.

Chuyện quỷ sa thạch và trâu vàng

.

Quảng Nam có mỏ vàng Bồng Miêu đã đi vào ca dao: “Từ ngày Tây lại cửa Hàn/ Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu”. Thế nhưng, ngay cạnh khu mỏ lừng danh này có một mỏ vàng khác nổi tiếng không chỉ vì trữ lượng khoáng sản mà còn vì những truyền kỳ mang màu sắc huyền bí.

Nhà Thùng, dấu tích của mỏ vàng Bồng Miêu bên cạnh mỏ vàng Đông Tiễn từ thời Pháp thuộc. Ảnh: VP.Q
Nhà Thùng, dấu tích của mỏ vàng Bồng Miêu bên cạnh mỏ vàng Đông Tiễn từ thời Pháp thuộc. Ảnh: VP.Q

Đó là mỏ vàng Ðông Tiễn nằm trong dãy núi Chóp Chài, liền kề với Bồng Miêu, ở phía Tây xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Khi người Pháp vơ vét mang về nước các loại khoáng sản có giá trị kinh tế, nhất là vàng của nước ta thì các mỏ vàng như Bồng Miêu, Đông Tiễn không là ngoại lệ. Các đoàn thám sát của họ tỏa đi khắp nơi để dò tìm các quặng mỏ. Khi băng bộ rồi vượt sông gần 10km từ chợ Vinh Huy ở mé Tây xã Bình Trị qua đập Đông Tiễn đến đường rừng trong núi Chóp Chài, họ phát hiện ở đây có mỏ vàng với trữ lượng rất cao được “giấu” trong một loại đá màu trắng.

Thầy phù thủy và quỷ sa thạch

Đúng là như dân gian Việt Nam thường nói, “mừng như bắt được vàng”, người Pháp tức tốc đưa các loại máy móc băng bộ, băng sông vào thẳng trong rừng sâu và tổ chức khai thác vàng. Nhân công thì không phải tìm đâu xa, nông dân quanh vùng hằng năm phải đối mặt với nguy cơ thất bát mùa màng nên sẵn sàng tham gia đội quân phu phen để mong thoát cái đói.

Các vị cao niên trong làng kể rằng, làm phu mỏ vàng chẳng khác gì làm nô lệ, cứ mỗi 20 dân phu có một tên cai người Pháp mang súng theo dõi. Mỗi người phu phải gánh một đôi gánh chứa những gói hàng đã được niêm phong cẩn thận nặng chừng 20kg, mỗi ngày lầm lũi lội bộ 10km từ khu mỏ ra đến cầu Hỏa Xa, nay là cầu Bình Trị, nằm bên quốc lộ 14. Dù không được biết những gói hàng chuyển lên tàu hỏa là thứ gì nhưng ai cũng ngầm hiểu đó là vàng, vì không phải cái loại khoáng sản khiến họ phải đổ máu và nước mắt ấy thì là gì vào đây nữa?!

Thế rồi, do làm việc cực nhọc, ăn uống kham khổ lại thêm rừng thiêng nước độc, dần dần dân phu đổ bệnh và lần lượt bỏ mạng giữa rừng sâu. Để trấn an những người phu vốn nặng lòng mê tín, người Pháp cho mời một thầy lang kiêm nghề phù thủy về chữa bệnh cho họ. Sau một hồi múa may, ông thầy “phán” rằng dân phu đã bị “quỷ sa thạch mặt trắng” ám cho chết!

Chuyện đồn quanh vùng, dân làng không ai dám đụng đến những viên đá trắng mà thầy phù thủy gọi là “quỷ sa thạch mặt trắng”. Người Pháp liền cho xây một ngôi miếu khá lớn gần chợ Vinh Huy. Thầy lại “phán”: Dân làng hễ ai gặp đá trắng thì mang vào đó, đặt lên bàn án và cúng vái thì mọi việc sẽ tốt lành. Có một điều lạ lùng là, dân làng mang “quỷ sa thạch” vào cúng đêm trước thì đêm sau “quỷ” biến mất. Ai cũng sợ xanh mặt, càng không dám đụng đến đá trắng.

Mãi về sau, khi thầy phù thủy sắp chết, bèn kêu con cháu lại bảo rằng: Mọi chuyện đều do người Pháp sắp đặt hết, ta đã dại dột nghe lời họ nên vô tình giúp cho họ dễ dàng lấy vàng từ đá trắng mà không tốn công sức gì...

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Khi câu chuyện “quỷ sa thạch” biến mất sau một đêm còn đang râm ran thì một chuyện khác nổi lên làm dư luận xôn xao không kém.

Hôm nọ, có một anh nông dân hớt hơ hớt hải chạy từ ngoài đồng về, trong tay một nắm sợi màu vàng, mặt cắt không còn giọt máu. Mọi người trong xóm gặng hỏi chi anh cũng không chịu nói mà đưa tay chỉ lên núi Chóp Chài. Một lúc sau hoàn hồn, anh mới giơ nắm sợi lên, nói rằng đây là lông con trâu vàng. Anh kể, thấy nó nhởn nhơ gặm cỏ, toàn thân rực chói màu vàng dưới ánh nắng, anh đến vỗ về, vuốt ve và định dắt nó về nhà. Đi được đâu chưa tàn nửa điếu thuốc, nó bất đồ quay đầu chạy, anh đuổi theo đến chân núi Chóp Chài thì nó chui vào núi và tan vào trong tảng đá trắng. Anh chỉ kịp nắm đuôi nó kéo lại nhưng chỉ bứt được một nắm lông.

Mọi người kiểm tra thì thấy đúng là lông bằng vàng thật. Từ đó, dân làng đổ xô lên núi Chóp Chài mang đá trắng về nhà đập nhỏ ra để tìm “trâu vàng”. Thế nhưng, công nghệ luyện vàng đâu phải là nghề của nông dân, nếu không có một vài người “mách miệng” rằng, trâu vàng đã tan vào đá, phải xay nát đá, bỏ thêm một ít hóa chất thế này, thế này… và nung lửa thì vàng sẽ chảy ra. Người dân làm theo và đã tìm được vàng.

Người Pháp điên đầu vì chuyện “quỷ sa thạch” đã không có cái kết như họ mong muốn, bỏ công sức điều tra xem kẻ nào đứng sau xúi dân lấy vàng cũng không kết quả gì. Họ không biết rằng vùng Bình Trị, Tiên Phước, Tiên Thọ, Phú Ninh thời đó, ngoài xứ sở luyện vàng, còn là nơi đặt bản doanh của phong trào Cần Vương Quảng Nam. Những chí sĩ yêu nước trong phong trào đã dựng lên chuyện “trâu vàng”, bày cách lấy vàng để người dân giành lại loại khoáng sản quý này từ tay thực dân - tác giả của “quỷ sa thạch”.

Chuyện đời là thế, vỏ quýt dày có móng tay nhọn!

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.