.

Ký ức ghe bầu

.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ghe bầu không còn chiếm ưu thế như những thế kỷ trước đó, nhưng nó vẫn được xem là một biểu tượng của những người đi biển miền Trung.

Mô hình ghe bầu tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Mô hình ghe bầu tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Khoảng từ giữa thế kỷ XVI, ghe bầu (thương thuyền) là phương tiện hàng hải quan trọng bậc nhất ở Việt Nam, tồn tại đến nửa đầu thế kỷ XX và là sản phẩm độc đáo của những người thợ đóng ghe thuyền các tỉnh ven biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Đó là loại ghe đi biển của cư dân miền Trung chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai.

Tên gọi “Ghe bầu” được nhiều nhà nghiên cứu giải thích như sau:

Theo các nhà ngôn ngữ học, danh từ “ghe bàu” (ghe bầu) có lẽ là cách phát âm của người Việt khi đọc chữ prau hay perahu của ngôn ngữ Mã Lai. Chữ prau là một danh từ chỉ ghe, thuyền, một loại phương tiện chuyên chở trên mặt nước (water crafts). Ngô Đức Thịnh cho rằng có thể tên gọi ghe bàu là biến âm của tên gốc Chăm là prau, một loại thuyền mà người Mã Lai thường dùng đi lại giữa các đảo ở vùng Đông Nam Á hải đảo. Đây là loại thuyền mà mũi và lái đều nhọn, bụng bầu, độ ngấn nước sâu, nên thuyền có khả năng ra khơi xa. Bánh lái (kiểu lái cối, lái ống, lái âm dương...) đều có cấu tạo là sỏ lái xuyên trực tiếp vào bánh lái. Thuyền dùng loại buồm hình tứ giác hay cánh dơi. Mắt thuyền có hình dẹp, dài, trước tròn, đuôi mắt dài nhọn... (theo Địa chí Quảng Ngãi, NXB Từ điển Bách khoa, 2008).

Thuyền cấu tạo có lòng cốt, lòng thuyền ngăn thành từng khoang để chứa hàng. Có loại ghe bầu đáy bằng nan, trên là ván be ghép với nhau bằng chốt mộng. Thuyền sử dụng lái lồi, bánh lái cong theo lô lái, sâu dưới lòng cốt. Lực đẩy thuyền là các lá buồm: buồm lòng, buồm mũi ở hai đầu ghe. Mắt thuyền lớn, dài, xếp về phía sau. Ghe bầu thuộc loại thuyền lớn, có thể trọng tải từ 50 - 100 tấn, có thể chạy ngược gió bằng kỹ thuật “chạy vát”.

Nếu như một số loại thuyền bè trên thế giới còn có thể có những chi tiết kỹ thuật, hình dáng… chịu ảnh hưởng của các loại ghe thuyền khác, kết quả của giao lưu văn hóa công nghệ trên biển cả, thì ghe bầu được coi là một đặc sản thuần Việt với một bộ buồm gồm ba chiếc: buồm mũi, buồm loan (hay buồm lòng vì nằm giữa thuyền) và buồm cựu (đuôi thuyền).

Biển và ghe bầu trở thành một dấu ấn quan trọng trong đời sống của cư dân miền Trung nói chung và cư dân Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng trong suốt những thế kỷ từ XVI đến XIX. Hội An - Quảng Nam từng được dân miền Trung và dân Nam bộ ngày xưa mệnh danh là dân ghe bầu. Những chuyến hàng xuôi ngược từ Bắc vào Nam với những mặt hàng như đường, quế, mật ong, dầu phụng, đá vôi, cau khô, lúa gạo, vải vóc, sợi gai... đã góp phần tạo cho giao thương đường thủy phát triển. Ngoài ra, ghe bầu còn được sử dụng trong những chuyến đi biển đánh bắt cá và buôn biển. Qua đó thấy được sự gắn bó của cư dân nơi đây với chiếc ghe bầu.

Trong văn hóa, nó cũng có một nền tảng khá vững chắc, không chỉ là phương tiện buôn bán, vận chuyển mà nó còn truyền tải theo đó những hành trang văn hóa giữa các vùng miền. Dọc ngang những chuyến đi biển, ghe bầu trở thành gạch nối, là mối giao lưu giữa các miền Bắc, Trung, Nam trên ý nghĩa vật chất và tinh thần.

Tìm trong kho tàng ca dao có khá nhiều câu phản ảnh thực tế hoạt động của các lái, những tâm tư tình cảm của họ cũng được gửi gắm vào đó thông qua hình ảnh những chiếc ghe bầu. Những làn điệu hò khoan trên những chuyến hải trình xa đã giúp cho họ vơi đi nỗi nhớ nhà: Ghe bầu dọn dẹp kéo neo/ Mấy chú bạn chào bắt cái hò khoan.

Hay nỗi niềm của những cô gái đã trót yêu những anh bạn ghe, phải để lại mẹ già: Ghe bầu trở lái về đông/ Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi.

Ghe bầu còn là phương tiện chuyên chở thông điệp tình yêu: Chim quyên đậu lái ghe bầu/ Miệng kêu bớ Bảy xuống lầu trao thơ.

Ghe bầu đã ghi dấu ấn đối với cư dân miền Trung không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà còn ăn sâu vào đời sống tinh thần. Hiện nay ghe bầu không còn phát triển rực rỡ như những thế kỷ trước đó nhưng nó đã trở thành một biểu tượng của người đi biển miền Trung, chính vì vậy Bảo tàng Đà Nẵng đã xây dựng một mô hình chiếc ghe bầu để trưng bày nhằm lưu giữ và giới thiệu cho khách tham quan.

PHAN NGỌC MỸ

;
.
.
.
.
.