.

Tầm nhìn tiến sĩ

.

Ngày trước, mỗi học vị đều có ý nghĩa là đẳng cấp riêng biểu hiện năng lực của người đạt được nó. Cử nhân là người đạt trình độ có thể cử người tài ra gánh vác công việc xã hội; tiến sĩ là người có đủ năng lực để tiến cử cho vua những kẻ sĩ đủ tài đức gánh vác trọng trách của triều đình. Với ý nghĩa đó, Phạm Phú Thứ xứng tầm là một tiến sĩ.

Mộ cụ Phạm Phú Thứ tại xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Mộ cụ Phạm Phú Thứ tại xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ông tự là Giáo Chi, hiệu là Trúc Đường, biệt hiệu là Giá Viên, lúc nhỏ có tên là Phạm Hào, sinh năm 1821 tại làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Năm 1842, ông đỗ đầu kỳ thi Hương, năm sau đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình, ông đứng đầu bảng Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ông từng trải qua các chức vụ Tri phủ Lạng Giang, Tư Nghĩa; Án sát Thanh Hóa, Hà Nội; Tham tri Bộ Lại, Bộ Binh; Thượng thư Bộ Hộ; Phó sứ trong sứ bộ sang Pháp để chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ; Tổng đốc Hải Yên kiêm Tổng lý Thương chánh đại thần.

Ông là nhà cải cách tiên phong, nhà văn hóa lớn, nhà ngoại giao tài năng. Suốt đời không những đem cả tài năng để phục vụ đất nước mà còn đề cử cho triều đình những “kẻ sĩ” góp phần cùng ông trong nhiệm vụ chung. Ông tiến cử lên vua Tự Đức hai người đồng hương mà sau này ai cũng cho là những người tài đức, xứng đáng là những “rường cột” của  triều đình, đó là Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Dục và Tiễu phủ sứ Ông Ích Khiêm.

Chuyện kể, năm 1864, tình hình học tập tại kinh đô có chiều giảm sút, giám sinh ở Trường Quốc tử giám thiếu vắng nhiều. Vua Tự Đức lấy làm lo lắng, đem việc này bàn với Phạm Phú Thứ, đang là Tham tri Bộ Lại. Nhà vua hỏi: “Ở Quảng Nam có người nào có học vấn uyên thâm, phẩm hạnh đoan chính có thể chăm lo việc học ở Quốc tử giám? Phạm Phú Thứ thưa ngay: Bẩm có Nguyễn Dục,
người làng Chiên Đàn, huyện Hà Đông.

Vua Tự Đức bổ Nguyễn Dục làm Tế tửu Quốc tử giám, sau đó làm Giáo đạo Dục Đức Đường để dạy các hoàng tử. Nguyễn Dục đã không phụ lòng nhà vua. Sự hài lòng của vua được thể hiện trong tờ chiếu ban thưởng cho Nguyễn Dục: “Nguyễn Dục vốn giữ Thị lang, sung làm Tế tửu Quốc tử giám rồi Giáo đạo Dục Đức Đường, là hoằng tài trong hàng phụ phát, là rường cột vĩ đại..., lắm phen được ca ngợi là bậc mô phạm tốt đẹp hợp với vũ nghi... nay thăng thụ Trung phụng Đại phu...”.

Lần khác vào năm 1874, tuy quân Pháp đã rút khỏi đất Bắc, nhưng tình hình vẫn chưa được yên do tàn dư của giặc Ngô Côn, Tạ Văn Phụng; sự xung đột lương giáo ở các vùng Bắc Ninh, Quảng Yên; tình hình tranh thương của ta với hai thế lực Pháp - Trung Hoa trên đất Bắc.

Triều đình bối rối không biết chọn người nào giỏi cả về nội trị lẫn ngoại giao để có thể ra nơi “đầu sóng ngọn gió” này. Các đại thần chỉ muốn ẩn thân nơi kinh đô. Suy đi tính lại, vua Tự Đức thấy không ai hơn Phạm Phú Thứ, lúc này đang là Thượng thư Bộ Hộ. Thế là ông phải ra Bắc lãnh chức Tổng đốc Hải Yên (Hải Dương, Quảng Yên) kiêm Tổng lý Thương chánh Đại thần.

Nghe tin ông được cử trọng trách mới, một số quan lại ưa xu nịnh trong triều thở phào nhẹ nhõm vì khỏi phải gánh vác việc nặng lại không còn bị ông “Nghè Nhị nguyên” cương trực này giám sát. Vua Tự Đức giao nhiệm vụ cho ông kèm một bài thơ, trong đó có hai câu vừa thể hiện sự đánh giá tài năng vừa là sự gửi gắm của nhà vua vào vị “lương thần kinh lịch” này: “Tuyền dũng chiêu thương nhiêu quốc phú/ Băng tan quần đạo tĩnh quân nhu” (Tạm dịch: Làm sao cho việc buôn bán dồi dào như nước trong suối chảy ra để nước nhà giàu có, làm cho giặc tan như băng để Nhà nước đỡ tổn hao binh phí).
Sau một tuần về quê, ông trở lại kinh với kế hoạch ra Bắc đã được sắp sẵn trong đầu. Nhân bữa tiệc tiễn chân tại Bộ Lễ có cả vua Tự Đức dự, ông đã tâu: “Hải An là vùng quan yếu không dành cho những người yếu hèn. Gần đây các tướng ở đất Bắc duy có Tôn Thất Thuyết và Ông Ích Khiêm là tương đối trội hơn…”. Khi ông tiến cử họ Ông thì vua Tự Đức chuẩn y ngay và “giao Ông Ích Khiêm để khanh giáo hóa thêm”.

Chính nhờ tài thao lược của Ông Ích Khiêm mà giặc Ngô Côn bị tiêu diệt, dư đảng Tạ Văn Phụng cũng bị đánh tan. Đám thổ phỉ và giặc tàu ô ở vùng biển Quảng Yên cũng không dám quấy phá. Phạm Phú Thứ rảnh tay tập trung vào việc nội chính. Ông mở kho phát chẩn cho dân vùng Văn Giang bị đói do vỡ đê, khai thông sông Bình Giang, mở trường dạy tiếng Pháp ở Ninh Hải, mở Hải học đường để in sách phổ biến kiến thức mới, đẩy mạnh ngoại thương, biến một làng chài thành cảng biển sầm uất là cảng Hải Phòng. Cả một vùng rộng lớn ở Đông Bắc Bắc Bộ được hai ông quan người Quảng, một văn một võ biến thành một khu vực ổn định và phát triển. Cảm khái trước việc này tri huyện Cẩm Giàng Nguyễn Tường Tiếp tặng Phạm Phú Thứ câu đối:

“Huệ chính kỳ huân, Lục Đầu giang, đông hạ thiên vạn lý/ Hùng văn lại bút, Ngũ Hành sơn, nam trung đệ nhất phong” (Tạm dịch: Trị chính tiếng thơm vang phúc một vùng đông sông Lục Đầu – Bút quan hùng tráng miền Nam, chính giữa núi Ngũ Hành, một đỉnh cao).

Năm 1882, Phạm Phú Thứ qua đời, Tự Đức cử Ông Ích Khiêm thay mặt triều đình đến chủ trì lễ tế cho Phạm Phú Thứ như là sự vinh danh mà nhà vua dành cho hai ông.

Phạm Phú Thứ xứng đáng không những là vị tiến sĩ đỗ cao nhất và trẻ tuổi nhất của đất học Quảng Nam mà còn là người có “tầm nhìn tiến sĩ” đúng nghĩa.

LÊ THÍ

 

;
.
.
.
.
.