Ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, có hai điều “bất tường”: núi Xuân Sơn của làng Xuân Thiều thì nằm giữa làng Nam Ô; rừng Bần Giá của làng Nam Ô lại nằm trên đất nà của làng Xuân Thiều. Điều lạ lùng này đã được cụ Sáu Hào (Đinh Ngọc Hoàng, đã quá cố) lý giải bằng câu chuyện dưới đây.
Núi Xuân Sơn, nay gọi là núi Xuân Dương. Ảnh: V.T.L |
Nguyên xưa, thời đầu triều Gia Long, ba làng Nam Ô, Xuân Thiều và Xuân Dương ngày nay đều cùng chung một làng tên là Cu Đê (thời đó nhà trạm Nam Ổ mang tên làng là nhà trạm Cu Đê), dân cư tuy thưa thớt nhưng đã hình thành nên nghề nghiệp thuận theo địa mạo dân cư, nghề biển và nghề nông.
Đến đầu triều Minh Mệnh, do số dân ngày một phát triển, việc chia làng thuận theo nghề nông, biển được đặt ra. Cuộc đàm phán chia làng cuối cùng cũng kết thúc. Làng thuận nông tên là Xuân Sơn, được chia đất làm ruộng, trồng trọt hoa màu, có cả Bàu Tràm nước đầy tưới tắm. Làng thuận biển tên là Hoa Ổ, được chia sông nhiều tôm cá, có ghềnh đá, rạn ngầm, cả mặt biển trước làng dồi dào hải sản. Cả hai tên làng đều có ý nghĩa sáng sủa tốt đẹp cả.
Đến thời Thiệu Trị thứ nhất (1840) tên Hoa Ổ bị kỵ húy Thuận Đức Thần phi Hồ Thị Hoa, mẹ vua Thiệu Trị, nên quy chế đương thời buộc phải đọc trại thành Ba hay phải viết thành Hóa (化, là chữ Hoa 花 bớt đi bộ Thảo trên đầu). Tên Hóa Ổ có từ đó. Tên nhà trạm Nam Hoa cũng đổi thành trạm Nam Ổ, về sau đọc trại thành Nam Ô.
Người làng Xuân Sơn theo nghề nông, từ ngày mang xã hiệu mới lòng luôn đau đáu một nỗi, bởi Xuân Sơn là tên núi ở giữa làng Hóa Ổ mà làng mình cứ phải mang tên, nên theo dịp ấy cũng đổi luôn thành Xuân Thiều.
Trong thời gian chia làng đặt tên khai cơ ấy, cụ họ Trần lý trưởng làng Hóa Ổ có cô em gái gả cho cụ họ Huỳnh lý trưởng làng Xuân Thiều (ông này sau đó được người dân Xuân Thiều tôn là Tiền hiền Khai khẩn). Mối giao hảo hai làng càng trở nên thân thiết khi bà vợ cụ Huỳnh tạ thế, được an táng giữa đất làng Nam Ô (dân Nam Ô vẫn gọi là mộ bà Tiền hiền, đến năm 1981 mới dời về Xuân Thiều).
Trong lúc mối giao hảo anh vợ - em rể đang ngày một bền chặt, cụ Huỳnh làng Xuân Thiều với tư cách là lý trưởng luôn đau đáu nỗi lòng về núi Xuân Sơn của làng mình.
Một ngày kia, người tình cảm, kẻ mưu ý hẹn nhau ngồi lại “chén chú chén anh”. Khi đó Hóa Ổ đang trúng mùa cá trích, Xuân Thiều thì bội thu nông sản tốt tươi. Ông em rể làm măng mè trộn sắn, kèm kẹp rau muống tươi non cùng chai rượu tăm xứ Huế mang ra đãi ông anh vợ. Ông anh vợ quyền lực nhất làng Hóa Ổ, được dân chài kỉnh mớ cá trích tháng bảy tươi xanh lấp lánh mọc mời. Rau muống luộc, kẹp thêm măng mè trộn sắn cùng với cá trích nướng than hồng thơm lừng, vằm nước mắm tháng ba nguyên chất kèm ớt tỏi đưa cay. Ôi! Giữa tiết thu trời mát, tình cảm tròn đầy, chuyện dồn đông tây kim cổ đã thúc hai cụ chén bay chai rượu tăm quý giá đến chếnh choáng hơi men.
Đúng lúc đó cụ Xuân Thiều đưa ra mưu ý: Anh coi, núi Xuân Sơn toàn đá, chung quanh bãi trống đất bằng, anh cho em đến mùa phơi khoai phơi sắn được không?
Cụ Hóa Ổ thực tình: Làng tui chỉ cần bãi cát sát biển đủ phơi mấy giàn lưới cái chài là được rồi. Núi ấy để không làm chi, phí, dượng cứ đem sắn khoai ra mà phơi!
Cụ Xuân Thiều khích tướng: Anh em dễ rứa rồi, chớ không biết ý dân làng ra răng.
Trong lúc tửu hứng, cụ Hóa Ổ vỗ ngực: Thằng nào qua được thằng này. Đố thằng mô dám.
Đã chuẩn bị từ trước, cụ Xuân Thiều rút trong túi áo ra một tờ văn tự viết sẵn: Dạ, ai qua anh được, anh chịu rồi nhờ anh điểm chỉ, ký tên vào đây. Có ai hỏi, em đưa.
Trong cơn say ngắc ngứ, không biết cụ Hóa Ổ có đọc không mà đã nhanh chóng ký vào văn tự, kèm dấu chỉ tay in từ lọ nồi mang lên từ bếp. Cuộc rượu chén tạc chén thù chấm dứt.
Mấy ngày sau, quan trên huyện về triệu tập chức việc, thân hào nhân sĩ và nhân dân hai làng công bố văn tự và quyết định giao núi Xuân Sơn cho làng Xuân Thiều quản. Bởi văn tự giấy trắng mực đen có cả ký tên điểm chỉ rành rành. Cụ Lý trưởng trố mắt, các bô lão tiên chỉ trong làng ngớ người, dân Hóa Ổ rố lên phản đối.
Quan huyện ra quyết định vỗ yên lòng dân: Bù lại, giao Hóa Ổ quản rừng Bần Giá ngập mặn ở bờ tây sông Hóa Ổ trên đất nà Xuân Thiều để cải thiện những ngày ngư nhàn, biển động, phù hợp với nghề sông nước của dân Hóa Ổ.
Quan đã phán. Nếu không chịu cũng đành thôi. Từ đó trong dân gian có câu ca “Lỗi lầm vì cá trích ve. Vì rau muống luộc, vì mè trộn măng” để ghi nhớ về sự kiện này.
ĐẶNG DÙNG