.

Chuyện Cấm Giá

Cấm Giá là cách người Nam Ô gọi khu rừng nguyên sinh nhỏ mọc toàn cây giá, cây bần. Sở dĩ có tên như thế bởi ngày trước, Chánh tổng từng ra bố cáo cấm nghiêm ngặt không được phá rừng, nếu ai đốn một cây sẽ bị phạt bù một con heo thịt.

Đại việt Sử ký toàn thư có ghi: “Sông Cu Đê chảy qua xã Cu Đê, đến đây có sông Hoa Ổ nhập vào chảy ra cửa biển Cu Đê”. Sông Hoa Ổ hay sông Hóa Ổ là sông Nam Ô ngày nay. Tên sông đổi theo tên làng như mọi người đều biết (Hoa Ổ là tên làng cổ, vì kỵ húy vợ vua Minh Mạng là Hồ Thị Hoa nên đọc thành Hóa Ổ. Còn Nam Ô là tên một nhà trạm thời nhà Nguyễn mặc nhiên trở thành tên làng).

Bà là người đức tốt nhưng yểu mệnh. Cha chồng là vua Gia Long rất thương mà ra lệnh kiêng kỵ chữ Hoa trong tên bà, trở thành một câu chuyện nổi tiếng, dẫn đến việc đổi tên hàng loạt của các địa danh trong nước, cho đến tận ngày nay.

Con sông từ xa xưa đã “ngậm dòng nước biếc” để đất làng Nam Ô làm chỗ tựa lưng làm nên phong cảnh hữu tình cho câu ca dao truyền mãi “Không ở Nam Ô là quê/ Sông sau biển trước núi kề một bên”.

Sông Nam Ô trước kia, bên bờ tây là một rừng cây bần, cây giá ngập mặn nguyên sinh, trải dài theo hướng nam bắc, đến cửa sông Cu Đê ngoặt về tây cộng sinh với rừng ô rô kéo lên đến bến đò làng Thủy Tú… Cấm Giá là cách người Nam Ô gọi khu rừng nguyên sinh nhỏ mọc toàn cây giá, cây bần, cắm rễ xuống đất sình xăm xắp nước, hàng nghìn cây ken dày oằn gốc tạo hình thế rồi vươn mình lên khoe cành khoe lá xanh um dưới ánh mặt trời; để mỗi ngày mời gọi cả nghìn cánh cò về chấp chới cánh trắng cả rừng cây, gọi nhau náo động khi ánh trời chiều in màu đỏ rực xuống mặt sông, ở đó hiện lên hình ảnh những người còn cần mẫn đi nhủi cá bống trong chiều muộn. Thật là phong cảnh gợi tình xốn xang hiếm thấy.

Cấm Giá không những là cảnh đẹp u huyền bí ẩn để tuổi thơ một thời luôn ước ao khám phá, mà còn là bức bình phong quý giá chắn gió độc cho đất làng Nam Ô, đến mức trong lịch sử hàng trăm năm trước dân làng Nam Ô phải đổi cả hòn núi đá Xuân Sơn to đùng nằm giữa làng để lấy rừng bần, giá này.

Chuyện kể, ngày xưa Cấm Giá nằm trên đất nà thuộc làng Xuân Thiều quản lý. Năm nọ, dân làng Nam Ô bỗng nhiên phát bệnh ghẻ kéo dài khó chữa. Một hôm có thầy địa lý đi ngang qua làng, dừng lại chỉ tay về phía Cấm Giá, phán rằng: Có cái bình phong ngăn gió độc lại thuộc về người khác thì hỏi làm sao không bị ghẻ! Các vị lý trưởng, tiên chỉ trong làng tin lời bèn họp bàn, đàm phán với làng Xuân Thiều xin được quản cái Cấm Giá kia. Cuối cùng, dưới sự chứng kiến của Chánh tổng, làng Nam Ô có được Cấm Giá của Xuân Thiều, đổi lại làng Xuân Thiều nhận núi Xuân Sơn của Nam Ô, hai bên ghi vào địa bạ của làng mình. Nghe nói sau sự chuyển đổi tài nguyên này, dân Nam Ô dần dần hết ghẻ lở (!).

Từ ngày Cấm Giá thuộc về làng Nam Ô, theo thói quen, dân hai làng thường vào đây chặt cây đốn củi, ngăn không cho Lý trưởng báo lên Chánh tổng. Chánh tổng bèn ra bố cáo cấm nghiêm ngặt không được phá rừng, nếu ai đốn một cây sẽ bị phạt bù một con heo thịt (vì thế rừng này dân trong vùng gọi là Cấm Giá). Tuy nhiên cũng có kẻ lén lút làm càn. Lý trưởng Nam Ô bực tức, nghĩ phải nhờ đến uy quyền ông Chánh tổng một phen, vả lại từ ngày nhờ Chánh tổng trong vụ đổi núi lấy rừng vẫn chưa có dịp cảm tạ quan trên. Sẵn trong nhà đang có con heo thịt định bán, Lý trưởng bèn tương kế tựu kế, đang đêm vừa sai người đầy tớ bơi thúng qua Cấm Giá chặt cây vừa sai dân binh mai phục. Bị bắt quả tang, người đầy tớ bị điệu về đình làng xét xử. Cả hội đồng hương quản khó xử, người trong làng kháo nhau: Người nhà của Lý trưởng mà, dễ gì. Nhưng Lý trưởng dõng dạc: Vương pháp bất vị thân, mũi dại lái chịu đòn. Tôi xin bù phạt!

Thế là con heo nhà Lý trưởng được xẻ thịt, khách mời dĩ nhiên là ông Chánh tổng, ngoài ra còn có ông Lý trưởng  Xuân Thiều và các vị tiên chỉ hai làng. Án phạt được ông Chánh tổng nhấn mạnh về tính nghiêm minh để bảo vệ Cấm Giá. Cuộc tiệc diễn ra thật hả hê. Người dân ở ngoài cũng hả hê, có người còn hú hồn may là mình thoát khỏi, nếu không, có con heo mô mà bù!…

Từ đó, Cấm Giá mới thực sự là... Cấm Giá, không còn ai dám xâm phạm dù chỉ một cành nhỏ để khu rừng nguyên sinh ngập mặn này đến sau năm 1975 vẫn tươi xanh, rậm rạp, u huyền bí ẩn mà mọi người trước đây từng thấy.

Ngày nay, Cấm Giá ấy không còn nữa! Trước đó, vào những năm 1980 - 1990 của thế kỷ trước, rừng đã bị triệt hạ bởi phong trào nuôi tôm nước lợ. Lúc đó, nếu lệ làng xưa còn hiệu lực, không biết người ta phải bù mấy vạn con heo thịt!

Nay đất ấy nhường chỗ cho một dự án mang tên Golden Hills. Mai này khu đô thị sinh thái mang tên Thủy Tú - Ecorio có địa trạch phong thủy thượng thừa được thành hình, sông Nam Ô dù đã bị dự án này lấp làm cho hẹp lại cũng sẽ in hình những biệt thự lộng lẫy bên bờ tây, đêm đêm soi bóng xuống mặt sông vô số ánh đèn lung linh huyền ảo thay thế cho rừng Cấm Giá xanh mướt, u huyền ngàn năm đang lẻn sâu vào trong ký ức của người Nam Ô.

Đặng Dùng

;
.
.
.
.
.