Sự tích chàng Rồng và nàng Clu

.

Thìn - cầm tinh con Rồng - một trong 12 con giáp theo cách tính tuổi âm lịch của một số nước ở Đông Á. Rồng cũng có nhiều giai thoại, sự tích như 11 con vật biểu trưng cho 11 con giáp còn lại.

Biểu diễn nhạc cụ (ảnh trái), cồng chiêng và múa truyền thống dân tộc Cơ tu. Ảnh: V.P.Q
Biểu diễn nhạc cụ (ảnh trái), cồng chiêng và múa truyền thống dân tộc Cơ tu. Ảnh: V.P.Q

Nhắc nhở dân làng bằng... lũ lụt hằng năm

“Chuyện nàng Clu và anh Rồng” được bà Briu Bló, dân tộc Cơ tu ở Pa Xua, Tabhing kể lại và chép trong cuốn “Truyện cổ Cơ tu, Ve, Tà Riềng trên địa bàn huyện Nam Giang - Tập I” do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Giang ấn hành năm 2013.

Chuyện rằng, ngày xưa ở một ngôi làng trên núi cao có người con gái xinh đẹp như tiên tên là Clu. Nàng đẹp đến nỗi con Rồng dưới con sông to cạnh làng cũng mê mẩn, tìm cách bắt nàng về làm vợ. Thấy Clu mỗi khi đi làm nương rẫy thường ngồi nghỉ trên đất rẫy của mình, Rồng đào một cái hang từ lòng sông xuyên núi lên tới chỗ nàng hay ngồi. Xong, Rồng làm phép hút cả nương rẫy của nàng xuống lòng sông.

Dân làng đổ xô đi tìm nhưng không thấy Clu đâu. Có người nghĩ cách đem quả bí to thả xuống miệng hang, nếu nó nổi lên ở đâu thì chắc chắn là nàng ở đó. Quả bí nổi lên ở giữa dòng sông nhưng không ai biết cách cứu nàng.

Nàng Clu ban đầu không chịu làm vợ Rồng, nhưng bị Rồng thúc ép mãi, cuối cùng thuận ý. Hai người có với nhau một đứa con. Mùa rẫy năm nọ, Clu nhớ nhà, khuyên chồng về làng mình xin làm lễ cưới. Rồng mang theo một con cá Grăng (cá chiêng) và nhiều thứ quý khác làm lễ cưới, nhưng làng không đồng ý vì cho rằng con người không ở chung với Rồng được.

Hôm đó, mẹ nàng Clu tắm cho cháu ngoại bằng nước lạnh. Nàng bảo phải tắm bằng nước ấm, nhưng mẹ nàng cho rằng trời nóng mà tắm nước ấm thì tội cháu. Không ngờ, khi bà dội nước lạnh thì cháu biến thành con cá Chiên. Bà buột miệng: “Đúng là con của loài Rồng, không phải con của con người”. Rồng nghe vậy, cho rằng mẹ vợ coi khinh mình nên bắt vợ và con về sông ngay đêm đó và dâng nước lên cao để dìm chết cả làng, trả thù con người dám coi thường mình.

Nàng Clu khóc lóc van xin chồng. Thương vợ, Rồng rút nước về sông. Từ đó, hằng năm Rồng cho dâng nước lên các sông suối để nhắc nhở dân làng không coi thường người khác.

Sính lễ của chàng rể Rồng

Sách đã dẫn cũng chép chuyện kể của Zơ Răm Thơn (Tabhing) về nàng Clu và chàng Rồng nhưng với tình tiết có khác. Rằng, ở làng Pa Ting, xã Ta Bhrươr, có một chiếc cầu tên là Chờ Vang bắc qua dòng sông Zơ Vang (một nhánh của sông Bung, chảy qua địa phận xã Zuôi, huyện Nam Giang). Nam thanh nữ tú trong làng thường hẹn hò nhau vào những đêm trăng sáng. Chàng trai nào cũng ngợi khen về vẻ đẹp của người thiếu nữ mà mình ưa thích. Riêng nàng Clu thì trai tráng trong làng đều ca ngợi về vẻ đẹp mê hồn và giọng hát rất hay của nàng.

Đêm nọ nàng Clu đi qua cầu Chờ Vang và cất tiếng hát: “Ai yêu em thì hãy xin phép ma Rồng. Ai thương em thì đến xin phép ma Rồng, Rồng ở sông Zơ Vang, Rồng ở sông Cơ Co…”. Lúc này, dưới sông Chơ Vang, chàng Rồng đang nghe giọng hát và mắt ngóng nhìn nàng, chàng ưng bụng và quyết tâm cưới nàng làm vợ.

Rồi một buổi sáng kia, khi nàng Clu một mình lên đồi tuốt lúa, gùi đầy lúa thì bỗng nhiên mất gùi. Đi tìm mãi thì thấy dưới chân nàng là một cái hố sâu. Hôm sau, khi đang mải mê tuốt lúa thì một hố sâu hiện ra dưới chân nàng. Nàng định bỏ chạy nhưng không kịp, thế là nàng bị hút vào miệng hố và bị cuốn xuống dưới đó.

Đợi mãi không thấy con gái về, cha mẹ nàng cùng dân làng lên đồi tìm mãi vẫn không thấy, chỉ thấy một hố sâu. Nghi ngờ Rồng đã mang nàng đi rồi, dân làng liền lấy một quả bí to thả xuống hố. Một lát sau, quả bí nổi lên trên sông Chơ Vang, bố mẹ càng khẳng định là nàng đã bị chàng Rồng đem về làm vợ, cha mẹ nàng chỉ biết khóc thầm và nhớ thương!...

Một ngày kia, khi dân làng đi ngang qua cầu Chờ Vang, thấy Clu ngồi chải tóc trên một tảng đá. Bà con chưa kịp đến thì nàng đã nhảy xuống sông rồi biến mất. Mọi người về nói lại với cha mẹ nàng về sự việc đó, rằng họ thấy nàng vẫn còn sống và xinh đẹp như xưa. Cha mẹ nàng nghe vậy nhưng không tin, bèn tìm đến sông Chơ Vang cho rõ sự tình.

Cha mẹ nàng đang ngóng tìm thì từ dưới dòng sông nàng Clu bỗng hiện lên và cất tiếng: Mời cha mẹ hãy xuống thăm gia đình con! Nàng chỉ tay xuống sông thì dòng nước bỗng rẽ ra và xuất hiện một con đường dẫn đến Long cung. Nàng dìu cha mẹ mình đi xuống đó. Sau một thời gian ở lại thăm con, cha mẹ nàng về lại bản làng. Trước khi chia tay, chàng Rồng và gia đình đã tặng cho cha mẹ nàng nhiều vật phẩm để làm quà: nào là chiêng, ché, mã não…

Vài tháng sau, nàng Clu cùng chồng đưa con về thăm cha mẹ nàng. Trời vừa tối, cha mẹ nàng thấy vợ chồng con gái về thăm, nào là lễ vật gọi là sính lễ: chiêng, ché, mã não... đặc biệt có mang theo con cá chình thật to. Thật là kỳ bí, bởi con cá chình ban ngày thì là cá, nhưng trời tối nó biến thành con trâu. Vì vậy gia đình cùng dân làng tổ chức lễ cưới cho hai vợ chồng vào buổi tối để mọi người vui đùa nhảy múa bên trâu như là lễ hội đâm trâu của dân tộc mình.

Sau lễ cưới, vợ chồng nàng cùng con cái chào từ biệt cha mẹ và dân làng để về lại Long cung. Trước khi từ biệt, nàng thưa: Từ nay con sẽ không về thăm cha mẹ được nữa, nếu cha mẹ nhớ con thì ra dòng sông Chờ Vang gọi, con sẽ lên rước về Long cung cùng con cháu.

Từ đó về sau, mỗi khi có dịp cưới xin cho đôi trai gái, đồng bào Cơ tu thường tổ chức giết mổ trâu, bò cho bên nhà gái và lễ vật đem đến cho nhà gái như: ché, chiêng, rượu… để làm sính lễ, còn nếu gia đình nhà trai nghèo thì phải có heo, gà... và tổ chức liên hoan nhiều ngày đêm liền.

PHẠM VĂN BÍNH - VIÊN PHÚC QUÂN

;
;
.
.
.
.
.