Ở thượng lưu sông Thu Bồn, trên một vách đá sừng sững một phần chìm dưới nước có một văn bia cổ của người Chăm, dù bị nước xói mòn qua hàng nghìn năm nhưng nét chữ vẫn còn hằn sâu, rõ ràng, đã làm cho dòng sông vốn kỳ bí lại càng thêm kỳ bí.
Khảo sát văn bia Thạch Bích. Nguồn: Internet |
Trong bài viết “Lưu dấu Chàm trong phong tục và tín ngưỡng An Nam tại Quảng Nam” đăng trong Tạp chí Những người bạn Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH)) năm 1923, Albert Sallet, một nhà nghiên cứu dân tộc học của Pháp làm việc ở Trung Kỳ, đã cho biết: “Một vách núi đá có khắc chữ, trên thượng nguồn sông Thu Bồn, chỉ bày lộ ra khi nước ròng, vách đá Thạch Bích, là vật lễ bái của nhóm dân chài. Ngày 18 tháng Tám là lễ vía của vách đá hằng năm”.
Vách đá Thạch Bích mà Sallet đề cập ở trên hiện là vách đá còn chìm dưới nước ở hữu ngạn sông Thu Bồn, sát với Hòn Kẽm - Đá Dừng thuộc thôn Thạch Bích, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Vách đá chạm khắc tiếng Chăm gồm hai hàng chữ, mỗi hàng dài độ 2 mét, thân chữ cao khoảng 0,15 mét với nét chữ hằn sâu, cứng cáp, đều đặn mặc dù trải qua hàng chục thế kỷ đã bị nước chảy bào mòn hết một phần. Văn bia Chăm này được một viên Tham tá người Pháp làm việc tại Tòa Công sứ ở Hội An tên là Rougier phát hiện vào năm 1908, sau đó thông báo cho Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội biết. Năm 1911, nhà bi ký học Edourd Huber, giáo sư tại Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp đã chịu khó băng đèo vượt suối tìm đến nơi và giải mã bằng cách Latinh hóa và dịch ra tiếng Pháp. Huber cho biết văn bia chỉ có nội dung:
Cri Campecvaro vijayi mahipati Cri
Prakàcadharmmeti sthàpitavàn Amarecam iha
Dịch nghĩa: Hoàng đế Parkàcdharma, vua nước Chămpa vinh quang muôn năm Chúa đất nơi đây xin dâng cúng đấng Siva này.
E. Huber cho rằng “đấng Siva này” có thể là một vật tượng Linga bằng đá ngày xưa đã được dựng bên dòng chữ khắc nằm cạnh dòng chảy sông Thu Bồn. Có thể do nước chảy xoáy cuốn trôi hình tượng Linga và nay chỉ còn lại dòng chữ mà thôi. Cũng theo Huber, việc đặt tượng thờ Linga ngâm dưới dòng sông, suối là hiện tượng rất bình thường của người Chăm. Ngày nay người ta vẫn còn tìm thấy tượng thờ Linga đặt bên dòng suối ở nhiều nơi như ở Phnom Kulen, phía đông Angkor (Campuchia).
Còn “Hoàng đế Parkàcdharma, vua nước Chămpa vinh quang”, theo Georges Maspéro trong “Vương quốc Chămpa” (Le Royaume de Champa), chính là Vikrantavarman I, một trong những vị vua đặc biệt, trị vì đất nước Chămpa vào thế kỷ thứ VII.
Thế nhưng, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương lại cho rằng văn bia này có thể có niên đại sớm hơn, vào khoảng thế kỷ IV, dưới thời vua Bhadravaman I (380 - 413), còn được gọi là Phạm Hồ Đạt. Đây là người sáng lập vương triều Gangaraja và là vị vua đầu tiên xây dựng khu đền tháp Mỹ Sơn.
Vì thế, văn bia Thạch Bích cần sự nghiên cứu đánh giá kỹ hơn của các nhà khoa học.
Với cảnh trí thơ mộng và hùng vĩ của Hòn Kẽm - Đá Dừng, văn bia Chăm nằm trên khối đá nặng hàng mấy chục tấn, đứng sừng sững soi mình xuống dòng sông Thu Bồn đã làm cho đoạn sông Thu Bồn qua vùng Nông Sơn càng thêm kỳ bí. Trước đây đoạn sông này vẫn được gọi là sông Thiêng, chứa đầy những truyền thuyết. Hằng năm vào khoảng rằm tháng tám, khi mực nước sông hạ thấp, dòng chữ lại hiện ra. Dân chúng quanh vùng, nhất là các ngư dân trên sông, đem hoa quả, lễ vật bày biện trên văn khắc để dâng cúng. Điều này thể hiện sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Chăm - Việt trên vùng đất thượng nguồn sông Thu Bồn.
Di tích văn bia Chăm trên vách núi Thạch Bích ở Nông Sơn là một di tích đặc biệt vì là một di tích cổ và lạ. Lạ vì những văn bia Chăm loại khắc trên đá có thể tìm thấy ở nhiều nơi tại Quảng Nam nhưng dấu tích văn bia của một tượng thờ Linga nằm dưới dòng sông thì duy nhất chỉ có tại đây. Cổ vì văn bia đã được khắc từ thế kỷ thứ VII (IV?) lại gắn với một vị vua đặc biệt của người Chăm mang hai dòng máu Chămpa - Chân Lạp là Vikrantavarman I, trị vì vào thời kỳ thịnh trị, với nhiều nét độc đáo về văn hóa. Nó cũng cho thấy ngay từ thế kỷ thứ VII (IV?), việc trao đổi hàng hóa đã trở nên tấp nập. Các loại trầm hương, vàng, trầu cau, hồ tiêu trở thành sản vật trao đổi giữa các thương nhân miền xuôi và miền thượng theo sông Thu Bồn. Vì thế nó góp phần quan trọng chứng minh cho những trầm tích văn hóa đặc biệt của vùng tây Quảng Nam.
Chưa nói đến những giá trị trước mắt về mặt du lịch, di tích Chăm trên núi Thạch Bích luôn là một phần trong đời sống tâm linh của người dân Nông Sơn. Người dân nơi đây vẫn gọi văn bia đó là Đá Bùa: “Rồi sẽ có nhiều cách giải thích khác nhau về sự hiện hữu của những dòng chữ bí ẩn kia, nhưng liệu giữa việc tường minh hóa nội dung ấy và việc cứ giữ đó lớp khói sương huyền hoặc, giữa nhận thức lý tính của khoa học và những xúc cảm mỹ học... cái nào sẽ cần thiết hơn! Ðôi khi đó cũng là chuyện để chúng ta phải suy nghĩ” (Đất và Người Quế Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2015, trang 509).
Việc bảo vệ một di tích độc đáo có lịch sử hàng ngàn năm là nhiệm vụ của người dân Nông Sơn. Đó cũng là một thách thức trước sự tàn phá lạnh lùng của thiên nhiên, thời gian và cả… con người!
LÊ THÍ