.

Mật danh Bãi biển Đỏ số Hai

.

Lịch sử đã chọn Đà Nẵng để trao cho sứ mệnh tiên phong trong công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc Việt.

Tại triển lãm “50 năm ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng” ở Bảo tàng Đà Nẵng, nhiều người thắc mắc về mật danh Red Beach Two. Ảnh: V.T.L
Tại triển lãm “50 năm ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng” ở Bảo tàng Đà Nẵng, nhiều người thắc mắc về mật danh Red Beach Two. Ảnh: V.T.L

Nếu tháng 9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ phát súng đầu tiên xâm lược Đà Nẵng thì tháng 3-1965, thủy quân lục chiến Mỹ lần đầu tiên đổ bộ vào vùng đất này tại một địa điểm có mật danh là “Bãi biển Đỏ số Hai”, bắt đầu tiến hành chiến tranh cục bộ, xâm lược Việt Nam.

Từ hôm 6-3 vừa qua, thông tin trên đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng nhân kỷ niệm 50 năm ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng. Về sự kiện tròn nửa thế kỷ này, Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm chuyên đề “50 năm ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng”, phối hợp với Quận ủy Liên Chiểu tổ chức tọa đàm với cùng đề tài.

Theo đó, buổi sáng ngày 8-3-1965, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 9 viễn chinh thủy quân lục chiến Mỹ đã đổ bộ lên một bãi biển ở Đà Nẵng có mật danh theo cách gọi của người Mỹ là Red Beach Two. Về địa điểm cụ thể của mật danh có nghĩa là “Bãi biển Đỏ số Hai” này, nhiều tài liệu ghi khác nhau: Cảng Phú Lộc, bãi biển Bắc Ninh (nay thuộc phường Hòa Minh), bãi biển Nam Ô, bãi biển Xuân Thiều (cả hai bãi biển này đều thuộc phường Hòa Hiệp Nam ngày nay)…

Theo địa bạ ngày trước, đất đai làng Xuân Thiều không ăn ra tới biển. Bãi biển từ Nam Ô xuống giáp bãi biển Bắc Ninh đều được gọi chung là bãi biển Nam Ô. Làng Nam Ô, nhân dân theo nghề chài lưới có lịch sử hàng mấy trăm năm, dọc bờ biển về phía nam chừng 5 – 7 cây số không có làng chài nào ngửa mặt ra biển như làng Nam Ô. Nên buổi sáng ngày 8-3-1965, những hình ảnh và sự kiện ngày ấy còn rành rành ra đó.

Ông Phan Đẩu, 74 tuổi, ngư dân làng chài Nam Ô, kể rằng, sáng ngày 8-3-1965 cả vùng biển có rất nhiều chiếc tàu há mồm (ông gọi là “tàu hả họng”) cập vào bờ, cách phía Nam làng Nam Ô chừng hơn cây số, gần chỗ hầm tăng-sê (phiên âm từ tiếng Pháp tranchée, nghĩa là hầm trú ẩn, giao thông hào) có từ thời Pháp thuộc. Nhiều xe lội nước lên bờ, có những chiếc cập sát bìa làng. Hồi đó, ông đang tuổi lính nên không dám đến gần. Mấy tháng trước đó, Mỹ đã lội nước, giăng dây, cắm cờ khảo sát luồng lạch kỹ càng, cờ cắm mấy điểm trên núi Xuân Dương, trên bãi cát dưới làng Nam Ô. Té ra là cho sự kiện này.

Ông Đồng Phiên, 66 tuổi kể, sáng đó gặp ngày nghỉ học, ông đi hái ma dương (cây gai có quả hấp dẫn đối với tuổi nhỏ mọc nhiều trên bãi cát), không biết chuyện gì mà “tàu hả họng” ùn ùn cập bờ. Chiếc tàu đầu tiên đổ quân Mỹ lên bờ cách hầm tăng-sê một đoạn chừng 10m, sau đó nhiều tàu cập bờ xếp hàng dọc kín đặc một góc bãi biển. Đến trưa thì quân Mỹ căng lều bạt trên bãi đất giữa bãi tha ma, chung quanh là những chiếc xe thiết giáp, những chiếc xe giường (như chiếc giường có 4 bánh xe) vận chuyển quân dụng từ bãi biển lên.

Theo các ông này, phía dưới nữa (ý nói Khu du lịch Xuân Thiều Red Beach bây giờ) lúc ấy còn rừng dương liễu rậm rạp khuất tầm nhìn; vả lại điểm ấy ngoài biển cách bờ chừng 700m có một dải đá ngầm rộng gọi là rạng Nam Ô, không ai lại chọn một nơi có nhiều nguy hiểm tiềm tàng để đổ quân bằng đường thủy.

Ông Phan Văn Tải, nguyên Quận ủy viên, Quận đội phó Quận Nhì, Biệt động thành Đà Nẵng, từng chứng kiến việc ngày hôm đó cũng xác nhận rằng địa điểm Mỹ đổ quân là gần hầm tăng-sê. Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết hầm tăng-sê này cách khu du lịch Xuân Thiều hiện nay khoảng 200m về phía Nam, khi làm đường Nguyễn Tất Thành phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng mới được phá căn hầm bằng bê-tông kiên cố này.

Sau năm 1975, khi thành lập các đơn vị hành chính mới với địa giới mới, đất làng Xuân Thiều mới ăn ra tới biển và mặc nhiên nơi đây được “cải danh” thành bãi biển Xuân Thiều và càng “chết tên” khi Khu du lịch Xuân Thiều được xây dựng trên đường Nguyễn Tất Thành, một trong những con đường được cho là thơ mộng nhất nhì thành phố Đà Nẵng.

50 năm đã đi qua trên vùng biển ít sóng gió của biển khơi nhưng sau đó lại mang nhiều sóng gió chiến tranh của con người này. Red Beach Two hay Bãi biển Đỏ số Hai đã đi vào lịch sử của Việt Nam, ghi thêm cho đất và người Đà Nẵng một “kỷ lục” nữa: Nơi Mỹ đổ quân đầu tiên vào Việt Nam, sau khi Pháp – Tây Ban Nha bắn phát súng đầu tiên xâm lược Việt Nam.

Tang thương dâu bể đã làm thay đổi dấu tích xưa. Còn may, khi nơi đây có được một nhà hàng được đặt tên Red Beach, nó đủ khơi gợi sự tò mò của du khách để những nhân viên nơi này kể lại câu chuyện có cái tựa hết sức hấp dẫn: Bãi biển Đỏ số Hai…

THÀNH LÊ - ĐẶNG DÙNG

;
.
.
.
.
.