.

Tục táng cá Ông

.

Trong suy nghĩ của những ngư dân miền biển Quảng Nam thì cá Ông không chỉ là một vị thần cứu trợ trên biển mà còn là một vị thần bản mệnh liên quan đến sự hưng vong của vạn chài.

Buộc thi thể cá Ông trước khi đưa lên làm lễ táng (ảnh trái) và quấn vải đỏ khâm liệm cá Ông trước khi đưa xuống huyệt mộ.  Ảnh: M.H.L
Buộc thi thể cá Ông trước khi đưa lên làm lễ táng (ảnh trái) và quấn vải đỏ khâm liệm cá Ông trước khi đưa xuống huyệt mộ. Ảnh: M.H.L

Từ lâu, ngư dân miền biển nói chung và ngư dân Quảng Nam nói riêng rất tôn trọng và luôn có thái độ biết ơn đối với cá Ông. Trong tâm thức của họ, đây là loài cá rất hay giúp đỡ các ngư dân trong công việc đánh bắt hải sản. Đặc biệt, trong những lúc tàu thuyền gặp bão tố, cá Ông thường xuất hiện để đưa người và thuyền vào bờ.

Theo truyền thuyết, cá Ông vốn hóa thân từ những mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm quăng xuống biển để cứu vớt sinh linh bị chìm đắm, được Phật Bà ban phép để cứu người trên biển. Cũng có truyền thuyết gắn với những bước đường bôn tẩu của chúa Nguyễn Ánh (về sau là vua Gia Long) như sau: khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, thủy quân của chúa tháo chạy ra biển và gặp phải sóng to gió lớn, trong lúc nguy khốn đó bỗng có một con cá Ông to lớn ghé đưa thuyền vào bờ. Sau này khi thắng quân Tây Sơn và lên ngôi vua, nhớ ơn cứu mạng, Gia Long đã phong tặng cá Ông là Nam Hải Đại Tướng quân và ủng hộ nhân dân lập miếu thờ cúng, tín ngưỡng cá Ông…

Với những ân tình như vậy, khi gặp cá Ông chết (ngư dân trân trọng gọi là Ông lụy), ngư dân các vạn chài tiến hành đám tang cho cá Ông với những nghi lễ trang trọng nhất như đối với một người cao niên có uy tín trong làng khi qua đời. Đặc biệt, người đầu tiên phát hiện cá Ông lụy được coi như trưởng nam - con trai ông Nam Hải và phải chịu tang như người con trưởng chịu tang bố mẹ ruột. Người này được gọi là ông Sanh, để thể hiện tình cảm của ngư dân đối với loài vật cứu ơn sinh mệnh mình – như người sinh ra mình lần thứ hai.

Khi Ông lụy vào khu vực nào, cư dân khu vực đó cho rằng đây là điều may mắn, rằng Ông đã đem điềm lành về với dân làng. Người đứng đầu làng, đầu xã cho người mang loa, mõ đi thông báo khắp nơi để mọi người trong làng biết mà chuẩn bị mọi thủ tục mai táng. Nếu cá nhỏ thì chỉ một nhóm ngư dân cùng đưa Ông vào bờ để chôn cất; nếu cá nặng hàng tấn thì cả làng, cả xã cùng tổ chức lễ tang.

Khi phát hiện cá Ông lụy, ngư dân địa phương tự giác cho ghe nhẹ nhàng áp sát để dìu xác cá Ông vào bờ. Người ta lấy tre làm thành sợi dây thật chắc rồi huy động thanh niên trai tráng kéo Ông lên bờ. Sau đó, dân làng tìm địa điểm cao ráo, sạch sẽ, thoáng đãng và đặc biệt phải là hướng nhìn ra biển hoặc sông để lập đàn cúng tế. Xưa kia, tiến trình chôn cất cá Ông diễn ra trong 3 ngày với những công việc như sau:

Ngày đầu: lập tang chủ, lập hội đồng hộ lễ; tắm gội, phạn hàm (cho gạo vào mồm – ĐNCT), nhập quan, thiết linh sàng, minh tinh, thành phục, triêu tịch diện (cúng cơm mỗi sáng, chiều – ĐNCT). Ngày thứ hai: ngày lễ tế, đêm tổ chức hát bội. Ngày thứ ba: Đưa đám, cúng hậu thổ nghi tiết; hát bả trạo đưa linh Ông. Hạ huyệt xong có tổ chức đua ghe để Ông chứng cho lòng thành và âm hồn vui hưởng, không quậy phá.

Sau ba ngày thì làm lễ mở cửa mả; tiếp tục làm tuần 7 ngày, 21 ngày, lễ chung thất 49 ngày, lễ đàm tế (lễ đốt bỏ tang phục) 90 ngày và lễ đại tường 100 ngày. Đủ ba năm thì làm lễ cải táng, lấy xương xếp vào quách xây sẵn trong lăng hoặc đưa ra nghĩa địa cá Ông cải táng, cử người trông coi, hương khói hằng tháng, lễ tế hằng năm.

Đối với các vạn chài khác, khi hay tin cá Ông lụy ở vạn nào thì mang lễ vật đến phúng điếu và góp tiền lo tang ma cho Ông. Hằng năm vào các dịp Xuân kỳ, Thu tế, các vạn chài đều cử người về dự và thực hiện các nghi thức phúng điếu rất bài bản.

Dưới thời phong kiến, khi Ông lụy thì triều đình cử quan quân tiến hành kiểm tra cẩn thận để cấp tiền tuất cho dân làng địa phương lo tang ma chu đáo. Ngoài ra còn cấp hương đèn, vải đỏ để khâm liệm, sau khi chôn cất Ông xong được cấp đất xây lăng, cấp ruộng hương hỏa lập đền thờ cúng. Tùy thuộc vào công trạng đóng góp của Ông và theo đề nghị của dân làng mà Ông được phong tặng các cấp đẳng thần.

Xưa kia, vùng biển ở Quảng Nam là nơi có rất nhiều cá Ông lụy vào bờ; đặc biệt là các xã ven biển huyện Núi Thành như: Tam Hải, Tam Quang, Tam Tiến, Tam Giang… Do vậy, trải qua bao thế hệ con cháu bám biển vươn khơi, ở các địa phương này đã hình thành nên những nghĩa địa cá Ông, nơi ít thì năm bảy bộ xương cốt cá Ông như ở xã Tam Tiến, Tam Giang… nhiều thì lên đến cả hàng trăm bộ như nghĩa địa cá Ông ở Tam Hải… Theo kinh nghiệm của các ngư dân cao niên thì do bãi biển ở những vùng này được thiên nhiên ưu đãi với làn nước biếc trong xanh, yên sóng, cát mịn nên khi gặp nạn cá Ông thường dạt vào đây.

Tín ngưỡng thờ phụng, tôn kính cá Ông của ngư dân miền biển Quảng Nam xưa kia thể hiện tình cảm của ngư dân đối với một hiện tượng thiên nhiên rất gắn bó với họ. Bởi thế, tục này không đơn thuần chỉ là sự thực hành tín ngưỡng mà còn thể hiện khát vọng an lành, may mắn trong những chuyến vươn khơi bám biển dài ngày nơi đầu sóng ngọn gió; thể hiện tinh thần đoàn kết tương trợ trong lao động - sản xuất, trong hoạt động đánh bắt thủy-hải sản của cư dân sông nước ngày đêm lênh đênh giữa biển khơi đối đầu với thiên nhiên, sóng gió…

MAI HỒNG LÂM

;
.
.
.
.
.