LTS: Chuyên mục “Chuyện xưa xứ Quảng” trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 5-8-2012 có đăng bài “Xây chùa từ tượng Phật”, kể về tượng Phật ở chùa Trà Nam thôn Trà Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên (?), ở huyện Đại Lộc cũng có một ngôi chùa và một tượng Phật có số phận tương tự. Xin giới thiệu câu chuyện dưới đây, được tác giả khai thác từ tư liệu cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Đại Lộc (1930 - 1975)”, NXB Đà Nẵng, 1997.
Tượng Phật Thích Ca được cho là pho tượng Phật nhẽo trong chùa Hà Vy. |
Tại thôn Hà Vy, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có một ngôi chùa cùng tên thôn mới được xây dựng vào năm 2006 khá khang trang. Khách hành hương luôn ấn tượng với lối kiến trúc độc đáo này, nhưng ít ai biết rằng, để có ngôi chùa bề thế như ngày hôm nay là nhờ lai lịch của một pho tượng Phật với câu chuyện dài đầy thú vị…
Ông Hồ Thơ 82 tuổi, một phật tử trong thôn, kể rằng: Xưa, vùng Vĩnh Phước có ông Lê Văn Quyền - một bá hộ giàu có nhất vùng đã nguyện đúc một pho tượng Phật bằng đồng để hiến tặng cho làng. Trong quá trình đúc tượng, không hiểu sao đúc đến lần thứ ba mà vẫn không được. Trong một đêm nằm mơ, ông Quyền được báo mộng phải pha thêm 5kg bạc nữa thì mới được. Nhưng với lượng bạc lớn như vậy thì tìm đâu ra?
Ông Quyền suy nghĩ, cuối cùng quyết định vay mượn của bà Huỳnh Thị Nhường người cùng làng. Khi có đủ bạc rồi, thợ bắt tay vào đúc tượng. Lạ thay, pho tượng Phật Thích Ca vừa đúc xong, thì cũng là lúc một số lượng bạc chảy ra từ tượng cân vừa đúng 5kg, đủ trả lại cho bà. Từ đây dân trong vùng quen gọi pho tượng này là tượng Phật nhẽo và đích thân ông Quyền giao lại cho làng Hà Vy thờ phụng đến nay đã gần 210 năm.
Với lòng mến mộ đạo Phật sẵn có của mình, nhân dân làng Hà Vy đã cất một ngôi chùa nhỏ bằng tranh tre nằm bên bờ sông Vu Gia, cạnh một cây sung già thuộc địa phận của làng để bà con chiêm ngưỡng, lễ bái thờ phụng. Đến năm 1957, dân làng góp công sức và tiền bạc xây một ngôi chùa ba gian hai chái bằng đá với vôi sữa trên nền đất cũ, mái lợp ngói âm dương và tượng Phật được thờ yên vị tại đây. Đến năm 1960, khi sông Vu Gia chuyển dòng và ngày một ăn sâu vào đất liền, chùa bị cuốn trôi xuống sông. Dân làng đã chuyển tượng Phật vào sâu cách bờ sông khoảng 500m và dựng một ngôi nhà đơn sơ như cái am nhỏ để thờ.
Thời chống Mỹ, chùa làng Hà Vy là nơi có các cán bộ cách mạng ở lại bám trụ hoạt động, phần rỗng bên trong tượng đã trở thành nơi cất giấu tài liệu bí mật và an toàn nhất trong suốt một thời gian dài vì không ai để ý đến. Chùa nhiều lần bị ném bom phá hoại, nhưng lạ thay pho tượng Phật vẫn ngày đêm ung dung tọa thiền trên tòa sen.
Đến năm 1998, sông Vu Gia lại ăn sâu vào, chính quyền địa phương đã cho di dời và lập nên thôn Hà Vy mới nằm cạnh thôn Ngọc Kinh Tây hiện nay. Pho tượng Phật cũng được các đạo hữu chuyển đến thờ ở vị trí làng mới trên diện tích đất của một phật tử người trong thôn.
Tượng Phật yên vị trong ngôi nhà lợp tôn vách tre, có lúc bão làm tốc mái thì tượng chỉ được đội một cái nón cời trên đầu. Nhân dân trong làng vẫn thắp hương viếng Phật vào những ngày mồng một, ngày rằm; chùa trở thành nơi linh thiêng của làng, ai có điều gì muốn cầu xin thì đến khấn nguyện. Nhân dân làng Hà Vy và ở các làng xung quanh rất quý pho tượng vì cho rằng tượng Phật Thích Ca được làm bằng đồng đen. Bọn xấu hay tin liền tổ chức đánh cắp tượng Phật và đem đục đẽo ở phần cánh tay, đến khi biết tượng không phải làm bằng đồng đen thì hoảng quá, lén đem trả lại.
Không cam lòng nhìn tượng Phật phải dãi dầu mưa nắng, vào năm 2004 Ban hộ tự chùa Hà Vy xin giấy phép xây dựng. Vào ngày 24-3-2005 nhằm rằm tháng 2 năm Ất Dậu, công trình xây dựng chùa mới đã được động thổ và khởi công. Thiện nam tín nữ khắp nơi cùng với các phật tử trong làng đã góp công, góp của xây ngôi chùa. Hơn một năm sau, vào ngày mồng 10 tháng 4 năm Bính Tuất, chùa Hà Vy đã được khánh thành theo kiểu kiến trúc chùa Phật giáo Việt Nam. Và hơn hết, mọi người đã yên lòng vì pho tượng Phật lắm nỗi thăng trầm đã có một nơi yên vị đàng hoàng với sự kính trọng, thờ phụng của bà con phật tử gần xa.
Nếu có dịp đi trên quốc lộ 14B, qua khỏi cầu Hà Nha khoảng 2km (thuộc địa phận xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc), phía bên phải có bảng chỉ dẫn đường ra chùa Hà Vy, khách có thể ghé thăm ngôi chùa vừa mới xây để một lần được chiêm ngưỡng tượng Phật Thích Ca mà tương truyền gọi là pho tượng Phật nhẽo.
NGUYỄN VĂN SƠN