Ở hữu ngạn sông Hàn, vào cuối thế kỷ XIX từng có một xưởng đóng tàu chạy bằng hơi nước. Đây là kết quả từ một ý tưởng mà trong mắt của những người Pháp đương thời là đầy phiêu lưu, “biết trước sự thất bại” của một trung úy hải quân Pháp có tên Entienne Mercié.
Tại xưởng này đã cho ra đời một chiếc tàu chạy bằng hơi nước loại nhỏ nhằm thực hiện tham vọng khám phá những vùng đất mới tại Đông Dương thuộc Pháp, tuy nhiên nó đã thất bại và số phận của người làm ra nó cũng không hơn gì, thậm chí suýt mất mạng!
Tờ báo Tương lai Bắc Kỳ (l’Avenir du Tonkin) ngày 5-10-1895 đã kể lại thất bại này của trung úy Mercié. Tuy nhiên, sau đó dường như sợ ý tưởng bất vụ lợi này đi vào quên lãng nên năm 1936, H. Cosserat tiếp tục công bố lại trong tạp chí Những người bạn cố đô Huế (bản dịch của Hà Xuân Liêm, NXB Thuận Hóa, 2010, tr. 162-176) bằng một bài viết được bổ sung các tư liệu trong thư khố Đông Dương.
Bước đầu tiên trong chuỗi ý tưởng của Mercié là xin nghỉ một năm không hưởng lương và một khoản trợ cấp 20.000 piastre để thực hiện; tuy nhiên Bộ Thuộc địa chỉ có thể chấp nhận cho ông thời gian chứ không thể cấp kinh phí cho ý tưởng phiêu lưu này, ngân quỹ Đông Dương không đủ để thực hiện điều đó.
“Trong mọi lúc ông ta đều có thể nghĩ đến sự ủng hộ về mặt tinh thần của chúng tôi, nhưng ông ta đừng nên có một chút hy vọng nào về mặt trợ giúp bằng vật chất tiền của cả”. Nhận được sự khẳng định dứt khoát của Toàn quyền Đông Dương, buộc lòng Mercié phải tự mình xoay xở bằng tài chính cá nhân và vay mượn.
Ông đã “đổ bộ” lên Đà Nẵng rồi dựng lên một xưởng nhỏ, “chính trong xưởng cơ khí nhỏ bé này, lần đầu tiên được tạo lập tại Tourane, chúng tôi tin thế; mà người ta thấy cột khói vươn cao trong vụng biển, và về sau nó có thể được sử dụng và mở rộng cho nhiều công trình khác nữa”.
Sản phẩm đầu tay và duy nhất sớm được hoàn thành và đặt tên La Fourmi. Nó được miêu tả là tương tự những chiếc tàu ruồi chở khách trên sông Seine. Có sống mũi tàu hẹp, hình dạng rất thanh ở đằng trước, rồi nở dần ra rất rộng ở giữa, tạo một lòng tàu phẳng, làm cho mớn nước yếu, tất cả chỉ nhằm bảo đảm cho độ bền của chiếc tàu. Kích thước của tàu La Fourmi rất khiêm nhường: dài 10m, rộng 2,5m ở chính giữa; mớn nước trước 0,18m, mớn nước đằng sau 0,45m; tốc độ tối đa 6-8 hải lý/giờ; áp lực 8kg.
Thực tế đây là một chiếc tàu hơi nước nhỏ, sau khi hoàn thành, chạy thử hoàn hảo, nó được tháo rời để có thể vận chuyển ra Quảng Trị bằng đường biển, sau đó ngược sông rồi tiếp tục vận chuyển qua đường bộ bằng chính sức người khênh vác qua đường núi Lao Bảo sang Lào, hạ thủy tại sông Tchépon, chạy về sông Sé-Bang-Hiên rồi đi đến sông Mê Kông.
Các mảnh ghép nhỏ có thể vận chuyển được nhưng khó khăn lớn nhất chính là chiếc nồi hơi nặng đến 800kg và họ phải huy động đến 30-40 cu-li (người lao động làm thuê những việc nặng nhọc, như khuân vác, kéo xe,... dưới thời thực dân) chia tốp, vừa đi vừa phát dọn cây cối.
Cuộc hành trình gian khó lên đến 35km trong lúc mỗi lần nâng băng-ca, họ chỉ có thể đi được 10-12m. Đó quả là một thử thách không hề giản đơn, Mercié phải trả giá, chỉ đi được hơn 3km thì đám cu-li tuyên bố không thể bước thêm một bước nào lên trước được nữa và họ đã chạy trốn, mang theo lương thực và tiền bạc. Tuy vậy, vượt qua mọi khó khăn, huy động lại nhân lực khuân vác, cuối cùng họ cũng tới được sông Tchépone, lắp ráp và hạ thủy vào ngày 25-8-1895 “giữa một đám người tới xem rất đông”, tò mò xem “những con quỷ người Pháp lạ lùng biết bao khi họ đi nhanh đến vậy”...
Chiếc tàu Fourmi bắt đầu thực hiện sứ mệnh khám phá của mình bằng việc vượt qua được những thử thách khó khăn đến nỗi nó chỉ “như một cọng rơm” giữa dòng nước. Tuy vậy, nó vẫn may mắn vượt qua 4 ngọn thác và đến ngọn thác thứ năm thì bị va vào đá. Tai nạn này khiến chiếc tàu lật úp trong dòng nước xoáy còn Mercié suýt mất mạng.
Thất bại của Mercié vẫn khiến kẻ đam mê khám phá này nổi tiếng, ít nhất là trong con mắt của nhiều người ông đã “thành công trong tham vọng của mình” và có thể thuyết phục một nhà thám hiểm nào khác đi lại trên con đường mà ông đã chọn. Tuy nhiên đổi lại, ông đã tiêu tốn đến hơn 50 ngàn franc cho các dự án của mình và buộc phải bán đi tất cả của cải và bất động sản mà ông có ở Đà Nẵng, thậm chí chưa đợi làm xong một số vướng mắc ông đã vội trở về Pháp vào cuối năm 1895.
Kết thúc trong tay trắng, thậm chí có người còn chế giễu Mercié rằng, nếu nó có thành công thì con đường đó cũng chẳng có lợi lộc gì. Ngày nay rất khó hình dung ra vị trí xưởng đóng tàu hơi nước đầu tiên tại Đà Nẵng do Mercié tạo lập bởi thông tin từ sử liệu không có nhiều.
LÊ CÔNG