Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phương án phát triển đường thủy nội địa thành phố đã mở ra cho lĩnh vực này những triển vọng to lớn. Bài viết này chủ yếu bàn về sự kết nối thông qua việc hình thành một số tuyến vận tải hành khách thủy nội địa giữa cảng Tiên Sa và cảng sông Hàn; các tuyến vận tải hành khách từ cảng Tiên Sa đi vòng quanh bán đảo Sơn Trà, tuyến cảng Tiên Sa - khu du lịch Làng Vân - hòn Sơn Trà Con; tuyến cảng Tiên Sa - Cửa Đại - Cù Lao Chàm và các tuyến sông Cu Đê đi Hòa Bắc, Hòa Vang.
Hoạt động du lịch đường thủy nội địa ở Đà Nẵng giàu tiềm năng. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Về tuyến vận tải hành khách thủy nội địa kết nối cảng Tiên Sa và cảng sông Hàn. Đây là khu vực cuối sông đầu biển của sông Hàn và nếu đặt cảng sông Hàn với tư cách một cảng du lịch vào trong tổng thể quảng trường thành Điện Hải vừa được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư thì hoàn toàn có thể kéo dài tuyến vận tải hành khách thủy nội địa này về phía nam đến tận chân cầu Sông Hàn.
Như vậy, du khách đi tàu trên sông có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của cây cầu treo dây võng dài nhất nước ta tính tới thời điểm này là cầu Thuận Phước và cây cầu quay duy nhất vẫn còn… quay của nước ta là cầu Sông Hàn. Cũng trên tuyến này, du khách có thể tham quan hai bến cảng đang trên đường trở thành cảng du lịch là cảng Sông Hàn và cảng Tiên Sa; tham quan con đường Quai Courbet/Bạch Đằng với một số công trình kiến trúc Pháp như Bảo tàng Đà Nẵng, như Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng...
Đối với di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải ở phía tả ngạn và phế tích thành An Hải ở phía hữu ngạn, du khách đi tàu trên sông có thể tiếp nhận thông tin từ hướng dẫn viên du lịch và từ bảng tin điện tử ở mặt hướng ra sông của tòa nhà sắp được chuyển đổi công năng thành trung tâm hỗ trợ du khách…
Thứ hai, về tuyến vận tải hành khách thủy nội địa từ cảng Tiên Sa đi vòng quanh bán đảo Sơn Trà - cũng là một tuyến du lịch hấp dẫn - đưa du khách tham quan Vũng Lấm/Vũng Thùng/Vịnh Đồng Long/Vịnh Đà Nẵng rồi ra cửa biển để đi vòng về phía làng chài Thọ Quang và ngược lại… Nhìn từ vịnh Đà Nẵng, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh sườn phía bắc của bán đảo Sơn Trà, cũng như có thể hình dung qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch các căn cứ quân sự trong hệ thống phòng thủ của triều Nguyễn trên bán đảo như pháo đài Phòng Hải ở mũi Mỏ Diều gắn với nhãn quan chiến lược của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương và vua Minh Mạng, đồng thời gắn với bức ảnh đầu tiên ở Việt Nam do nhà nhiếp ảnh người Pháp Alphonse Eugène Jules Itier chụp vào ngày 12-6-1845 theo kỹ thuật Daguerréotype và đặt tên là Fort de Non-Nay…
Xin nói thêm, pháo đài Phòng Hải đã bị Liên quân Pháp - Tây Ban Nha đặt thuốc nổ phá sập hoàn toàn vào ngày 19-3-1860 trước khi rút chạy khỏi mặt trận Đà Nẵng. Và cũng chỉ từ góc nhìn trên mặt Biển Đông, du khách mới trông thấy Mũi Nghê - mỏm đá chìa ra biển xa nhất về phía đông tại bán đảo Sơn Trà - rất giống dáng một con nghê đang nằm trên mặt biển nghếch đầu hướng vào đất liền. Và cũng chỉ từ góc nhìn trên mặt Biển Đông, du khách mới trông thấy tượng Phật Quán Thế Âm chùa Linh Ứng ở Bãi Bụt nổi bật giữa trời - mây - nước.
Ngược chiều với tuyến vận tải hành khách thủy nội địa từ cảng Tiên Sa đi vòng quanh bán đảo Sơn Trà ở phía hữu ngạn vịnh Đà Nẵng là tuyến vận tải hành khách thủy nội địa ở phía tả ngạn vịnh Đà Nẵng - từ cảng Tiên Sa đến khu du lịch Làng Vân và hòn Sơn Trà Con. Cái hấp dẫn của khu du lịch Làng Vân là nơi đây từng là chốn nương thân - với cái tên đầy hy vọng Hy Lạc Viên - của nhiều bệnh nhân phong trước khi được đưa vào đất liền hòa nhập cộng đồng hồi đầu thập niên 2010.
Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ dấu tích của đồn Chơn Sảng - một căn cứ quân sự trong hệ thống phòng thủ của triều Nguyễn trên núi Hải Vân và trạm Nam Chơn - một trong Quảng Nam thất trạm, cũng là nơi đã nã đạn vào soái hạm Némésis của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha trong trận đánh tưởng chừng không cân sức vào ngày 18-11-1859. Trận đánh đã khiến quân địch phải chấp nhận rời mặt trận Đà Nẵng trong tư thế kẻ chiến bại.
Một điểm đến cũng rất quan trọng của tuyến vận tải hành khách thủy nội địa ở phía tả ngạn vịnh Đà Nẵng là hòn Sơn Trà con - nơi từng được Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận “là mốc giới phía Bắc của cửa biển Đà Nẵng”. Đây cũng là nơi được vua Minh Mạng đặt tên là Ngự Hải đảo vào năm Canh Tý 1840 nhằm nhấn mạnh vị thế phòng ngự của đảo tiền tiêu này. Để có thể theo dõi các cuộc tiến công của những thế lực thù địch từ phía biển, vua Minh Mạng cho đặt ở đảo Ngự Hải một đài phong hỏa, cử người canh gác ngày đêm, mỗi khi có biến là đốt lửa báo tin.
Trên tuyến vận tải hành khách thủy nội địa này còn có mũi Isabelle - địa danh tiếng Pháp này xuất phát từ cách quân đội Tây Ban Nha dùng tên nữ hoàng Tây Ban Nha đương triều Isabel Đệ nhị để gọi pháo đài Định Hải của chúng ta trước khi dùng mìn đánh sập pháo đài này vào sáng ngày 29-2-1860 để chuẩn bị triệt thoái khỏi mặt trận Đà Nẵng.
Thứ ba là tuyến vận tải hành khách thủy nội địa nối cảng Tiên Sa với Cửa Đại và Cù Lao Chàm. Từ cuối tháng 3-2022, Đà Nẵng đã thí điểm việc đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách thủy nội địa từ cảng sông Hàn đến đảo Lý Sơn với chiều dài 70 hải lý bằng con tàu Trưng Trắc hai thân của Phú Quốc Express có sức tải lên đến 600 hành khách. Đây cũng là kinh nghiệm quý để hình thành tuyến vận tải hành khách thủy nội địa nối cảng Tiên Sa với Cửa Đại và Cù Lao Chàm. Cái mới ở đây là kết nối cả đất liền và biển đảo của Quảng Nam, vừa với Cửa Đại vừa với Cù Lao Chàm, khác với hồi năm 2022 chỉ mới kết nối với đảo Lý Sơn chứ chưa đặt vấn đề kết nối với Sa Kỳ của Quảng Ngãi.
Việc kết nối giữa Cửa Hàn với Cửa Đại gợi nhớ một thời hưng thịnh về ngoại thương của Đàng Trong không chỉ bằng đường biển mà còn và chủ yếu bằng đường sông; còn việc kết nối bán đảo Sơn Trà với Cù Lao Chàm có thể gợi nhớ địa hình địa mạo đất Quảng thuở hồng hoang tiền sử xưa thật là xưa, khi bán đảo Sơn Trà và Cù Lao Chàm còn núi non liền một dãi trên sóng nước Biển Đông!
Cuối cùng là tuyến vận tải hành khách thủy nội địa trên sông Cu Đê nối Nam Ô ở cửa vịnh Đà Nẵng và Hòa Bắc phía thượng nguồn, với các điểm dừng chân đáng nhớ như miếu Bà hay như lăng Ông Hổ, hoặc như vườn nho Nam Yên… Đây cũng là tuyến đường sông gợi nhớ chuyến khảo sát của bác sĩ Alexandre Yersin từ thị trấn Attapeu bên Lào về cảng Tourane hồi đầu tháng 5-1894 theo yêu cầu và tài trợ của Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ. Đây cũng là cách để Đà Nẵng tạo sự cân đối về hệ thống các tuyến vận tải hành khách thủy nội địa để không quá tập trung phát triển ở khu vực trung tâm và cửa biển dẫn đến chưa coi trọng đúng mức dư địa phát triển về phía tây và phía bắc.
Quyết định số 1287/QĐ-TTg mở ra cho lĩnh vực đường thủy nội địa của thành phố bên sông Hàn một triển vọng to lớn. Vấn đề cốt lõi nhất ở đây là làm thế nào để thu hút đầu tư, nhất là đối với các tuyến liên tỉnh cần theo hướng đôi bên cùng có lợi, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngành công nghiệp không khói cho từng địa phương.
BÙI VĂN TIẾNG