.

Đình làng Hòa Phú

.

Ở Đà Nẵng, đình Hòa Phú không chỉ là đình “trẻ nhất” được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật mà còn có diện tích, không gian lớn hơn các đình khác, đặc biệt là các hoa văn, họa tiết mang đậm nét kiến trúc và điêu khắc cổ.

Long kiệu đình Hòa Phú độc đáo nhất hiện nay ở Đà Nẵng. Ảnh: L.G.L
Long kiệu đình Hòa Phú độc đáo nhất hiện nay ở Đà Nẵng. Ảnh: L.G.L

Theo tài liệu của làng, đình Hòa Phú được xây dựng từ năm Nhâm Thân 1692, ban đầu bằng tranh tre nứa lá, sau kiên cố dần. Đến năm Nhâm Dần 1962 thì đình bị hư hỏng nặng, các cụ trong làng đứng ra hô hào các họ tộc đóng góp nhân tài, vật lực trùng tu lại đình. Đến năm Bính Tuất 2006, theo chủ trương chỉnh trang đô thị, đình được xây mới trên khu đất rộng 2.167m2 do thành phố quy hoạch. Đình trước có 16 sắc phong, nhưng nay chỉ còn 7 sắc qua các đời vua Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định.

Làm đình mới, đối với người dân Hòa Phú lúc đó là chuyện ngoài tầm tay, nếu không được Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng chi phí di dời đình cũ. Quỹ làng còn 100 triệu đồng, cộng với khoảng 200 triệu đồng dự kiến thu được từ sự vận động 2.000 hộ dân mỗi hộ góp 100 nghìn đồng, vị chi trước sau 600 triệu đồng.

Từ con số đầy lạc quan này, các cụ cao niên, những người tâm huyết với việc xây dựng đình làng đã tổ chức các đợt đi tham khảo các nét kiến trúc đặc trưng của đình làng trên mọi miền đất nước, đặc biệt là các đình làng trên địa bàn Đà Nẵng và Huế. Tất cả đều được mô tả, quay phim, chụp hình để đưa ra họp bàn, thông qua Hội đồng Chư phái tộc, Ban Kiến thiết Đình làng, Ban tổ chức Lễ hội, thống nhất đồ án kiến trúc đình làng theo mô hình nhà rường truyền thống Việt Nam ba gian hai chái.

Lúc đầu, thấy sơ đồ đình “hoành tráng” quá, các cụ nghĩ cũng tốn cỡ 4 - 5 tỷ đồng thì tiền đâu mà làm. Nhưng ông Nguyễn Ngôn, lúc đó là Trưởng ban Kiến thiết Đình làng Hòa Phú, người đã có kinh nghiệm làm nhà rường cổ, trưng ra những con số chứng minh rằng không tốn kém đến mức như thế.

Thống nhất đâu vào đó, công trình xây dựng đình Hòa Phú được khởi công tháng 3-2006, đến cuối tháng 9 thì tưởng đâu đã bị “thả tay” vì bão Xangsane hung hãn. Không bi quan sao được, theo ông Ngôn, khi cả làng chỉ có khoảng 15% nhà là không bị ảnh hưởng thảm khốc của cơn bão cực mạnh được gọi theo tiếng Lào là “con voi lớn” này. 2 tháng sau đó, siêu bão có tên là “Trái sầu riêng” (Durian - bão số 9) tiếp tục “dội nước lạnh” lên nhiệt thành của con dân trong làng hướng về ngôi đình mới. Tuy nhiên, tấm lòng hướng về tiên tổ, cội nguồn đã thúc giục dân làng vừa lo khắc phục hậu quả thiên tai nhà mình, vừa lo chuyện tạo tác đình.

Đình đã dựng sườn gỗ lên rồi. Trong số 200 triệu đồng dự kiến thu được từ dân làng thì do bão chỉ thu được 80 triệu đồng. Ban kiến thiết phải vận động con dân của làng làm ăn xa cho mượn tiền mua ngói lợp lên để bảo quản sườn gỗ. Làng cho mời nghệ nhân Võ Chước, một thợ mộc tiếng tăm ở Hải Lăng (Quảng Trị) cùng với tốp thợ giỏi vào trực tiếp thi công. Tuy nhiên, những người thợ này chỉ giỏi làm rập khuôn theo kiểu “xưa bày nay bắt chước”, khi chế tác những hoa văn, họa tiết cải biên hơi phức tạp một chút ở đình Hòa Phú là họ... bó tay, mặc dù đã có bản vẽ hẳn hoi. Muốn được việc, ông Ngôn phải đưa họ “đi thực tế” xem một nhà cổ tận trên Tiên Phước. Sau gần 2 năm lăn lộn với đình Hòa Phú, những người thợ này thật thà bảo: Làm xong đình là học được nhiều thứ lắm.

Những người cho mượn tiền thấy đình mới khang trang, bề thế quá, lòng cũng ưng hiến cúng một cái gì đó. Họ cũng nhận lại tiền, nhưng đặt làm hoành phi, câu đối, bình hoa, nải quả… cúng lại đình.

Một nhà nọ, bà vợ cúng 10 triệu đồng, đề nghị làng mua một hiện vật gì đó ghi họ tộc của mình để cúng đình. Ông chồng nghe thế tỏ ý không hài lòng, vợ mà “qua mặt” chồng coi sao được, bèn cúng 10 triệu để được ghi họ tộc phía mình vào đình. Lúc đó, các nghi dụng trong đình đã đầy đủ cả rồi, không biết sắm gì nên làng gửi 20 triệu vào ngân hàng.

Ông Ngôn một bữa xem ti-vi thấy các làng ngoài Bắc có kiệu rước chạm trổ rồng đẹp quá, bèn đề nghị làng sắm một cái. Được các cụ đồng ý, ông ra Nam Định đến tận nơi chuyên làm long kiệu đặt hàng, đưa vào đến tận đình Hòa Phú tốn hết 27 triệu đồng. 20 triệu tiền gửi ngân hàng cộng với tiền lãi, thêm chút ít nữa là đủ để đình Hòa Phú có cái long kiệu thuộc hạng nhất Đà Nẵng.

Hôm 3-3 vừa rồi, Hòa Phú tổ chức hội làng, rước Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố Đình làng Hòa Phú. Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm Quản lý Di sản Đà Nẵng Hồ Tấn Tuấn, ở Đà Nẵng, đình Hòa Phú không chỉ là đình “trẻ nhất” được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật mà còn có diện tích, không gian lớn hơn các đình khác, đặc biệt là các hoa văn, họa tiết mang đậm nét kiến trúc và điêu khắc cổ.

Ngoài ra, ở Đà Nẵng, đình Hòa Phú là đình sử dụng nhiều gỗ nhất (80m3), có cốt cao nhất (1,2m), có long kiệu duy nhất.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.