1. “Tác phẩm Phan Khôi - Sức sống diệu kỳ” của tác giả Ngô Quang Huy nằm trong tủ sách về xứ Quảng (NXB Đà Nẵng, 2024) gồm 5 chương. Chương 1 là các bài viết về những tác phẩm của Phan Khôi, một học giả, nhà thơ, nhà văn, thành viên của Nhóm Nhân văn - Giai phẩm, thời gian ông tham gia cuộc Cách mạng tháng 8-1945. Chương 2 đăng tải các công trình nghiên cứu và tác phẩm nghị luận của Phan Khôi về: Ngữ pháp tiếng Việt, Thử tìm sử liệu Việt Nam trong ngôn ngữ, Vụ xin xâu ở Quảng Nam, Trả lời một tờ báo ở Sài Gòn. Chương 3 gồm các tác phẩm phê bình và sáng tác văn học của Phan Khôi như: Phê bình truyện Kiều chú giải của Lê Văn Hòe, Nguyễn Đình Chiểu - một nhà nho chân chính của miền Nam, Không đề cao Vũ Trọng Phụng - chỉ đánh giá đúng…
Ở chương 5, tác giả Ngô Quang Huy mới đi sâu và trình bày kỹ về “Tác phẩm Phan Khôi - Sức sống diệu kỳ” với những bài viết về Phan Khôi khi ông chọn nghề và hành nghề báo chí; về các công trình nghiên cứu và các sáng tác văn học; các cuộc tranh luận của Phan Khôi trên báo chí; những luận bàn của ông về các vấn đề xã hội; Phan Khôi với phong trào Nhân văn - Giai phẩm và cuối cùng là, Phan Khôi - một sức sống diệu kỳ.
“Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn”, tác giả Ngô Quang Huy viết.
2. "Nhâm nhi Tết Giáp Thìn" (NXB Kim Đồng, tháng 2-2024) gồm 23 bài viết, thơ, bình luận âm nhạc, họa xoay quanh chủ đề mùa xuân, quy tụ nhiều cây viết cho thiếu nhi như Nguyễn Bá Hòa, Nguyên Hương, Nguyễn Chí Ngoan. Tác phẩm của nhiều nhà văn mở ra không khí xuân ở các vùng miền khắp đất nước. Độc giả sẽ gặp những bạn nhỏ trong "Ăn Tết miệt vườn" của Nguyễn Chí Ngoan, nghe câu chuyện "Cổ tích đêm giao thừa" của nhà văn Nguyên Hương, gặp "Các nhà toán học của mùa xuân" trong lời thơ do Đặng Hấn sáng tác. Ngoài ra, bạn đọc được nghe Đào Phong Lan kể "Sự tích ngày Tết", hay ngắm "Những đóa hoa violet hạnh phúc", "Những loài hoa nơi hẻm núi" trong lời văn của Ellen Robena Fiel và Ralph Connor.
Trong "Hiu hiu gió Tết" của tác giả Lê Trâm, nhân vật Hòa cảm nhận sự bình yên, ấm cúng bên gia đình khi ngồi canh nồi bánh chưng, bánh tét đêm giao thừa. Vào mùng Một Tết Nguyên đán, gia đình Hòa đi nghĩa trang thắp hương, viếng mộ. Bài viết có đoạn: "Buổi sáng mùng Một, mọi người gần như về hết nghĩa trang như muốn tạo nên sự kết nối kỳ diệu giữa người đã qua đời và người còn sống, là một nét đẹp đáng quý. Có năm trời làm mưa bụi, trong cái se lạnh giữa ngày tinh khôi nhất của đất trời, càng thấy ngày Tết ý nghĩa vô cùng".
MẪU ĐƠN