.

Niềm hy vọng cho người mắc chứng vô sinh

.

Sáng 25-12-2014, em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên chào đời tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc chữa trị chứng vô sinh, hiếm muộn của ngành Y ở miền Trung.

Đoàn Thiên Phúc – em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Đoàn Thiên Phúc – em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Hôm đó, sau khi kíp y bác sĩ của bệnh viện thực hiện mổ đẻ thành công ca thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đầu tiên ở Đà Nẵng, bé trai Đoàn Thiên Phúc đã cất vang tiếng khóc chào đời trong nụ cười rạng rỡ của người thân trong gia đình và đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện.

Thiên Phúc, cái tên được anh Đặng Việt H. cùng vợ là chị Phạm Thùy T. đặt cho đứa con chào đời trong ống nghiệm sau bao khắc khoải đợi chờ như một sự tri ân phước đức ông trời ban cho. Hơn 5 năm trước họ cưới nhau, mòn mỏi đợi chờ nhưng tin vui vẫn không thấy đến. Bác sĩ chẩn đoán họ bị vô sinh nguyên phát, thiểu tinh, không thể có con theo lẽ tự nhiên được. Họ hết mấy lần vào TP. Hồ Chí Minh thực hiện thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung lại tìm đến các bài thuốc Đông y nhưng vẫn không thấy kết quả như mong muốn…

Đến khi hay tin Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng triển khai thực hiện TTTON, anh Hà chị Trang đã đến đăng ký và vận may đã mỉm cười với họ ngay từ lần đầu tiên. Họ là cặp vợ chồng thành công đầu tiên trong khoảng 8.000 trường hợp đến khám và điều trị vô sinh mỗi năm tại khoa Hiếm muộn của Bệnh viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Lê, Trưởng khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng), từ năm 2000, khi còn trực thuộc Bệnh viện Đà Nẵng, khoa đã điều trị vô sinh qua hình thức thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intra-uterine insemination - IUI) cho những trường hợp nhẹ như: tinh trùng yếu nhẹ, rối loạn phóng noãn, vô sinh không rõ nguyên nhân... Từ tháng 4-2014, sau khi trực thuộc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, khoa triển khai phương pháp TTTON áp dụng cho những trường hợp như: tắc vòi trứng hai bên, tinh trùng yếu nặng, không có tinh trùng do tắc nghẽn, lạc nội mạc tử cung nặng, thất bại với nhiều chu kỳ IUI...

Với các kỹ thuật đã thực hiện như: TTTON cổ điển, TTTON - tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, TTTON xin - cho trứng, TTTON với tinh trùng phẫu thuật, TTTON với tinh trùng trữ lạnh, trữ lạnh phôi, trữ lạnh tinh trùng, chuyển phôi trữ lạnh, hỗ trợ phôi thoát màng... khoa Hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng có thể điều trị hầu hết các nguyên nhân vô sinh với tỷ lệ thành công cao tương đương với các trung tâm lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Theo bác sĩ Phương Lê, phương pháp TTTON ở Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng có tỷ lệ thành công đến 37 - 38%, trong khi tỷ lệ này tại các trung tâm điều trị vô sinh lớn ở hai đầu đất nước là 35 - 40%. Từ tháng 4-2014 đến nay, bệnh viện đã thực hiện 197 trường hợp TTTON với 26 em bé ra đời và khoảng 70 trường hợp thai đang tiến triển.

Chi phí trọn gói cho mỗi ca TTTON tại Đà Nẵng trung bình 50 - 60 triệu đồng, tương đương với các bệnh viện công ở hai đầu đất nước (bệnh viện tư có giá cao hơn). Tuy nhiên, theo chia sẻ của những người điều trị vô sinh, khi đến các bệnh viện hai đầu đất nước, tốn kém tiền bạc họ có thể chịu được, nhưng áp lực về thời gian lưu trú, nay đợi mai chờ, nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại... đã khiến cho họ luôn bị căng thẳng và có lẽ đây là một trong những yếu tố góp phần làm cho kết quả điều trị không cao. Đến với Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, họ được giải tỏa về tâm lý, làm xong các thủ thuật là ra về với tinh thần rất thoải mái.

Hầu hết các kỹ thuật TTTON được áp dụng ở các trung tâm lớn của cả nước cũng đều được triển khai và thực hiện ở Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Buổi sáng hôm bé trai Thiên Phúc ra đời đã đi vào lịch sử ngành Y miền Trung. Giờ đây những cặp vợ chồng chẳng may mắc chứng vô sinh, hiếm muộn ở miền Trung không phải đi xa hay thậm chí ra nước ngoài, bởi ngay tại thành phố Đà Nẵng họ cũng có thể hy vọng vào một ngày đẹp trời, khi đứa con được mong đợi cất tiếng khóc chào đời trong nụ cười mãn nguyện của họ: nụ cười của những người chính thức được làm cha làm mẹ.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
  • Chiếc thuyền của lứa đôi Việt - Nhật
    Khu không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản ở Quảng trường Sông Hoài, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An đang trưng bày một chiếc thuyền buồm sơn son với lối kiến trúc cổ xưa khá đẹp. Đây là chiếc thuyền buôn do người Nhật Bản phục dựng để trưng bày ở thành phố Nagasaki từ nhiều năm qua nhằm thể hiện mối bang giao, tình hữu nghị hai nước Việt - Nhật đã có từ lâu đời.
    .
  • Chuyện ông Thất Sáu
  • Ruộng bậc thang 'ở lưng chừng núi'
.
  • Rượu Bàu Đá
    Công viên 29-3 Đà Nẵng từng diễn ra Festival "Làng nghề Việt 2009" với sự tham gia của 60 làng nghề tiêu biểu của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tôi nhớ về rượu lần đó có 3 đại diện gồm: rượu Làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen. Rượu Bàu Đá nổi trội ra sao mà được đại diện cho miền Trung? Hai loại rượu kia có gì đặc biệt? (Phan Mỹ, Hòa Vang, Đà Nẵng).
    .
  • Sơ học Yếu lược thời Pháp thuộc
  • Tháp Bánh Ít
.
  • Màu hoa đỏ tháng Tư
    Tháng Tư, giàn hoa giấy trước nhà ông Năm đỏ rực. Ai ngang qua cũng ngoái cổ nhìn rồi xuýt xoa khen chủ nhà mát tay trồng được giàn hoa đẹp quá. Mấy bà hàng xóm thường nói, ông Năm già rồi mà lãng mạn quá chừng, suốt ngày chăm chút cho mấy cây bông. Mỗi lần nghe, ông Năm chỉ móm mém cười mà không nói gì. Dưới giàn hoa giấy ông kê cái bàn tre, sáng nào cô con gái tên Hạnh cũng pha cho ông tách trà. Ông vừa nhâm nhi vừa ngó lên những cụm hoa khoe màu trong nắng rồi nghĩ ngợi xa xăm.
    .
  • Các khối lực lượng vũ trang hợp luyện diễu binh, diễu hành
  • Người má
.

Đọc nhiều

.
.