.

Tích đức cho cháu con

.

Quế Sơn, tuy là huyện mới của Quảng Nam (mới thành lập năm 1836, dưới triều Minh Mạng) và là huyện trung du, có điều kiện sống còn khó khăn nhưng cũng góp phần xứng đáng cho đất học Quảng Nam với 2 tiến sĩ (Phạm Nhữ Khuê, Phan Quang), 3 phó bảng (Nguyễn Đình Hiến, Nguyễn Mậu Hoán, Phạm Đình Long) và 11 cử nhân. Trong đó, tộc Phan ở làng Phước Sơn (nay là xã Quế Châu) là tộc họ khoa bảng hàng đầu của huyện với 1 tiến sĩ, 2 cử nhân và 2 tú tài.

Bức hoành phi ghi ba chữ “Đức vi quý” (ảnh trái) và mộ cụ Phan Văn Thuật vừa được con cháu trùng tu. Ảnh: P.P.H
Bức hoành phi ghi ba chữ “Đức vi quý” (ảnh trái) và mộ cụ Phan Văn Thuật vừa được con cháu trùng tu. Ảnh: P.P.H

Một gia đình khoa bảng tiêu biểu

Người mở đầu khoa bảng cho tộc Phan là Phan Văn Thuật, sinh năm 1809, đỗ cử nhân năm 1840, nổi tiếng là một ông quan thanh liêm, mẫn cán, đặc biệt có tài xử án. Ông có bốn người cháu, Phan Quang đỗ tiến sĩ, Phan Vĩnh đỗ cử nhân, Phan Xáng và Phan Ấm cùng đỗ tú tài.

Phan Vĩnh sinh năm 1883, đỗ cử nhân khoa 1906, khoa thi đặc biệt của trường thi Thừa Thiên (bị sĩ tử Quảng Nam làm đơn khiếu kiện phải phúc khảo lại toàn bộ), từng làm Tri phủ Hàm Tân, Bình Thuận, nhưng mất sớm (khi chỉ mới 36 tuổi).

Phan Quang là người đỗ đạt cao nhất, đỗ tiến sĩ khoa thi Hội năm 1898, được gọi là khoa Ngũ phụng tề phi của Quảng Nam với ba tiến sĩ và 2 phó bảng. Tính cả khoa thì Phan Quang đỗ thứ ba (sau Đào Nguyên Phổ và Phạm Liệu) nhưng trong Ngũ phụng thì Phan Quang đỗ thứ hai.

Nho học suy tàn và chấm dứt vào năm 1919, tộc họ này không còn người đỗ cao nhưng rất nhiều người thành đạt về học thuật.

Con trưởng của Phan Quang là sử gia Phan Khoang - tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như Việt sử xứ Đàng Trong, Việt Pháp bang giao sử lược, Trung Quốc sử lược, Việt Nam Pháp thuộc sử, Trung dung chú giải, Đại học dịch giải… Con thứ của ông là nhà văn Phan Du tác giả của những tác phẩm Hai chậu lan tố tâm, Hang động mới, Quảng Nam trong lịch sử…

Hai người con khác của ông, Phan Mật và Phan Hựu, cũng khá thành công về mặt văn chương. Nhà văn Vũ Hạnh, Bộ trưởng biệt phái Bộ Ngoại giao (1983-1987) Võ Đông Giang cũng đều là cháu ngoại của ông.

Tích đức cho con cháu

Người dân Quế Sơn vẫn cho rằng Phan Văn Thuật không những là người khai khoa cho dòng tộc mà còn là người tích đức cho cháu con.

Năm 1848 (Mậu Thân) Phan Văn Thuật được bổ làm tri huyện Minh Linh tỉnh Quảng Trị, sau đó là tri phủ Phúc Long (Gia Định). Năm 1860, ông được cử làm Khâm sai ra Hà Nội phúc thẩm các vụ án hình sự. Với tài xử án, ông đã giải quyết được nhiều án oan, được triều đình khen ngợi. Sau đó ông được bổ làm Quản đạo tỉnh Quảng Trị, sau thăng chức Án sát rồi Bố chánh Quảng Bình. Năm 1865 chuyển về kinh làm Biện lý bộ Hình. Năm 1868 được bổ làm Bố chánh sứ Tuyên Quang, được một thời gian thì bị ốm phải xin về quê chữa bệnh và mất ở quê nhà ngày 13-11 năm Kỷ Tỵ (1869), hưởng thọ 62 tuổi.

Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết về ông: “Phan Văn Thuật làm quan siêng năng, tài cán, đến đâu cũng có tiếng hay về hành chính và đạo đức”.

Chuyện kể, khi đến nhậm chức Án sát Quảng Bình, ông phát hiện một vụ án oan do người tiền nhiệm để lại mà duyên cớ là do… tham nhũng. Một thanh niên con một nhà buôn lớn đã bị kết án tử, chờ ngày xử giảo. Ông đã cho điều tra lại toàn bộ vụ án. Với cái tâm trong sáng của bậc “chi dân phụ mẫu” đúng nghĩa và tài xử án một khâm sai triều đình, vị Án sát người Quảng giàu lòng nhân hậu ấy đã xử lại kỳ án hết sức phức tạp này một cách tâm phục khẩu phục, minh oan được cho chàng thanh niên vô tội đáng thương, là nạn nhân của bọn tham quan ô lại.

Nhân dân vô cùng kính phục. Gia đình nạn nhân hết sức cảm kích đã đem nhiều vàng bạc châu báu đến tạ ơn vị cứu sống con mình. Phan Văn Thuật một mực từ chối. Ông bảo: “Tôi làm quan ăn lộc triều đình, xét luận công tội phân minh, đem lại công bằng cho dân chúng, là phận sự của tôi mà thôi”.

Không tặng được vàng bạc, gia đình nạn nhân đã năn nỉ xin tặng ông một vật mọn là chiếc võng mới để thay cho chiếc võng điều ông đang dùng đã bị sờn rách. Nể tình, ông nhận. Nhưng một thời gian lính khiêng võng phát hiện chiếc võng mới quá nặng so với chiếc võng cũ. Đâm nghi, ông bèn kiểm tra lại và phát hiện trong ống tre của đòn khiêng có hàng trăm cây vàng. Ông gọi người nhà nạn nhân đến và trước mặt quân lính bắt phải mang cả võng và vàng về. Gia đình nạn nhân phải sụp lạy xin ông tha lỗi.

Nhận thấy ơn cứu tử của ông quá lớn, trong khi đời sống của ông lại quá sức thanh bạch nên gia đình nạn nhân vẫn luôn tìm cách để trả ơn. Khi được biết Phan Văn Thuật rời kinh ra lãnh chức Bố chánh tận Tuyên Quang xa xôi, gia đình người được ông cứu mạng liền giả dạng làm lính, mang tiền bạc về quê ông và thưa với vợ ông là nhận lệnh ông sai về làm lại nhà cửa cho ông để có chỗ cho vợ con sống đàng hoàng hơn vì lúc này vợ con ông đang sống trong một ngôi nhà tranh tre bình thường đã xuống cấp. Tin lời, vợ ông để cho thợ làm lại nhà. Một ngôi nhà ngói 5 gian được dựng lên. Giữa nhà có một bức đại tự sơn son thếp vàng đề 3 chữ: ĐỨC VI QUÝ.

Ở Tuyên Quang ông chẳng hay biết gì.

Mãi cho đến khi bị bệnh phải về quê nghỉ dưỡng ông mới tá hỏa vì căn nhà hoành tráng của mình. Chưa kịp tìm gặp lại cha con người âm thầm “trả ơn” cho mình thì ông đã qua đời. Trước khi mất, ông dặn vợ con phải tìm cho được họ để trả một phần tiền xây nhà và nói lời cám ơn.

Hiện nay bức hoành phi vẫn còn ở nhà thờ phái Quý, tộc Phan ở xã Quế Châu, huyện Quế Sơn. Vinh danh ông, thành phố Đà Nẵng đã có đường phố mang tên Phan Văn Thuật.

PHAN PHƯỚC HIỆP

;
.
.
.
.
.