Lập đàn cầu mưa ở nghĩa trủng 100 năm tuổi

.

Nghĩa trủng làng Tiên Châu (xã Bình Sa, huyện Thăng Bình) được xây dựng vào năm Quý Hợi 1923 và được trùng tu tôn tạo vào năm 1973 trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc gốc và được gìn giữ cho đến ngày nay. Nghĩa trủng có quy mô khá lớn, được xây bằng đá ong, gạch vồ được kết dính bằng hợp chất vôi vữa truyền thống nhìn rất trang nghiêm và cổ kính. Nơi đây đã từng được dân làng lập đàn cầu mưa trong những năm hạn hán kéo dài…

Bên trong gian thờ ở Nghĩa trủng làng Tiên Châu (ảnh trái) và một lễ tế diễn ra tại đây. Ảnh: A.T
Bên trong gian thờ ở Nghĩa trủng làng Tiên Châu (ảnh trái) và một lễ tế diễn ra tại đây. Ảnh: A.T

Nghĩa trủng ở ngôi làng có lịch sử hơn 400 năm

Theo gia phả tộc Châu cũng như các tộc phái khác còn lưu giữ tại làng Tiên Châu, vào khoảng đầu thế kỷ XVI, tổ tiên Châu Công Đình, vị thủy tổ của tộc Châu, quê ở xã Cổ Đạm (nay là xã Cương Giáng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), được phái chỉ của triều đình nhà Lê vào Nam mở rộng bờ cõi vùng đất phương Nam. Cùng với các chư tộc anh em, ngài đến vùng đất mới khai khẩn đất đai, quy dân lập ấp, dựng nên làng xã và đặt tên làng là làng Tiên Châu, thuộc trấn Quảng Nam, phủ Thăng Hoa (huyện Thăng Bình ngày nay)…

Đến năm 1923, dân làng lập Nghĩa trủng làng Tiên Châu (còn có các tên gọi khác là Nghĩa trủng tự, Sở Nghĩa trủng hay Sở Chùa nghĩa) để làm nơi chôn cất, thờ cúng âm linh, cô hồn, những nghĩa sĩ, nghĩa dân bỏ mình vì dân vì nước, chết vô gia cư, không người thờ tự.

Đây là hình thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian đặc trưng của cư dân xứ Quảng, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của làng xã ở Việt Nam. Việc lập Nghĩa trủng - Nghĩa trủng tự đã trở thành một thiết chế của làng xã, được luật hóa bằng điển lệ của triều đình. Sách Đại Nam điển lệ toát yếu chép: “Lệ năm Tự Đức thứ 29 (1876), chuẩn cho các xã dân lập Nghĩa trủng để chôn cất những người vô gia cư, những hành nhân vãng lai chết không có ai thân thích và tổ chức cúng tế hằng năm”.

Trưởng Ban trị sự làng Tiên Châu, ông Đoàn Văn Mịch (71 tuổi) cho biết, việc thờ cúng âm linh đã có từ lâu đời, nhưng buổi đầu chỉ là lễ cúng tế hằng năm được tổ chức tại sân đình làng, chứ chưa có nơi thờ cố định. Mãi đến năm 1923, dân làng mới góp công góp của xây dựng một nơi thờ cúng tập trung, gọi là Nghĩa trủng tự, tại một khu đất ở động Cây Mâm. Bởi theo quan niệm phong thủy, nơi đây được xem là có thế đất nằm trên lưng con bọ ngựa, là nơi tích chứa âm phúc cho làng.

Các vị cao niên cho biết, khi mới tạo lập Nghĩa trủng, làng đã xây dựng quy chế giao cho Ban tế tự đảm nhận việc tổ chức các tế lễ tại Nghĩa trủng. Cùng với đó, làng cắt đặt một người chuyên trách làm Từ(*) để trực tiếp trông coi việc hương khói hằng ngày tại Nghĩa trủng. Người này được làng cấp cho một sào đất canh tác để lấy hoa lợi lo việc này.

Ngoài ra, làng có trích riêng một mẫu ruộng (đơn vị Trung Bộ, tương đương với 5.000m2) - gọi là “Ruộng tự chùa nghĩa” và giao luân phiên cho dân làng canh tác để thu hoa lợi chi vào các dịp lễ, Tết và các tế tự tại Nghĩa trủng.

Lập đàn tế cầu đảo mưa

Trong tâm thức của nhân dân làng Tiên Châu, sự linh thiêng của Nghĩa trủng tự vẫn được các thế hệ trong làng truyền kể cho các lớp con cháu về sau và được vun bồi qua thực tế. Sự linh ứng của đàn tế cầu đảo mưa trong quá khứ ở Nghĩa trủng đã tác động trực tiếp đến đời sống của người dân.

Trước đây, vào những năm hạn hán, cả làng thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi… cuộc sống người dân trở nên khó khăn. Các bậc hương chức và cao niên trong làng đã quyết định chọn ngày lành tháng tốt, cử người thay mặt làng đứng ra làm lễ.

Người được chọn phải là những bậc trưởng thượng có uy tín, đạo đức và đặc biệt phải trai giới, giữ cho thân tâm sạch sẽ. Họ đến ở lại tại Nghĩa trủng tự và ăn chay, nằm đất, thắp hương cầu nguyện trong thời gian suốt từ 5 đến 7 ngày đêm để cầu mưa. Sự thành tâm ấy dường như thấu cảm đến đất trời, quả nhiên sau những ngày cầu đảo, trời đổ mưa. Những cơn mưa quý giá và thiêng liêng giữa mùa hạn hán càng củng cố hơn niềm tin của dân làng vào sự linh ứng của sở Nghĩa trủng tự…

Các vị cao tuổi làng Tiên Châu cho biết, lần cầu đảo linh nghiệm gần nhất và sau cùng được tiến hành vào năm 1973. Năm ấy mặc dù còn chiến tranh, nhưng dân làng đã hồi cư sau khi Hiệp định Paris được ký kết, lại gặp phải mùa hè hạn hán, làng tiến hành lễ cầu đảo. Có phải là sự ngẫu nhiên trùng hợp lạ kỳ hay sự cảm ứng linh thiêng của đàn tế hay không mà sau 5 ngày đêm làm lễ, những cơn mưa bỗng nhiên như trút nước đã giúp hồi sinh cả một vùng đất khô cháy giữa mùa hè. Và cũng bởi sự linh ứng hiển hiện ấy đã thôi thúc dân làng bắt tay vào trùng tu tôn tạo lại sở Nghĩa trủng tự vào cuối mùa hè năm 1973…

Ngày nay, tại Nghĩa trủng tự, dân làng Tiên Châu thường niên tổ chức ba lễ tế quan trọng nhất trong năm, đó là: lễ cầu an đầu năm, lễ tế thanh minh và lễ chạp mả. Những lễ này quy tụ đông đủ nhân dân trong làng về dự, bởi trong tâm thức mỗi người, việc biết ơn, chuộng nghĩa là việc làm cao đẹp của lối sống cộng đồng, thể hiện sự ứng xử nhân văn với nguồn cội và nó trở thành lệ làng bất di bất dịch xưa nay.

Trong những ngày này, người dân làng Tiên Châu dù bận đến đâu cũng sắp xếp công việc, tranh thủ về nhà thờ, mộ Tiền hiền và Nghĩa trủng của làng để thắp nén hương cầu mong cho Thành hoàng làng, các bậc tiền nhân phù hộ, độ trì cho dân làng bình an, mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt… như mong muốn thể hiện ở hai câu đối trước cổng Nghĩa trủng: “Nghĩa tự ngưng thụy thái/ Thần ân phổ lê nguyên” (Dịch nghĩa: Đàn thờ lắng trăm phúc/ Ơn thần độ muôn dân”.

Nghĩa trủng tự làng Tiên Châu được tạo lập cách đây 100 năm - nơi thể hiện đời sống tâm linh, tư tưởng vì đạo nghĩa của dân làng - đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 24-11-2023.

AN TRƯỜNG

----------------------
(*) Người giữ đền, chùa được gọi là thủ từ (守祠), thường được gọi là ông Từ (chú giải của ĐNCT)

;
;
.
.
.
.
.