Lễ Macchabée - lễ hội tri ân người hiến thân xác cho y học - vừa được sinh viên Trường Y dược (Đại học Duy Tân) tổ chức trong không khí xúc động, thiêng liêng.
Lê Khắc Anna, sinh viên ngành Bác sĩ Đa khoa, Trường Y dược chia sẻ, với sinh viên ngành y, giải phẫu học được xem là “cánh cửa đầu tiên” mà các bác sĩ tương lai buộc phải vượt qua trước khi bước chân vào lĩnh vực y tế. Theo Anna, giải phẫu học là môn học cơ sở ngành quan trọng hàng đầu và là nền tảng cho sinh viên khối ngành khoa học sức khỏe. Bởi vậy, những người hiến thân xác cho y học mang ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp phát triển lĩnh vực y tế nước nhà.
Sinh viên Trường Y dược, Đại học Duy Tân tưởng niệm những người đã hiến xác cho nền y học. Ảnh: K.N |
Trong trang phục áo blouse trắng, Anna cùng giảng viên, sinh viên Trường Y dược xếp hàng ngay ngắn, bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đến những người đã hiến thân xác cho y học. Theo Anna, họ chính là “những người thầy thầm lặng” cho sinh viên y khoa cơ hội được thực tập giải phẫu để trở thành những bác sĩ lành nghề trong tương lai.
Cùng bạn bè thắp sáng những ngọn nến hoa đăng được xếp thành dòng chữ “Tri ân” giữa sân trường, Lê Hoàng Thục Uyên, thành viên CLB Tình nguyện Y khoa, Trường Y dược cho biết, bản thân rất xúc động và tự hào khi được trở thành một phần của buổi lễ trang trọng này. “Mỗi ngọn nến được thắp lên, em cảm thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa trong hành trình trở thành bác sĩ trong tương lai. Với sinh viên ngành y, lễ Macchabée giống như lời nhắc nhở về sự học, nhất là nhắc sinh viên biết trân trọng từng giờ học giải phẫu trên thi thể hiến con người. Hiểu rõ về buổi lễ, em càng thấy biết ơn và kính trọng những người đã hiến tặng thân thể cho ngành y”, Thục Uyên chia sẻ.
Có nguồn gốc từ phương Tây, lễ Macchabée ra đời nhằm tưởng nhớ, tôn vinh những người hiến thân xác của mình cho y học. TS.BS.CKII. Võ Thị Hà Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Y dược, Đại học Duy Tân cho biết, trong quá trình học tập để trở thành bác sĩ y khoa, mỗi sinh viên buộc phải trải qua môn giải phẫu. Tuy nhiên, muốn học tốt môn này thì điều quan trọng, mang tính quyết định là phải có tiêu bản người thật. Tuy nhiên, trong gần 2.000 năm kể từ thế kỷ thứ IV TCNs đến thế kỷ XV SCN, các giáo hội tôn giáo đã cấm ngành y mổ xác để nghiên cứu và giảng dạy, ai vi phạm đều bị treo cổ. Thời bấy giờ, giải phẫu động vật tuy có giúp ích phần nào trong đào tạo nhưng không thể thay thế giải phẫu học cơ thể người. Dù vậy, quá trình phát triển ngành y tế phương Tây ghi nhận phương pháp luận khoa học thực nghiệm đã thôi thúc nhu cầu khám phá những bí mật bên trong cơ thể con người, cũng như tìm hiểu các quy luật vận động.
Do đó, bất chấp những cấm đoán, vào thế kỷ XVI, Judas Macchabée - một bác sĩ người Pháp cùng đồng nghiệp và học trò đã lén lút đưa những xác chết vô thừa nhận ngoài đường về hầm rượu mổ xẻ, phân tích để tìm ra phương pháp cứu chữa người mắc những căn bệnh gây tử vong tương tự. Để tưởng nhớ “những người thầy im lặng” này, bác sĩ Macchabée đặt ra một buổi lễ tri ân và lấy ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 12 hằng năm làm ngày tổ chức. Tại Việt Nam, lễ Macchabée được sinh viên ngành y tổ chức từ thế kỷ XX và tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng y tế cả nước.
TS. Võ Thị Hà Hoa cho hay, Macchabée là một nghi lễ nghề nghiệp độc đáo, nhân văn của ngành y, qua đó thể hiện sự kính trọng, thương tiếc những con người đã hiến xác cho y học. “Đây là nghi lễ mang tính nhân văn sâu sắc, là dịp thầy trò ngành y tưởng nhớ, biết ơn những người đã hiến xác, từ đó cố gắng, nỗ lực hơn nữa để trở thành bác sĩ giỏi, đóng góp tâm - tài - đức cho ngành y học nước nhà”, bác sĩ Hoa khẳng định.
KỲ NAM