Ông Trần Đê người làng Sơn Trung nay là xã Quế Hiệp, nơi mà đất và người thuộc loại đặc biệt nhất Quảng Nam.
Nhà thờ Tiền hiền làng Nghi Sơn, nơi tổ chức hội làng hằng năm vào mồng 9 tháng Giêng. |
Từ “đảo thổ ngữ”
Nằm ở phía tây bắc huyện Quế Sơn, dưới chân núi Hòn Tàu, Quế Hiệp sở hữu những tài sản vô giá. Một cánh rừng thiêng có diện tích hơn 10ha, với gần 500 tuổi, được bảo vệ nghiêm ngặt không chỉ từ luật bảo vệ rừng mà bằng ý thức của người dân về bảo vệ giá trị truyền thống của tổ tiên và bằng niềm tin tâm linh: “Rừng bảo vệ cho dân làng, làng phải bảo vệ rừng”. Một bản hương ước quy định về hôn nhân, về việc bảo vệ rừng, đồng ruộng, được người dân tự nguyện thực hiện một cách nghiêm túc. Một hội làng được tổ chức vào mồng 9 tháng Giêng âm lịch, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, không hề có chút màu sắc mê tín hay mang tính “thị trường”.
Đặc biệt, nơi đây một giọng nói “không giống ai” so với các làng xã khác của Quảng Nam, nên được coi là một “đảo thổ ngữ”. Cũng do “đảo thổ ngữ” này mà đã có nhiều ngộ nhận.
Nhà báo Xuân Ba khi đến làng Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, đã nhận ngay là ngôi làng “đồng hương” Thanh Hóa và đinh ninh địa danh Nghi Sơn ở đây là do lưu giữ quê xứ Nghi Sơn của Thanh Hóa. Trong báo Năng lượng mới, số ra ngày 21-4-2010, ông viết như sau:
“Tình cờ lần ấy đi miền Trung tôi lạc vào một cái làng lạ!
Làng có tên là Nghi Sơn. Nghi Sơn của xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Cái lạ đầu tiên, dân làng ấy không nói âm Quảng “Nôm” mà như thế nào nhỉ, chả phải là phảng phất nữa, đặc sệt giọng xứ Thanh!
Đêm đó không phải chai rượu lạt mà chất giọng nằng nặng quê kiểng của ông già làng tên Năm kéo dài câu chuyện mãi đến khuya lắc khuya lơ. Ông Năm, dân xứ Quảng của thế kỷ XXI hay là cụ vừa bước ra từ những thăm thẳm thế kỷ XV thời Lê Thánh Tông của Đại Việt”.
Hà Kiều trong báo Nhịp sống Thời đại ngày 14-5-2014 lại cũng chắc như “đinh đóng cột” nhưng theo một kiểu khác: “Xưa nay, thôn Nghi Sơn được biết đến là một xứ “Nam Bộ” thứ 2 của Việt Nam. Sở dĩ gọi như vậy bởi người trong xã này có một giọng nói đặc “sệt” tiếng miền Nam… Mới thoạt nghe, chúng tôi cứ ngỡ những người trong làng này là người Sài Gòn hay có họ hàng về quê thăm vì giọng nói của họ không lẫn vào đâu được, miền Nam chính hiệu”.
… đến “lối nói Quế Hiệp”
Giọng nói độc đáo đã đành, người Quế Hiệp còn sở hữu một lối nói hết sức đặc biệt, mới nghe qua thì có vẻ “cà tửng”, “trớt quớt” nhưng không thể nhịn cười và đôi khi cũng cà khịa dễ “lộn óc”, “ói máu”. Ông Trần Đê, một lão nông ở làng Nghi Hạ, xã Quế Hiệp, sống vào giữa thế kỷ XX là người có lối nói cà khịa được xem là tiêu biểu cho “lối nói Quế Hiệp”. Những người quê Quế Sơn nay ở độ tuổi thất tuần mỗi lần gặp nhau thường kể lại những câu chuyện về ông Đê để làm quà tặng thay cho “trăm thang thuốc” (nụ cười bằng mười thang thuốc). Xin kể vài trong rất nhiều những câu chuyện đó:
Khoảng cuối thập niên 50, khi mới thành lập, Ban Đại diện xã Sơn Trung (nay là Quế Hiệp) chưa có trụ sở cơ quan nên mượn tạm nhà ông Đê để làm việc. Cán bộ xã vốn là những nông dân nên có thói quen ăn nửa buổi. Một lần, anh cán bộ xã đói bụng liền hỏi: Có chi ăn uống nước không bác Đê? (Ăn uống nước là ăn qua loa). Ông Đê trả lời ngay: Tưởng tiệc tùng chi chớ ăn uống nước thì thiếu chi. Các chú chờ xí nghe.
Nói xong ông xuống bếp nấu... một nồi khoai. Khoai thì ít mà ông bỏ muối thiệt nhiều. Khi ông đem rổ khoai lên ai cũng hăm hở bốc một củ. Nhưng khi bỏ vào miệng ai cũng nhăn mặt vì… mặn quá. Họ lấy làm lạ. Ông Đê thủng thẳng nói: Thì tại mấy chú muốn ăn uống nước mà. Mặn như rứa mới… khát nước chớ.
Đám Đại diện xã đành bấm bụng cố nuốt cho hết rổ khoai mặn chát để… uống nước.
Lần khác, học trò Trường tiểu học Sơn Trung đi cắm trại. Đến 4 giờ rưỡi chiều mà không thấy đứa cháu cưng về, ông liền chạy xuống nhà thầy hiệu trưởng. Thấy ông, thầy cảnh giác hỏi ngay: Bác đi mô rứa? Tôi ghé hỏi thầy thử, chớ cắm trại làm răng mà chừ các cháu chưa về? Thầy gãi đầu: Nhổ trại từ hồi 3 giờ rưỡi rồi mà?! Ông đáp liền: Chắc thầy không hướng dẫn kỹ nên học sinh cắm trại… sâu quá, chừ nhổ chưa lên.
Nói xong ông ra về. Thầy hiệu trưởng nghe xong phì cười nhưng rồi vội vàng đạp xe đi tìm mấy đứa học trò… “cắm trại sâu quá”.
Một lần ông dẫn bò đi cày. Ra gần đến ruộng thấy anh dân vệ ra hiệu bảo ông dừng lại. Chờ gần 10 phút mới nghe tiếng súng nổ. Thì ra anh ta đang ngắm bắn một con cu. Ông Đê liền “cà khịa”: Răng rồi chú, trúng không mà tui thấy hắn cứ bay thẳng lên Hòn Tàu? Anh dân vệ chữa thẹn: Chim ở đây nhỏ quá nên khó trúng. Ông Đê nói ngay: Ừ, chim ở đây rứa hết. Xong ông chỉ con bò đực cộ (bò lớn) của mình rồi tiếp: Muốn lớn thì có con nu của tui đây.
Ở Quế Hiệp, người ta gọi con bò là con nu, cũng như con mèo là con mướp. Nhưng ông lại cắc cớ, cố ý phát âm nhòe đi để cho anh dân vệ nghe thành con cu khiến anh chàng “quê” quá, im lặng xách súng bỏ đi.
Lần khác mẹ ông Đê bị ốm. Một thầy thuốc bắc dạo đi ngang được ông mời vào chữa. Sau một tuần thuốc men, mẹ ông chẳng khá được tí nào mặc dù ông lo cơm, rượu cho thầy đầy đủ.
Thấy không xong, thầy định rút êm nên sau khi cắt một thang để lại, thầy giục ông trả tiền thuốc để thầy đi khám chỗ khác. Bệnh thì không khỏi, tiền thuốc thì “hét” trên trời nên ông bực mình: Thầy đi đột ngột tui làm răng có tiền trả thầy. Chừ mới có một nửa thôi. Thầy năn nỉ: Bác chịu khó chạy để tui đi cho kịp. Ông bảo: Thôi được, để tui chạy. Nhưng chạy xa hay gần. Từ đây chạy đến chợ được không thầy?
Thầy thuốc biết khó mà “chém” được ông Đê nên nhét tiền vào túi rồi xách gói đi thẳng một hơi!
LÊ THÍ