cởi mở và thân thiết hơn. “Cô trò chúng tôi vẫn thường xuyên trò chuyện qua tin nhắn zalo. Có nhiều chuyện ngại nói trực tiếp thì qua tin nhắn cô trò sẽ hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, để có thể làm bạn với các em, người thầy cần tâm lý, công bằng, không thiên vị và không phân biệt đối xử giữa các học sinh”, chị Nguyệt chia sẻ.
Có thể nói, trong môi trường giáo dục hiện đại, tính “đối thoại” giữa thầy và trò tăng lên, đồng nghĩa với việc người dạy phải tìm được phương pháp giao tiếp với học sinh theo các tiêu chí yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, khi lượng kiến thức ngày càng tăng thì điều học sinh cần vẫn là sự quan tâm, thấu hiểu của thầy cô. Và sự quan tâm ấy đến từ việc thầy cô phải biết điều chỉnh cảm xúc, ứng xử công bằng và không tạo áp lực điểm số lên học sinh. “Chỉ có sự yêu thương, kết nối, chia sẻ, lắng nghe, đồng hành mới có thể kéo gần khoảng cách cũng như hình thành môi trường giáo dục hạnh phúc cho cả thầy và trò”, bà Thuận đúc kết.
Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số
Gần 10 năm Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình “trường học kết nối”, không gian, kiến thức đã mở rộng ra ngoài phạm vi lớp học truyền thống. Thầy Đặng Hùng Thương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (quận Cẩm Lệ) cho rằng, học sinh trong thời đại công nghệ số có đủ phương tiện và năng lực tiếp cận thông tin ngoài sách giáo khoa. Do vậy, bên cạnh công việc giảng dạy đơn thuần, người thầy còn phải dựa trên nhu cầu của học sinh để gợi mở và định hướng chắc lọc những kiến thức cần thiết.
Trước yêu cầu đổi mới trong công tác dạy và học, năm học 2023-2024, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại triển khai một số chương trình, kế hoạch giảng dạy theo hướng “xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số”.
Thầy Hùng Thương nói đây là sự thay đổi cần thiết nhằm mang lại môi trường giáo dục lành mạnh, phù hợp với yêu cầu của xã hội. Theo ông, sự phát triển của công nghệ số góp phần thay đổi phương thức học tập, mô hình học tập theo hướng phù hợp hơn với đặc thù từng cá nhân. Trong đó, công nghệ 4.0 mang lại khá nhiều lợi ích cho giới trẻ trong cung cấp kiến thức, phương thức học tập, giải trí và tăng cường tương tác xã hội nhưng cũng đem tới không ít thông tin độc hại tác động trực tiếp tới ứng xử của học trò trên mạng xã hội. Lúc này, thầy cô giáo chính là người đồng hành, giúp học sinh thiết lập những nguyên tắc ứng xử, nhìn nhận vấn đề đa chiều và có chọn lọc.
“Ở thời đại công nghệ 4.0, phương pháp dạy và học có nhiều thay đổi đã phát huy tính sáng tạo, chủ động, tích cực của học sinh. Không ít thầy cô tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, sinh động, nhiều màu sắc. Ở chiều ngược lại, học sinh có thêm cơ hội bày tỏ chính kiến, phát triển tư duy và tích cực sử dụng tài nguyên trực tuyến để mở rộng kiến thức, kỹ năng học tập và phát triển bản thân”, thầy Đặng Hùng Thương khẳng định.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong môi trường giáo dục truyền thống, người thầy đóng vai trò truyền đạt kiến thức, học sinh tiếp cận và thực hành theo thì nay người thầy còn có vai trò định hướng, dẫn dắt học sinh khai thác những thông tin có ích. Là một mentor (người hướng dẫn) của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), TS. Trần Hoàng Vũ, Trưởng khoa Điện - Điện tử, cho hay vai trò tự học của học sinh, sinh viên ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy trong thời đại công nghệ số cũng có nhiều thay đổi, như ngoài thời gian truyền đạt kiến thức trên lớp, giảng viên thường xuyên cung cấp thêm những thông tin, tài liệu liên quan qua internet. Đặc biệt, khi gặp những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hành, thầy và trò cùng phối hợp tìm kiếm phương pháp xử lý phù hợp.
Cũng theo TS. Trần Hoàng Vũ, nghiên cứu khoa học giúp người học phát huy khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp và kết nối thông tin, kiến thức nhằm mang đến những điều mới mẻ, hữu ích hơn. Đó là chưa kể, nội dung trong sách vở và kiến thức của người thầy chưa hẳn đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của sinh viên.
Để hỗ trợ tốt hơn cho sinh viên, TS. Hoàng Vũ tập trung định hướng và đặt câu hỏi để sinh viên tìm câu trả lời phù hợp với yêu cầu, mục đích đề ra. Thực hành phương pháp này, sinh viên sẽ phải chủ động học tập nghiêm túc nếu muốn được thầy cô ghi nhận. Ngược lại, những câu hỏi mang tính nghiên cứu, ứng dụng mà sinh viên đặt ra cho mentor cũng buộc giảng viên không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng giảng dạy trong thời đại mới. Lúc này, để đáp ứng, người thầy cần sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ hữu ích nhằm giúp học sinh có cơ hội thụ hưởng tối đa nền tảng kiến thức và kỹ năng trên môi trường mạng.
TIỂU YẾN