.

Quan Công trong tín ngưỡng cư dân Đà Nẵng

.

Ở Đà Nẵng, Quan Công không chỉ được thờ tự trong cộng đồng người Hoa mà còn được thờ tự trong các gia đình, đình, chùa, miếu của người Việt như: đình Phước Thuận (huyện Hòa Vang), đình Nam Thọ (quận Sơn Trà), đình Trung Nghĩa, đình Phú Lộc, đình Hòa Mỹ (quận Liên Chiểu)…

Tượng Quan Công (giữa) và Quan Bình, Châu Thương tại động Huyền Không, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Tượng Quan Công (giữa) và Quan Bình, Châu Thương tại động Huyền Không, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Quan Công (160 – 219) tên thật là Quan Vũ, tự Vân Trường, quê ở huyện Giải Lương, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Giải Châu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Ông được xem là người giỏi võ nghệ và được tôn vinh là “tướng thần”.

Sách Đào viên Minh Thánh kinh in bằng mộc bản dưới thời nhà Thanh (Trung Quốc) chép rằng: Thời Tam Quốc ngài từng ứng mộ dẹp giặc Khăn Vàng nên đã kết nghĩa đào viên với Lưu Bị và Trương Phi. Ông là một danh tướng bậc nhất đã có nhiều công lớn phò Hán, dẹp Ngô, diệt Ngụy, nổi tiếng là người trung nghĩa tiết liệt và đức độ nên được người đời tán tụng “Tam Quốc anh hùng vô đối thủ; Nhất trường trung liệt hữu toàn nhân” (Thời Tam Quốc không có ai là đối thủ; Trong trường trung liệt ngài là người hoàn hảo nhất).

Từ đời nhà Tống (960 – 1279), Quan Công được thần thánh hóa và trở thành vị thần trong tín ngưỡng của Trung Quốc và được thờ cúng ở nhiều nơi. Từ đó về sau, Quan Công được các triều đại phong kiến Trung Quốc phong tặng nhiều danh hiệu khác nhau nhằm đề cao ý thức hệ phong kiến, giáo dục trung hiếu, nhân nghĩa cho nhân dân.

Mặt khác, các thương gia Trung Quốc bắt đầu thờ Quan Công vào cuối đời Minh (1368 – 1644) qua đời Thanh (1644 – 1912) rồi đến thời Dân Quốc (1911 – 1949), bởi giai đoạn này kinh tế thương mại phát triển nên tầng lớp thương nhân thờ Quan Công biểu trưng cho chữ “Tín” trong buôn bán. Ngoài ra, ông còn được xem là vị thần võ - tài  thường bảo vệ và mang đến may mắn, tiền bạc cho họ. Và chính ông hay hiển linh, trừ ma, đuổi tà, giúp nước, cứu đời nên được sắc phong “Tam giới Phục ma Đại đế Thần uy Viễn trấn Thiên tôn Quan Thánh Đế Quân” và được lập miếu thờ ở nhiều nơi.

Trong các giai thoại dân gian cũng như những tác phẩm văn học, sử học của Trung Quốc đều ca ngợi Quan Công là người trung nghĩa, hiên ngang, chính trực, văn võ toàn tài, có tiết tháo của người quân tử... Những phẩm chất đó phù hợp với truyền thống văn hóa Trung Quốc vốn chịu ảnh hưởng của Nho giáo sâu sắc.

Còn ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, do ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo nên vào thời nhà Nguyễn, nhiều ngôi đình thờ Quan Công cũng được các vua nhà Nguyễn ban sắc phong để nhân dân thờ cúng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn lưu giữ hơn 20 sắc phong của các vua nhà Nguyễn như: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định… đã phong thần cho Quan Công.

Chẳng hạn trong sắc phong của vua Khải Định cho đình Nam Thọ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) vào ngày 25-7-1924 đã nêu lên những công đức của Quan Công: “Sắc chỉ cho xã Nam Thọ thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam từ trước đã phụng thờ ngài Quan Thánh Đế Quân, có công phụ dực và bảo vệ nền Trung hưng. Ngài giúp nước che chở cho dân, có công đức sáng rạng, đã được mông ân ban cấp sắc chỉ, chuẩn cho được thờ phụng”. Thần hiệu cao nhất của Quan Công được nhà Nguyễn sắc phong là “Quan Thánh Đế Quân Hộ quốc Tí dân Hiển hữu Công đức Dực bảo Trung hưng Đại vương Tôn thần”.

Ở Đà Nẵng, Quan Công không chỉ được thờ tự trong cộng đồng người Hoa mà còn được thờ tự trong các gia đình, đình, miếu của người Việt như: đình Phước Thuận (Hòa Vang), đình Nam Thọ (Sơn Trà), đình Trung Nghĩa, đình Phú Lộc, đình Hòa Mỹ (Liên Chiểu)…

Tại Thiên Hậu Cung (thường được dân gian gọi là chùa Bà), một trong những cơ sở thờ tự nổi tiếng của người Việt gốc Hoa tại Đà Nẵng, tọa lạc số 407 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu, ngoài Thiên Hậu là vị thần chủ thì ban thờ Quan Công được đặt bên hữu của chính điện. Tượng Quan Công được chế tác bằng thạch cao, sơn màu trong tư thế ngồi, mặt đỏ sậm hướng về phía trước, râu năm chòm, đầu đội mũ Kim hoa, thân mặc áo giáp trụ, ngoài khoác áo màu xanh lá cây.

Đặc biệt, tại động Huyền Không thuộc danh thắng Ngũ Hành Sơn có miếu thờ Quan Công. Bên trong ban thờ có bộ tượng thể hiện hình ảnh của Quan Công mày ngài, mắt phượng, râu năm chòm, mặt đỏ, trong trang phục võ tướng, đang ngồi ở tư thế rất đường bệ, tay trái đặt lên đầu gối, còn tay phải đang vuốt râu rất ung dung, tự tại. Hai bên có hai pho tượng là thái tử Quan Bình và bộ tướng Châu Thương, người cầm thanh long đao, người cầm ấn, đứng hầu.

Một số gia đình cũng đặt khám thờ ông, bên trong thường đặt một bức tranh hay tượng của Quan Công, hai bên là Châu Thương và Quan Bình, hoặc một bài vị bằng giấy đỏ viết mấy chữ “Hiệp thiên Đại đế Quan Thánh Đế Quân”. Khám thờ này thường quay ra hướng cửa, bởi người ta cho rằng, ông có tài trừ ma diệt quái nên để ông giám sát không cho tà ma vào quấy phá gia đình. Ngoài ra, dân gian còn quan niệm, Quan Công là vị thần hộ mạng cho những người đàn ông làm chủ gia đình nên càng cần phải thờ cúng ông. Quan Công thường được cúng vào các ngày sóc (mồng 1 âm lịch), vọng (ngày rằm) hằng tháng và các ngày lễ tiết trong năm, đặc biệt là ngày “vía Ông” 24-6 âm lịch.

Như vậy, tín ngưỡng thờ Quan Công – vị thần trong tín ngưỡng dân gian đem lại sự an bình, may mắn, trừ tà ma,… không chỉ được người Hoa ở Đà Nẵng sùng bái mà cũng được người Việt thờ tự trong gia đình và những thiết chế làng xã của mình. Họ thờ cúng một cách trang trọng, thể hiện sự khâm phục, ngưỡng vọng một nhân cách lớn lao của Quan Công và tin tưởng vào sự phù hộ độ trì của ông. Điều này phần nào đã phản ánh sự giao lưu và tiếp biến văn hóa của cộng đồng cư dân Việt – Hoa trong quá trình tụ cư, chung sống trên mảnh đất Đà Nẵng suốt bao thế kỷ qua.

VŨ HOÀI AN

;
.
.
.
.
.