Đồng bào Cơ tu vùng núi Quảng Nam luôn xem con rồng là biểu tượng thiêng liêng, làm cầu nối giữa con người với vũ trụ, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng, nơi gửi gắm niềm tin vào thần linh, ông bà, tổ tiên của người Cơ tu từ bao đời.
Hình ảnh rồng trên nóc mái (ảnh trái) và trang trí bên trong Gươl truyền thống của người Cơ tu. Ảnh: N.V.S |
Nhà Gươl là nơi thờ các vị thần linh dân gian, ông bà, tổ tiên của người Cơ tu. Đây là ngôi nhà làng truyền thống, nơi bà con tổ chức lễ hội truyền thống, sinh hoạt cộng đồng. Gươl là sản phẩm văn hóa tâm linh đã được tộc người Cơ tu sáng tạo từ lâu, còn mang sắc thái đặc thù lãnh thổ rất rõ rệt của cộng đồng Cơ tu.
Trong đời sống văn hóa và tâm linh của dân tộc Cơ tu, Gươl là một cái gì đó thiêng liêng cao quý và rất đỗi thân thương không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con tộc người sống trên vùng Trường Sơn bao la và rộng lớn này. Ở đó, hình ảnh về con rồng trên Gươl, con rồng ở nhà mồ, con rồng trên quan tài như một bảo tàng nghệ thuật sống động trong bức tranh tổng thể văn hóa Cơ tu.
Già làng Alăng Mỹ (64 tuổi, trú thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) cho biết, theo phong tục cổ truyền của người Cơ tu, vị trí Gươl luôn được bố trí ở trung tâm làng, cũng được xem là một dạng tổng hòa và phát triển của loại nhà ở và Gươl dành cho sinh hoạt cộng đồng. Gươl của người Cơ tu được làm với các công cụ thô sơ như: rìu, rựa, dao... với các vật liệu như: tre, gỗ, mây... Gươl của người Cơ tu, không chỉ với những kiến trúc độc đáo mà còn phản ánh về vai trò và chức năng vốn có của Gươl, tạo cho Gươl một hình ảnh thân quen, gần gũi, ấm áp trong cuộc sống. Hình tượng rồng trên Gươl được bà con chạm khắc tỉ mẩn.
Cũng theo già làng thôn Tà Lang, con rồng được người Cơ tu yêu chuộng để làm giàu cho nguồn vốn văn hóa truyền thống. Tùy theo từng vùng, bà con thêm thắt màu sắc huyền thoại với tên gọi riêng dâng grai hay bhơ dưa. Truyền thuyết kể rằng dâng grai hay bhơ dưa có nhiệm vụ gìn giữ cái hũ của thần nước nên chỉ sống ở vùng đầm lầy, ao hồ, sông, suối... Trong làng, nếu người nào có ý nghĩ, lời nói hoặc việc làm xấu xa, độc ác thì khi qua những vùng có nước sẽ bị rồng nước trừng phạt, hút máu cho đến chết. Sự hiển linh của dâng grai hay bhơ dưa có tác dụng răn đe, giáo dục những người sống trong cộng đồng nay là thôn/làng, phải ăn ở hòa thuận, suy nghĩ trong sáng, không nói và làm điều xấu, điều ác để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Với đồ nghề đơn sơ gồm cái rìu, cái rựa và cái đục, nghệ nhân dân gian dân tộc Cơ tu đã làm nên những tác phẩm điêu khắc hình tượng rồng, vẽ rồng khá rõ nét và rất sinh động, làm phong phú thêm cho Gươl. Đó là chất men gây cảm hứng cho những nghệ sĩ dân gian dân tộc Cơ tu trong quá trình sáng tạo nghệ thuật làm đẹp cho rừng núi, thôn làng, ẩn chứa tâm linh của những con người bản địa thông qua nghệ thuật tạo hình. Những bức tượng, những tấm điêu khắc gỗ nói chung, hình ảnh rồng nói riêng, đã làm cho Gươl trở thành một trong những thiết chế không thể thiếu trong cấu trúc Gươl, là niềm tự hào của người Cơ tu.
Già làng ALăng Mỹ cho biết: “Con rồng nó đẹp sẵn rồi. Nó biết bay biết múa thì mình cũng phải tập bay tập múa cái rìu, cái rựa... biết chiết xuất màu từ các loại cây, củ, quả, rễ trên rừng thì mới có con rồng đẹp theo cái ý mình được”.
Người Cơ tu trang trí trên nóc nhà làng (Gươl) bằng những hình dâng grai lớn có cái đầu và bộ chân của gà trống, được điêu khắc công phu để cầu cho nóc làng bình yên, phát đạt, mưa thuận gió hòa, được mùa vụ. Hình ảnh dâng grai cũng được khắc họa với nhiều dáng vẻ sinh động trên các tấm ván thưng mặt tiền của Gươl, trên các xà ngang, cột cái, bức vách...
Ngoài ra, người Cơ tu còn khắc họa, điêu khắc, vẽ hình bhơ dưa để trang trí trong nhà mồ (Ping têng), trên quan tài dành cho người chết. Ở đây, bhơ dưa có thân mình mềm mại của rắn và cái đuôi thướt tha uốn lượn của cá.
Mùa xuân đến, trên vùng cao có những dãy núi chập chùng ẩn hiện trong mây, những thác suối quanh năm tấu khúc nhạc róc rách nhiều cung bậc, hòa cùng tiếng gió thổi qua đại ngàn du dương như hàng vạn cây vĩ cầm hòa điệu, tiếng chim rừng trầm bổng ngân xa như một bản giao hưởng bất tận. Nếu có dịp đến vùng cộng đồng dân tộc Cơ tu sinh sống tại xã Hòa Bắc và xã Hòa Phú, thuộc địa bàn huyện Hòa Vang bạn sẽ có cơ hội khám phá thú vị về nét văn hóa bản địa rất đặc sắc, về hình ảnh của rồng ở nơi đây.
NGUYỄN VĂN SƠN