Giữa lúc xã hội chưa quan tâm nhiều đến căn bệnh trầm cảm thì ngành y tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi số ca bệnh ngày càng tăng. Thậm chí, có không ít trường hợp mắc bệnh trầm cảm đã chọn cách kết thúc cuộc sống nhằm thoát khỏi trạng thái chán chường, mệt mỏi, không còn khả năng làm việc và giao tiếp xã hội…
Tăng cường các hoạt động truyền thông về sức khỏe, tâm lý giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh trầm cảm. Ảnh: T.Y |
Bác sĩ CK1. Phan Thị Phương Quỳnh, Khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho hay, trầm cảm là một trong những bệnh lý về sức khỏe tâm thần, xuất hiện ở nhiều độ tuổi, nhiều nguyên nhân, không phân biệt giới tính và có thể chuyển thành bệnh mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Tỷ lệ bệnh gia tăng nhanh
Cuối năm 2022, anh T.T.V, 45 tuổi ở quận Hải Châu được gia đình đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu khi phát hiện anh vừa uống 20 viên thuốc ngủ. Tâm trạng của người nhà bệnh nhân khi đó là bàng hoàng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bởi lẽ, trước khi quyết định kết thúc cuộc đời bằng thuốc ngủ, anh V. từng là giám đốc một công ty có hàng chục nhân viên.
Sau thời gian tích cực điều trị phục hồi sức khỏe, các bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng tư vấn gia đình tiếp tục đưa anh V. đến thăm khám tại Bệnh viện Tâm thần khi nhận thấy anh có nhiều biểu hiện của bệnh trầm cảm như lo âu kéo dài, căng vai gáy, không giao tiếp, không làm việc, thậm chí lười đi vệ sinh dù cơ thể có nhu cầu…
Bác sĩ Phạm Thị Hoài Mai, Khoa Cấp tính Nam, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, người trực tiếp khám, tư vấn cho anh V. cho biết, ngày mới vào viện, anh hầu như không chịu giao tiếp với bác sĩ, dễ bị kích động và có một số hành vi tự hủy hoại bản thân. Qua chia sẻ từ người nhà, bác sĩ biết thời gian diễn ra Covid-19, anh V. thường xuyên căng thẳng, lo âu, mất ngủ, cáu gắt vì công việc kinh doanh đình trệ, doanh số liên tục âm. Thời gian này, anh có đến cơ sở y tế thăm khám nhưng không tin mình trầm cảm, dẫn đến bỏ thuốc, bệnh ngày càng nặng. Nhiều ngày liền, anh không ra khỏi phòng, không giao tiếp với bất kỳ ai (kể cả vợ, con) và luôn cảm thấy bản thân vô dụng nên viết đơn xin nghỉ việc.
“Lúc đó, tôi không nghĩ mình bị trầm cảm, chỉ cảm thấy bản thân vô dụng, người bồn chồn, lo lắng và không làm được việc gì nên có tư tưởng buông xuôi, cơ thể suy kiệt hoàn toàn, chỉ muốn tìm đến cái chết”, anh V. chia sẻ.
Sau 9 tháng điều trị liên tục bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý, sức khỏe anh V. dần ổn định, cảm xúc cân bằng và bắt đầu trở lại công việc trước đây. Theo bác sĩ Mai, trung bình mỗi tháng, Khoa Cấp tính Nam có từ 10-15 bệnh nhân trầm cảm điều trị nội trú và hàng chục bệnh nhân điều trị ngoại trú. Trong số đó, hơn 50% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có biểu hiện phủ nhận bệnh. Việc không công nhận mình (hoặc người thân) mắc bệnh gây không ít khó khăn cho công tác điều trị cũng như gia tăng tỷ lệ tự tử, hủy hoại bản thân.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các rối loạn liên quan đến stress (căng thẳng thần kinh) đang gia tăng rất nhanh, chiếm 5%-10%, thậm chí 15%-20% dân số ở các nước đang phát triển. Khi bị stress tác động, hệ thần kinh của con người sẽ có một số thay đổi về tư duy, suy nghĩ, ngoại hình, tình cảm và hành vi.
Bác sĩ Phan Thị Phương Quỳnh cho biết, có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần khác nhau, trong đó trầm cảm khiến người bệnh luôn rơi vào trạng thái trầm buồn kéo dài, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, lo âu, mất niềm vui, sự hứng thú trong công việc và các mối quan hệ xung quanh. Kèm theo đó là những triệu chứng như suy kiệt cơ thể, mệt mỏi, đau nhức, hồi hộp, không còn khả năng vận động và ghi nhớ.
“Trầm cảm là cảm xúc buồn quá mức, kéo dài 2 tuần và do biểu hiện này, cá nhân đó không thể làm việc, học tập và thực hiện các công việc trong gia đình. Về mặt tâm lý, việc thay đổi các mối quan hệ và môi trường sống tạo ra phản ứng cơ thể để thích nghi hoặc căng thẳng quá mức. Nếu không vượt qua được căng thẳng, chúng ta dễ dàng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu”, bác sĩ Phương Quỳnh chia sẻ.
Hiểu đúng để chữa đúng
Chị N.T.N (quận Liên Chiểu) từng có 2 năm mắc bệnh trầm cảm khi gia đình lâm vào cảnh nợ nần, chồng bỏ đi biệt xứ, con cái học hành sa sút, nghiện game... Sợi dây kết nối gia đình đứt gãy bất ngờ khiến chị chán nản, buồn bã, không còn động lực làm việc hay giao tiếp với bất kỳ ai. Đỉnh điểm của sự chán chường, mệt mỏi khiến chị tìm cách tự vẫn nhưng may mắn được người dân cứu sống. Điều đáng nói, trước khi quyết định tự tử, chị từng điều trị chứng trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị ngoại trú, chị N. lẫn người nhà đều chủ quan, không uống thuốc đều đặn.
Chị N. nói, quá trình điều trị, chị thấy tâm trạng ổn hơn nên dừng thuốc và không thăm khám thường xuyên. “Đó là sự chủ quan chết người và tôi đã phải trả giá bằng một quyết định bồng bột, nhưng may mắn được cứu sống”, chị N. kể lại.
Sau khi được cứu, người nhà chị N. mới ý thức rõ tính nghiêm trọng của bệnh trầm cảm nên thường xuyên ở cạnh trò chuyện, động viên chị uống thuốc và tạo môi trường vui vẻ, thư giãn rủ chị tham gia. Bên cạnh đó, nhờ được tư vấn tâm lý, chị hiểu rõ biểu hiện bệnh và biết cách vượt qua. Ví như, chị không còn nhốt mình trong phòng, mỗi khi thấy căng thẳng, chị ra ngoài ngắm cảnh hoặc rủ bạn cà phê, mua sắm. Chị cũng dành thời gian chăm sóc gia đình, con cái và hướng suy nghĩ đến những điều tích cực trong cuộc sống. Nỗ lực là vậy, nhưng phải mất hơn 1 năm, chị N. mới thăng bằng trở lại, đi làm và sinh hoạt như một người phụ nữ bình thường.
Bác sĩ Phan Thị Phương Quỳnh khẳng định, ngoài nắm rõ biểu hiện bệnh lý, việc tái khám và duy trì liệu pháp điều trị rất quan trọng với bệnh nhân trầm cảm. Bởi thực tế có không ít trường hợp chủ quan, không thăm khám, điều trị kịp thời dẫn đến suy kiệt cơ thể và không tìm thấy mục đích sống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến gánh nặng bệnh tật cho xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, giao tiếp và mục tiêu xây dựng một xã hội khỏe mạnh, an toàn cho người dân.
Chung quan điểm điều trị này, ThS.BS Nguyễn Thành Long, chuyên gia tư vấn tâm lý, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec khẳng định, bệnh trầm cảm đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó người sống khép kín, có cái nhìn tiêu cực, kỹ năng xử lý tình huống kém nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần người bình thường và tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 2 lần nam giới. Do vậy, điều trị trầm cảm đòi hỏi sự tham gia của y học, tâm lý học, xã hội học chứ không riêng một ngành nào. Chưa kể, bệnh có khuynh hướng tiến triển mạn tính, lặp lại theo chu kỳ, thường biểu hiện từ nặng đến nhẹ, đi kèm với chứng loạn thần hay suy nhược cơ thể.
Cũng theo bác sĩ Long, trầm cảm là căn bệnh có thể điều trị được thông qua việc sử dụng thuốc, điều trị tâm lý dựa trên việc nắm rõ nguyên nhân và tạo mối quan hệ kết nối giữa người bệnh - gia đình - cộng đồng. Khi thấy người thân, bạn bè có những dấu hiệu trầm cảm cần đưa đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi người bệnh có ý định tìm đến cái chết.
“Hiện y học đã tìm ra nhiều loại thuốc chống trầm cảm, sử dụng đúng liều lượng sẽ tăng khả năng chữa khỏi. Tuy nhiên, bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc do việc kê đơn thường dựa trên nguyên nhân gây bệnh và đặc điểm bệnh lý đi kèm. Đặc biệt, người bệnh cần sử dụng thuốc đúng, đủ liều, không tự ý ngừng uống thuốc khi thấy bệnh có chiều hướng thuyên giảm hoặc không tự ý ngừng thuốc đột ngột. Bên cạnh đó, người bệnh cần được cung cấp thông tin về bệnh, được hỗ trợ tâm lý và các biện pháp giải tỏa tâm lý từ gia đình, người thân và cộng đồng xã hội nhằm đạt được hiệu quả điều trị bệnh mong muốn”. ThS.BS Nguyễn Thành Long, Chuyên gia tư vấn Tâm lý, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec |
TIỂU YẾN