Một ngày ấm áp

.

Sáng thức dậy ở Tân Bình người ta sẽ gặp cả một biển mây. Ngày xưa dòng sông nhỏ bé nằm dưới chân núi nhưng từ khi làm hồ thủy điện, nước dâng lên đến lưng chừng núi thì mây cũng sà xuống biến nơi này thành chốn tiên cảnh như trong các bộ phim thần thoại. Nhiều phượt thủ đi cả ngàn cây số đến đây bằng những chiếc xe côn chỉ để check-in với khung cảnh này.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cảnh đẹp là vậy nhưng người dân Tân Bình vẫn nghèo bởi đường đi lại khó khăn. Xe lớn, xe nhỏ lên đây dẫu vào mùa nào cũng phải chào thua từ phía bên kia đèo. Xe tay côn lốp quấn xích vào được đến đây cũng phải gằn gọc cả mấy tiếng đồng hồ. Đã thế, từ xóm này đến xóm kia thung sâu, núi cao cách trở, nhiều em học sinh tuy ở ngay trong xã nhưng phải ở nội trú vì từ trường về nhà mất cả ngày đường. Bao năm qua, các thầy cô đến rồi đi khỏi điểm trường Tân Bình cho đến khi có thầy Hoàn và cô Thoa lên đây và trụ lại được cho đến bây giờ.

Thằng Hùng với thằng Xuân:

- Hôm chủ nhật nhà tao đi bẻ ngô, đặt bẫy chuột rừng.

- Thì sao? (thằng Xuân vặn lại)

- Thì bố mẹ tao thắc mắc tại sao thầy Hoàn với cô Thoa sao không dọn về ở một phòng nhỉ?

- Mày hâm à. Là cha mẹ của chúng mình mới ở được thôi chứ thầy cô có phải vợ chồng đâu. Người lớn khó hiểu lắm. Có khi họ cùng yêu quý mình mà vẫn ăn hai mâm cơm khác nhau đấy.

Thằng Hùng nghe xong thì chỉ biết gật gật cái đầu. Khu nhà nội trú là một dãy dài, mái lợp tôn. Đầu dãy hướng Đông là phòng cô Thoa, hướng Tây là phòng thầy Hoàn, mấy phòng ở giữa là mấy chục đứa trẻ. Khi thầy, cô lên lớp thì mẹ con Hoa sẽ sang phụ nấu ở cái nhà bếp. Cô Thoa hết tiết trước thì xuống cùng mẹ của Hoa nhặt rau, thầy Hoàn dạy xong thì hò mấy đứa dọn bát, đĩa.

Nhịp sống ấy cứ lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác ấm cúng và vui vẻ như một gia đình nhưng bọn trẻ từng ngày lớn lên, quần cộc cũn cỡn, áo chật ních vai từ lúc nào.

Một sáng đến lớp, thằng Xuân lúng túng gãi gãi mái tóc vàng hoe khi được thầy Hoàn gọi lên bảng. Hằng ngày, thầy cùng chúng nó đá bóng, chơi cờ vua, cắt tóc luân phiên cho từng đứa nhưng khi vào lớp thì chẳng có ưu tiên cho ai hết. Học tập là sự công bằng. Thầy Hoàn nghiêm sắc mặt:

- Em phải làm bài tập về nhà thì mới nắm được kiến thức, không sẽ trôi tuột đi như nước suối.

Thực ra đêm qua Xuân cũng định học thuộc hết bài lịch sử nhưng cái bụng nó cứ réo như ấm đun nước không cho cái đầu nó được yên. Quái lạ thật, ngày trước ở nhà cậu còn ăn ít hơn sao không thấy đói như ở đây. Nên lúc này nó chỉ biết quay sang giật áo Hùng:

- Làm thế nào?

Hùng thì thào:

- Mày khai thật đi, không dối được thầy đâu, thầy biết hết đấy.
Thằng Xuân đưa tay hết xoa bụng đến quệt mũi thú nhận:

- Thưa thầy tại chúng em đói…

Đám con gái cười phá lên. Xuân nhìn sang gườm gườm. Bọn nó làm sao hiểu được lũ con trai vận động nhiều bao giờ cũng nhanh đói hơn chúng nó.

Nghe xong, thầy Hoàn trầm ngâm rồi ra hiệu cho Xuân ngồi xuống, tiếp tục bài giảng của mình. Hoàn nghĩ có lẽ phải thay đổi, phải làm cái gì đó để nâng cao dinh dưỡng cho bọn trẻ con, chúng lớn cả rồi.

Mưa bắt đầu lắc rắc trên mái tôn kèm theo là cái lạnh như thấm vào da thịt. Thoa đang soạn bài thấy họng ngưa ngứa liền cúi xuống lục ngăn kéo tìm cái khăn quàng màu tím. Đúng lúc ấy có tin nhắn zalo báo trên màn hình. Thoa mở ra xem là tin nhắn của nhóm giáo viên.

Gọi là nhóm chứ thực ra chỉ có Hoàn với cô cùng thầy Sáng Phó hiệu trưởng ở tận trường trung tâm. Thầy Sáng thì chẳng mấy khi vào nhóm nên chủ yếu là cô với Hoàn nhắn tin qua đây cho nó tự nhiên. Hai người bằng tuổi, đáng ra nếu ở chỗ đông vui thì đã cậu - tớ, ông - tôi thân thiện nhưng ở đây vắng vẻ đâm ra lại ngượng ngùng. Mọi khi chỉ có tin nhắn lúc sáng, lúc chiều chứ tối đến thì “lão” Hoàn này im hơi lặng tiếng. Linh cảm về ý đồ gần gũi của một người đàn ông khiến Thoa lại đặt điện thoại xuống.

Năm phút sau, lại có tin nhắn của nhóm. Lần này chính Thoa bắt đầu thấy tò mò nên mở ra xem thế nào: “Thoa ơi, tôi có ý này…”. Ý với chả tứ - Thoa nghĩ bụng thế nên nhắn lại: “Gì vậy, ngủ rồi”. Hoàn lại rào đón: “Quê Thoa ở dưới mạn Đồng Sông nhỉ?”. Đọc tin nhắn này mắt Thoa thấy lạ hơn, cô nghĩ bụng: “Lão này hôm nay ăn phải thứ gì mà bạo mồm thế. Hỏi quê với chả quán, không được, nhỡ lão tán mình thì chết dở”. Nghĩ là thế nhưng chẳng hiểu sao cái tin nhắn từ ngón tay cô vẫn được gửi đi: “Uh, có việc gì thế?”. Hoàn vào thẳng việc:

- Giờ tôi mang cái lưới sang, Thoa gỡ giúp tôi nhé. Định đi xuống bến kiếm ít cá mai nấu cho các em.

- Nửa đêm nửa hôm, ban ngày sớm sủa không nói.

- Thì tôi với Thoa dạy cả ngày làm gì có thời gian. Chúng mình chịu khó một tí. Đèn ló đã mua hai cái, sạc điện từ chiều rồi. Bãi Tân tầm này mà kéo cũng kiếm được đấy.

Hai chữ “chúng mình” khiến Thoa hơi bực. Có gì đó đường đột quá nhưng ý tưởng của lão này thì thật không xoàng chút nào. Gió sông thổi lạnh, Thoa nhón từng bước chân đi theo Hoàn. Sao hôm nay trăng sáng thế, rõ là ánh trăng huyền diệu. Dáng Hoàn phăm phăm đi trước, khác hẳn cái dáng lụ khụ của thầy giáo dạy Văn, Sử hằng ngày. Trong cô bỗng lóe lên một ánh sáng ấm áp.

Một sáng, thằng Xuân lại rỉ tai Hùng:

- Tao biết vì sao mấy bữa nay chúng mình được ăn cá rồi nhé.

Thằng Hùng đáp:

- Tao chỉ biết được ăn cá nướng, cá kho ngon lắm.

- Mày thì chỉ biết ăn, nếu muốn biết cá ở đâu thì tối nay mày phải đi theo tao.

- Được, thế tao rủ cả bọn thằng Long, cái Lụa, cái Thanh nữa nhá, không thì… sợ ma lắm.

Tối đến, cả đám rón rén đi theo thằng Xuân. Muỗi kéo đến bu lấy chúng, châm những cái còi buốt như kim vào chân vào mặt mà không đứa nào nản mà cứ thế lần theo con đường bê-tông xuống đến bến. Từ xa xa, bọn trẻ đã nhìn thấy hai ánh đèn ló lập lòe. Nhưng khi lại gần thì thấy thầy Hoàn và cô Thoa đang gỡ từng con cá nhỏ ra khỏi tấm lưới để bỏ vào cái bao tải mang theo. Bàn tay cô giáo Thoa đã lạnh cóng run run, thầy Hoàn đang thổi một đống lửa nhỏ để hai người cùng sưởi ấm. Hình như chân thầy có một vết xước bởi những hòn đá ở bến này. Bất giác không ai bảo ai, chúng đều chạy đến ôm lấy thầy, cô.

Người dân trong xã giờ lại bảo nhau: “Sao lại thế chứ nhỉ. Thương trẻ con nhà mình mà sao cứ ở hai đầu hồi. Thương nhau thì về ở đi, để một phòng còn làm cái kho đựng củi mùa đông chứ”.

Đêm trước ngày 20-11 trời trở rét. Gió ở ngoài sông thổi về mang theo giá lạnh mùa đông. Vừa hết tiết, Hoàn đã thấy một thanh niên ngơ ngác đứng ở đầu dốc:

- Anh tìm ai? - Hoàn cảnh giác.

- À, tôi tìm Thoa. Thoa có đây không ạ?

Hoàn miễn cưỡng chỉ cho anh ta chỗ lớp Thoa cũng vừa tan ra. Hai người nói chuyện có vẻ rất say sưa. Lát sau anh ta lấy từ trên chiếc xe máy xuống một chiếc hộp khá nặng bê vào phòng Thoa.

Trưa đó, trong bữa cơm thấy Hoàn chẳng nói gì làm Thoa thấy khó hiểu. Đúng lúc ấy ông Lai - phụ huynh có đến ba đứa con học ở điểm trường này - cầm một cái sọt chạy vào gõ cửa khu nội trú:

- Cô giáo ơi, có rồi, có rồi.

- Dạ, có đủ không bác.

- Úi, bà còn dưới chợ huyện biết ý tốt của cô còn bán rẻ cho ấy chứ. Để tôi bảo bà nhà tôi sang giúp cô.

Hoàn rón rén ngó sang đã thấy mấy cô học trò háo hức vây quanh cái máy khâu của Thoa. “Được đấy, không chịu thua ai bao giờ. Thấy mình lo cơm ngon là tính kế may áo cho học trò à. Được đấy”.

- Ai tặng đấy, đẹp thế - Hoàn bước vào hỏi đầy ẩn ý.

- Ai tặng. Tôi mua đấy, cả ship…

- Hóa ra là shipper (Hoàn nói xong mới thấy lỡ miệng).

Thoa quay đi tủm tỉm cười. Vừa lúc ấy thấy mẹ của Hoa, bố của Hùng và nhiều phụ huynh khác nữa đã bước vào. Vậy là 20-11 năm nay vui quá. Đang mải trôi theo dòng suy nghĩ bỗng Hoàn nghe tiếng Thoa từ phía sau:

- Đứng đó cho gió lạnh nó ngấm vào người à. Vào nhà đi giúp em kê lại đồ đạc.

Hoàn quay lại mỉm cười. Sao lại tự dưng xưng “em” nhỉ? Mà thôi kệ, chỉ biết là hình như ở cái điểm trường Tân Bình xa vắng này chẳng có ai có má lúm đồng tiền đẹp như Thoa, ai cười hiền như Thoa và luôn bên cô ấy chỉ có anh. Mưa đã tạnh từ lúc nào và nắng hửng lên ở phía cuối đèo...

BÙI VIỆT PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.